Trong các mô hình nuôi thuỷ sản hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp với cua, cá và sò huyết đang phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế, lại giảm được nhiều rủi ro. Mô hình kết hợp của ông Ngô Văn Kẻn, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn là một điển hình.
Trong các mô hình nuôi thuỷ sản hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp với cua, cá và sò huyết đang phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế, lại giảm được nhiều rủi ro. Mô hình kết hợp của ông Ngô Văn Kẻn, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn là một điển hình.
Với hơn 4 ha đất sản xuất, nhiều năm qua ông Ngô Văn Kẻn nuôi tôm theo mô hình quảng canh truyền thống, hiệu quả mang lại không cao, đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham quan thực tế và tìm tòi học hỏi kinh nghiệm thêm từ báo, đài, năm 2014 ông chuyển 2 trong 4 ha đất nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi quảng canh cải tiến kết hợp. Từ khi chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với nuôi cá, cua và sò huyết, ông thu nhập từ 180-200 triệu đồng/năm.
Thu hoạch sò huyết, vọp trong vuông tôm nuôi kết hợp của ông Ngô Văn Kẻn, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. |
Ông Ngô Văn Kẻn chia sẻ, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với nuôi cá, cua và sò huyết khá đơn giản nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Cứ 3 tháng thả từ 1.000-2.000 con cua giống, kết hợp thả khoảng 100.000 con tôm giống. Trước khi thả tôm giống cần có ao ươm dưỡng tôm hơn 1 tháng mới thả ra môi trường tự nhiên. Điều quan trọng, trước khi thả tôm giống, phải cải tạo ao, đầm như: sên vét đáy ao, bón vôi liều lượng 1 tấn/1,5 ha và phơi nắng đến khi mặt đất nứt chân chim. Sau đó lấy nước vào ao nuôi đạt 1,4 m, sau 3 ngày thuốc cá rồi tiến hành đo độ pH, kiềm, độ mặn mới tiến hành thả giống.
Ðể tiếp tục phát huy lợi thế nuôi tôm kết hợp với nhiều loài thuỷ sản khác, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Trung khuyến cáo, cần quan tâm đầu tư cải tạo tốt ao đầm, bờ bao chắc chắn giữ được mức nước theo yêu cầu kỹ thuật. Con giống phải lựa chọn kỹ qua kiểm tra chất lượng, quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi, mật độ thả các đối tượng hợp lý nhằm giảm rủi ro. Khi có dịch bệnh xảy ra, hộ nuôi phải tự giác khai báo cho nhân viên thú y hay khuyến ngư để kịp thời xử lý môi trường, nước ao nuôi có tôm bị bệnh không được xả ra bên ngoài. |
Theo ông Kẻn, ngoài khâu xử lý ao, đầm, con giống là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của mô hình. Tôm giống trước khi thả nuôi phải được xét nghiệm sạch bệnh, kích cỡ đồng đều, độ dài con tôm 1,2-1,5 cm, thả giống lúc sáng sớm hay chiều tối. Điều quan trọng trước khi thả phải ngâm bọc tôm dưới ao nuôi khoảng 20 phút để thuần hoá nhiệt độ, tôm không bị sốc môi trường.
Thành công từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thuỷ sản khác cho thấy, khi người nông dân biết ứng dụng kỹ thuật vào nuôi trồng sẽ giảm được rất nhiều rủi ro, cũng như bảo vệ tốt môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng cao./.
Bài và ảnh: Trúc Ly