Đó là suy nghĩ và hành động của hội viên nông dân Lê Minh Tâm, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi. Anh vinh dự được huyện chọn báo cáo tại Hội nghị Ðiển hình tiên tiến cấp tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Đó là suy nghĩ và hành động của hội viên nông dân Lê Minh Tâm, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi. Anh vinh dự được huyện chọn báo cáo tại Hội nghị Ðiển hình tiên tiến cấp tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Tình hình biến đổi khí hậu, triều cường dâng, ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh… vẫn thường xuyên xảy ra trong năm. Từ thực tế khó khăn trên đã thúc đẩy anh cố gắng tìm tòi, nghiên cứu ra những cái hay, cái mới phục vụ nhu cầu thiết thực trong sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong quy trình sản xuất, từ việc sên vét ao đầm đến việc thực hiện quy trình thả tôm giống, anh đều nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu những thành công, thất bại của bà con để rút kinh nghiệm, từ đó tạo ra mô hình mới có hiệu quả cao.
Năm 2000, anh nghiên cứu thành công đề tài Máy sên bùn ít lên nước, đưa vào sử dụng và đem lại hiệu quả khá cao, đề tài này của anh đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau năm 2011. Với kinh nghiệm nhiều năm sống với nghề nuôi tôm, anh có điều kiện thực nghiệm, nghiên cứu nhiều mô hình, từ nuôi tôm quảng canh truyền thống đến những mô hình nuôi tôm hiện đại mật độ cao có trang bị kỹ thuật tiên tiến. Trên thực tế, anh thấy các mô hình nuôi tôm hiện nay bộc lộ nhiều yếu tố kém bền vững, dễ suy thoái hệ vi sinh trong đất, gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh... Từ đó, anh nghiên cứu mô hình lọc nước theo cơ chế dòng chảy một chiều. Quy trình nuôi vận dụng cơ chế lọc này anh áp dụng cho đầm nuôi quảng canh cải tiến, trong đó quy hoạch hệ thống lọc chiếm 10% tổng diện tích đầm nuôi. Kết cấu hệ thống lọc, anh trồng cỏ nước mặn, dựa vào cơ chế quang hợp tự nhiên của cỏ để hấp thu khí độc trong nước, loại bỏ toàn bộ các chất lơ lửng, bào tử giáp xác, tảo độc gây hại cho tôm nuôi. Bãi cỏ lọc nước anh ngăn ra thành nhiều ô nhỏ, sau đó bơm nước đáy mương lên, nước chảy qua bãi lọc ở trạng thái nước mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời để tiêu diệt các vi-rút, vi khuẩn gây bệnh và bể lọc quy hoạch có chiều dài đảm bảo từ 200 m trở lên.
Về phương pháp lọc, anh dùng máy bơm bơm nước đáy mương cho chảy lên bể lọc ở đầu A và tháo nước ra ở đầu B. Với đầm nuôi có diện tích từ 10.000 m3 nước trở lại, chỉ sử dụng máy bơm có công suất 10 HP là đạt yêu cầu. Ở đầm nuôi có diện tích lớn thì dùng 2 máy bơm nước. Về ưu điểm của mô hình này là người nuôi tôm tự lọc nước dơ bẩn trong đầm nuôi thành nước sạch mà không thông qua bể lắng, không sử dụng hoá chất, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh, áp dụng tốt cho môi trường nuôi khép kín, ít thay nước, áp dụng tốt cho tất cả các mô hình từ nuôi quảng canh đến quảng canh cải tiến, nuôi chuyên canh mật độ cao. Ðặc biệt, mô hình này có tính an toàn cao, tôm ít có mầm bệnh, người nuôi dễ điều tiết năng suất, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước bên ngoài. Và cũng từ suy nghĩ với cách làm hiệu quả này, năm 2013 anh đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Thoát nghèo, vươn lên từ những sáng tạo và cũng nhờ vào sự sáng tạo đã tạo ra một môi trường bền vững trong sản xuất, nhờ vậy với 12 ha (8 ha đất rừng, 4 ha đất nuôi tôm), gia đình anh có mức thu nhập bình quân hằng năm khoảng 300 triệu đồng, từ đó đáp ứng tốt điều kiện sống, sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình; hiện tại anh đã xây dựng được nhà ở cơ bản./.
Vương Hữu Ðức