(CMO) Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay toàn tỉnh xuống giống khoảng 36.000 ha. Đến nay những vùng đất đã được bố trí sản xuất 2 vụ lúa ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau đã cày ải phơi đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa mới được 27.339 ha. Diện tích còn lại khoảng 9.000 ha, đợi khi có mưa bà con tiến hành cày giòn. Nhằm giúp bà con nông dân chủ động ứng phó và có giải pháp hạn chế thiệt hại do thời tiết, thiên tai và góp phần sản xuất đạt hiệu quả, trong đó có vụ hè thu sắp tới, Sở NN&PTNT đang triển khai hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho vụ hè thu năm nay.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau Nguyễn Trần Thức cho biết, đối với vùng đất được bố trí sản xuất 2 vụ lúa/năm ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau, có 2 phương pháp gieo sạ được áp dụng cho vụ hè thu tới là sạ khô và sạ gác.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ mới cày ải phơi đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa mới được 27.339 ha. |
Đối với sạ khô, người dân cần gieo sạ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch trước khi mùa mưa thật sự bắt đầu. Bố trí gieo sạ ở vùng đất gò, đất được cày ải, ít cỏ dại, ít nhiễm phèn, mặn, thoát nước tốt vào đầu mùa mưa; tập trung chủ yếu ở xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình), một số ấp thuộc xã Khánh Lâm, Khánh Hội (huyện U Minh), xã Khánh Bình và một số ấp thuộc xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Mật độ giống gieo sạ khô từ 90-110 kg/ha (10 công tầm nhỏ), tương đương 120-140 kg/10 công lớn tuỳ điều kiện mặt bằng của từng ruộng.
Riêng đối với sạ gác, người dân sẽ gieo sạ từ cuối tháng 5 dương lịch đến cuối tháng 6 dương lịch, khi lượng mưa nhiều, đủ nước để làm đất và được áp dụng cho các xã: Khánh Hội, Khánh An (huyện U Minh); An Xuyên, Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) và một số xã còn lại thuộc huyện Trần Văn Thời. Đối với sạ gác, lượng hạt giống 80-100 kg/ha (10 công nhỏ), tương đương 110-130 kg/10 công lớn tuỳ điều kiện mặt bằng của từng ruộng. Các vùng không cày ải được và vùng nhiễm phèn nặng cần phải được rửa phèn đầu vụ, tăng cường bón lót vôi, phân lân để cải tạo phèn và áp dụng biện pháp sạ gác để tránh hiện tượng lúa bị nổi sau khi sạ.
Để hạn chế tình trạng mất mùa, mất giá như vụ đông xuân vừa qua, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên nắm bắt thông tin, nhu cầu sử dụng lúa hàng hoá của thị trường, chọn giống lúa nhóm A đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, chống chịu sâu bệnh, phèn mặn, năng suất cao, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu. Có 3 nhóm để lựa chọn: Nhóm giống lúa chất lượng cao gồm OM18, OM5451..., bố trí sản xuất khoảng 65-70% diện tích; nhóm giống lúa thơm đặc sản: ST20, ST24, ST25, RVT, đài thơm 8..., bố trí sản xuất khoảng 10-15% diện tích; nhóm giống lúa chất lượng trung bình: OM576, OM6976…, bố trí sản xuất khoảng 10% diện tích. Ngoài ra, có thể gieo sạ một số giống lúa triển vọng khác như: Cà Mau 1, Cà Mau 3, OM350 bố trí sản xuất diện hẹp, khoảng 3-5% diện tích.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo các địa phương tham khảo ý kiến thương lái, doanh nghiệp để chọn giống lúa sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, các giống lúa mới (đã được công nhận giống quốc gia) chưa phổ biến chỉ sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp. Lúa giống nên mua ở nơi có uy tín, phải có nhãn mác bao bì, tên cơ sở, ngày sản xuất và công bố hợp quy. Vụ hè thu thường bị đổ ngã do mưa to, dông lốc xảy ra vào cuối vụ nên người dân cần chọn giống lúa thấp, cứng cây, chống đổ ngã, gieo sạ thưa, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, không lạm dụng phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng sau khi lúa trổ và tăng cường bón phân sinh học, hữu cơ, phân kali, silic giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã.
"Trước tình hình giá lúa giống, vật tư nông nghiệp và công thuê mướn lao động vẫn ở mức cao nên các địa phương cần tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết nông dân gắn HTX, THT với các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ lúa hàng hoá theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung thành vùng nguyên liệu lúa an toàn có truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm tối đa chi phí, giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân", Kỹ sư Nguyễn Trần Thức khuyến cáo./.
Trung Đỉnh