Tranh thủ những cơn mưa chuyển mùa, bà con nông dân vùng ngọt hoá huyện U Minh khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại, xuống giống vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, chính vì vậy người dân cần chủ động theo dõi để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả cao.
Tranh thủ những cơn mưa chuyển mùa, bà con nông dân vùng ngọt hoá huyện U Minh khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại, xuống giống vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, chính vì vậy người dân cần chủ động theo dõi để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả cao.
Tích cực chuẩn bị
Khánh Lâm là xã có diện tích canh tác lúa 2 vụ lớn nhất huyện U Minh. Hơn tháng qua, các diện tích lúa hè thu đều đã được người dân cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Vài hộ đã tiến hành xuống giống xong.
Anh Trần Văn Hậu, Ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh tích cực vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu. |
Ông Trần Văn Tứ, Ấp 3, xã Khánh Lâm, canh tác 15 công ruộng. Vụ mùa trước, tình hình thời tiết bất lợi, mưa lớn ngay đầu vụ, nắng hạn cuối vụ đã khiến cho năng suất lúa thu hoạch bị giảm sút. Ðến vụ mùa năm nay, ông đang hy vọng thời tiết thuận lợi hơn để sạ lúa đạt hiệu quả. Ông Tứ cho biết: “Thông thường vào khoảng mùng 7-8/4 âm lịch là xuống giống. Tuy nhiên, do hiện giờ mực nước dưới các con kinh đều khô cạn, thậm chí bị nhiễm mặn nên phải chờ mưa xuống để xuống giống. Hiện tại tôi đã mua lúa giống xong rồi chỉ chờ có mưa dầm là sạ thôi”.
Vụ lúa hè thu năm nay, huyện U Minh đề ra chỉ tiêu thực hiện 4.000 ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Khánh Lâm với hơn 2.600 ha. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bà con nông dân có thể chọn phương pháp sạ khô áp dụng ở những vùng đất gò cao, gò được cày ải, ít cỏ dại, thoát nước tốt. Thời điểm sạ khô thích hợp từ tháng 5 đến khi mùa mưa thật sự bắt đầu, gieo sạ bằng hạt giống không ủ. Ðối với phương pháp sạ gác, gieo bằng hạt giống ngâm ủ, bắt đầu từ cuối tháng 5 dương lịch và tập trung trong tháng 6.
Kỹ sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện U Minh, cho biết: “Phương pháp sạ gác thường đạt hiệu quả cao hơn, tỷ lệ hao hụt ít hơn sạ khô. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này, yêu cầu chân ruộng phải có lượng nước nhất định, cộng với mưa dầm kéo dài thì mới đảm bảo đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, tình hình lượng mưa ít như hiện nay, cộng với tập quán sạ khô của bà con trong nhiều năm qua, phương pháp này ít được bà con áp dụng. Tuỳ mặt ruộng và lượng mưa mà bà con có thể chọn phương pháp gieo sạ phù hợp”.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả trong sản xuất, ngành chuyên môn cũng lưu ý bà con cần chú trọng làm thuỷ nông nội đồng, chang bằng mặt ruộng, gieo sạ đồng loạt, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Ðối với những vùng đất bị nhiễm phèn nên tăng cường bón lót vôi, phân lân để cải tạo trước khi gieo sạ và áp dụng phương pháp sạ gác để tránh hiện tượng lúa nổi sau khi sạ. Những vùng đất gò cao cần có kế hoạch dự trữ nước ngọt tại chỗ để tưới bổ sung khi có nắng hạn cục bộ vào tháng 7 và tháng 8 dương lịch. Bà con nên chọn các giống lúa nhóm A, cấp xác nhận, ít nhiễm sâu bệnh, đạt năng suất cao, tiêu biểu như: OM 5451, OM 6162, OM 7347, OM 6976…
Bà con nông dân nên thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin thời tiết. Ngành nông nghiệp tuỳ tình hình thực tế địa phương, khuyến cáo lịch thời vụ phù hợp cho từng tiểu vùng sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra cho bà con nông dân.
Những trăn trở
Người dân hiện nay đã có nhiều kinh nghiệm, các khâu canh tác đều được cơ giới hoá, nhưng việc sản xuất còn nhỏ lẻ, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Ông Tứ trăn trở: “Mong sao có hệ thống thuỷ lợi đồng bộ để chúng tôi có thể chủ động trong việc bơm thoát nước phục vụ cho sản xuất, vì cứ phụ thuộc vào nước trời rất khó để làm ăn. Có khi phải chịu cảnh trắng tay là bình thường. Như năm rồi tôi sạ đến 2 lần mà thu hoạch không được bao nhiêu”.
Anh Trần Văn Hậu ở Ấp 7, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Hôm rồi có họp dân, triển khai việc thực hiện cánh đồng lớn, tôi thấy phấn khởi lắm. Tuy nhiên, không biết lý do gì mà vẫn chưa thực hiện được trong vụ này. Mình sản xuất ở đây chủ yếu theo kinh nghiệm mà bây giờ làm vậy khó ăn quá. Mong sao được vô cánh đồng lớn, được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để không bị tư thương ép giá. Thêm cái là mình làm đồng loạt để giảm chi phí”.
Dù không còn cảnh “chân lấm tay bùn”, nhưng người nông dân ngày nay luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất. Ðặc biệt là tình hình thời tiết bất lợi hoặc điệp khúc “được mùa mất giá”. Hy vọng, trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, người dân có thể chủ động được việc sản xuất, thay đổi tập quán canh tác để đạt hiệu quả cao, thu nhập ổn định./.
Bài và ảnh: Trần Chương