(CMO) Nghe chúng tôi có ý định về Tân Thuận công tác, một người bạn ở đây liền vui mừng khoe, “giờ về quê tui không phải đi nhờ đường bên tỉnh bạn Bạc Liêu nữa đâu nhé, có đường bê tông thẳng tắp đi nhanh lắm”.
Đường về Tân Thuận còn xa...
Như mở cờ trong bụng, theo hướng dẫn của bạn, từ sáng sớm tôi đã đến xã Tân Đức, men theo con đường bê tông mới hoàn thành về xã Tân Thuận. Chỉ mới liếc ngang nhìn dọc những căn nhà tường khang trang hai bên đường chẳng mấy chốc đã đến được trung tâm xã Tân Thuận. Dù không giấu được niềm vui vì mấy mươi năm qua Tân Thuận mới chính thức có được trục đường về tới trung tâm, nhưng Bí thư Đảng uỷ xã Trần Văn Tỉa vẫn trăn trở: "Nói là đường ô tô về trung tâm xã, nhưng thực chất ô tô vẫn chưa thể về trung tâm xã do còn vướng vài cây cầu".
Nỗi buồn ấy càng thể hiện rõ hơn khi có một đồng nghiệp liên hệ với ông Tỉa hẹn xuống xã công tác bằng ô tô. Qua điện thoại, ông Tỉa hướng dẫn, “nếu đi ô tô thì đi đường của tỉnh Bạc Liêu, đến trung tâm huyện Đông Hải rồi qua phà. Nếu không thì đi đến xã Tân Đức bỏ xe đó kêu đò dọc chạy xuống”.
Vậy là dù trên danh nghĩa đã có đường ô tô về trung tâm xã, nhưng thực tế để về Tân Thuận bằng ô tô vẫn phải đi nhờ đường bên tỉnh bạn Bạc Liêu. “Đường về trung tâm xã đã xong, giờ chỉ còn kỳ vọng vào trục lộ Đông Tây. Nếu trục đường này hoàn thành đúng tiến độ theo dự kiến, thì đến năm 2020 hạ tầng giao thông của xã khá ổn”.
Chia sẻ thêm về hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn, ông Tỉa cho biết, từ năm 2014 đến nay, xã đã xây dựng được hơn 74 km lô bê tông, cơ bản nối liền các ấp về đến trung tâm xã, dù đường không lớn, chỉ khoảng 1-2 m. Nhìn chung, đường tương đối ổn, điều mà xã trăn trở lớn nhất là tỷ lệ hộ nghèo.
Từ năm 2014 đến nay, xã được đầu tư trên 74 km lộ nông thôn. |
Đúng là khi nhìn vào con số tỷ lệ hộ nghèo khó ai tránh khỏi băn khoăn như ông Tỉa. Trong số 381 hộ nghèo hiện nay của xã có đến 115 hộ nghèo đồng bào dân tộc và số còn lại là dân di cư tự do. Trong khi đó, ông Tỉa cho biết thêm, công tác giảm nghèo của xã cũng chủ yếu từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, vốn hỗ trợ xã bãi ngang ven biển và từ việc giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, các nguồn này không đáng kể, bởi hộ nghèo của xã chủ yếu di cư tự do, hộ đồng bào dân tộc, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu trình độ, thậm chí thiếu lao động. “Năm nay kế hoạch huyện giao giảm 3,78%, tương đương 145 hộ, chắc khó đạt được”, ông Tỉa băn khoăn.
Băn khoăn ấy hoàn toàn có thể cảm thông được bởi kinh tế chính của xã hiện nay chỉ là nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Mà 2 ngành nghề này muốn phát triển phải có tư liệu sản xuất là đất hoặc có vốn để đầu tư đóng tàu thuyền ra khơi. 2 điều kiện này các hộ nghèo trên địa bàn xã đều không có. Do đó, câu chuyện thoát nghèo nơi đây vô cùng gian nan và chủ yếu là đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp phía huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố khác.
Tha phương cầu thực hay trở về phía rừng phòng hộ để mưu sinh qua ngày là nguyên nhân khiến khu dân cư xen ghép của xã hiện nay ngày một thưa người. Theo thống kê sơ bộ của xã, trong tổng số 146 nền cấp cho bà con có 55 nền nhà bỏ trống và trong số này hơn 20 nền đã chuyển nhượng lại cho người khác. “Xã có tờ trình xin ý kiến xử lý các trường hợp đã nhận nền mà bỏ trống như hiện nay”, ông Tỉa cho biết.
Không quá khó để lý giải vì sao người dân lại chấp nhận rời nơi ở an toàn tại các khu dân cư để ra nơi đầu sóng ngọn gió, chấp nhận sống trong những căn nhà tạm bợ bằng cây lá địa phương. Tất cả chỉ vì để gia đình có được cơm no ngày hai bữa. “Bấp bênh” là những gì đã theo nhiều hộ dân sống dựa vào rừng, biển trên địa bàn xã Tân Thuận trong suốt thời gian qua và nó đúng luôn với các hộ dân theo nghề làm muối ở ấp Lưu Hoa Thanh.
Dù có tuổi đời hơn 35 năm nhưng nghề làm muối Tân Thuận cũng chủ yếu bằng phương pháp thủ công, đầu ra sản phẩm khá bấp bênh. |
Những mùa muối đắng
Mỗi khi nhắc đến Tân Thuận gần như ai cũng nhớ đến làng muối Lưu Hoa Thanh. Và muối Tân Thuận đã nổi tiếng trong cả nước bởi chất lượng vượt trội. Dù vậy, hơn 35 năm qua kể từ khi nghề làm muối được hình thành, những hạt muối vẫn chưa thể giúp diêm dân ở đây ăn ngon, ngủ yên.
Làng muối Tân Thuận nằm ven cửa biển Gành Hào, nơi không có gì nhiều hơn là nắng, gió và sóng biển. Có lẽ, chính những điều kiện khắc nghiệt này đã kết tinh và giúp hạt muối Tân Thuận trở nên ngon nhất nước. Đây chính là động lực giúp người dân theo nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù làm muối được đánh giá là nghề cực nhọc và nhiều thăng trầm nhất.
Gia đình chị Đỗ Thị Trợt, anh Lý Văn Ấn là một trong những hộ có thâm niên làm muối nơi đây. Rời quê hương huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để về Tân Thuận đã hơn 30 năm, chị Trợt là người đã nếm trải biết bao cay đắng, ngọt bùi cùng hạt muối. “Điệp khúc được mùa mất giá, được giá thì mất mùa hầu như không năm nào tránh khỏi”, chỉ Trợt bộc bạch.
Khi được hỏi năm nào nghề muối được xem là thê thảm nhất, chỉ Trợt vanh vách kể, đó là năm 1999, năm mà diêm dân không sao quên được khi giá muối chỉ còn khoảng 3-4 ngàn đồng/giạ, nhiều hộ chỉ biết nhìn muối rồi khóc. Hay gần nhất là năm 2016, ai cũng trúng mùa, nhưng giá muối lại rớt thê thảm, chỉ có 14-20 ngàn đồng/giạ. “Câu chuyện được mùa, được giá đối với diêm dân rất hiếm gặp”, chị Trợt xót xa.
Làng muối ở xã Tân Thuận hiện có khoảng 76 hộ với 168 ha. Năng suất bình quân hàng năm khoảng 60-70 tấn/ha. Hiện nay, giá muối khoảng từ 40-45 ngàn đồng/giạ. Với giá này thì mùa muối năm nay được xem tương đối ổn.
Một câu chuyện ở làng nghề có hơn 35 năm tuổi này có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến diêm dân thường có mùa muối “đắng” hơn “ngọt” chính là sản xuất theo kiểu “cha truyền con nối”, năng suất, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và thương lái. “Một số hộ có điều kiện thì trữ lại chờ đến mùa cá giá muối tăng lên một ít”, chị Trợt cho biết.
Được biết, trước đây diêm dân Tân Thuận được Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thí điểm sản xuất muối trải bạt. Tuy nhiên, đến nay mô hình thí điểm cũng chỉ là thí điểm, chưa thể nhân rộng do kinh phí đầu tư lớn trong khi giá thành và đầu ra không chắc chắn. Vậy là diêm dân Tân Thuận vẫn mỗi năm 6 tháng cần mẫn, tỉ mỉ từ sáng sớm đến chiều tối để cho ra những hạt muối trắng ngần, đậm đà vị mặn của biển theo cách mà họ đã thực hiện mấy mươi năm qua./.
Khó khăn của diêm dân Tân Thuận nói riêng và hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Thuận nói chung cũng chính là trăn trở của chính quyền địa phương. Ông Tỉa cho biết, xã đang đẩy nhanh tiến độ thành lập hợp tác xã muối Tân Thuận để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, các nguồn hỗ trợ cũng như tạo điều kiện cho đầu ra ổn định hơn. Ngoài ra, trong dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh, 7 ấp trên địa bàn xã dự kiến được chọn thí điểm đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Hy vọng đây là cơ hội, là nền tảng để Tân Thuận đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo. |
Nguyễn Phú