Bước vào vụ mùa sau ảnh hưởng của thiên tai, đại hạn, mưa trễ, nên vụ lúa hè thu năm nay nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đối mặt với lắm khó khăn.
Bước vào vụ mùa sau ảnh hưởng của thiên tai, đại hạn, mưa trễ, nên vụ lúa hè thu năm nay nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đối mặt với lắm khó khăn.
Ðồng ruộng khô cứng, nứt nẻ, không cày ải do máy móc không vào được do kinh, rạch khô cạn, vì vậy, đến cuối tháng 5, khâu làm đất phục vụ cho sản xuất lúa hè thu của huyện mới đạt so với kế hoạch đề ra. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, toàn huyện làm đất được 28.713 ha (vụ lúa hè thu năm nay, huyện đề ra kế hoạch xuống giống 28.000 ha). Trong đó, cày ải là 22.900 ha, cày giòn 5.813 ha.
Cày giòn, đất ruộng của ông Lượm không diệt hết cỏ dại. |
Ông Ðỗ Văn Sử, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, do ảnh hưởng của hạn hán nên khâu cày ải gặp nhiều khó khăn. Ðối với những nơi người dân chưa cày ải được, thời gian qua, huyện phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con tiến hành phương pháp cày giòn. Tuy nhiên, do kinh, rạch khô nước nên việc vận chuyển máy móc từ kinh này qua kinh khác gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đến thời điểm này, diện tích cày giòn mới được đảm bảo.
Nhờ những cơn mưa rải rác đầu mùa vừa qua, nước lại về trên các kinh, rạch nên ông Lê Văn Lượm (Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) mới thuê được cơ giới để làm đất. Ðất quá cứng nên ông Lượm đành chịu cày giòn. Ðây là năm đầu tiên trong hơn 50 năm làm ruộng ông Lượm gặp phải cảnh này. Ông Lượm cho biết: “Bà con vùng này cũng như tôi vậy, mới cày đất hơn chục ngày. Giờ đang đợi nắng lên, rồi cày thêm một đợt nữa. Tính ra, chi phí cày đất như thế này tốn gấp đôi so với mấy năm trước”.
Cày ải phơi đất là khâu quan trọng trong quá trình sản xuất lúa. Diệt cỏ dại, mầm bệnh, làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu của đất, giúp lúa phát triển tốt, đạt năng suất. Chính vì vậy, khi làm đất với phương pháp cày giòn đồng nghĩa với việc nông dân gặp nhiều trở ngại trong sản xuất. Do đất không được cải tạo tốt nên cỏ dại không được tiêu diệt triệt để, mầm bệnh, sâu hại tiềm tàng, chi phí sản xuất tăng theo. Ông Lượm than: “Do cày muộn nên đất vẫn còn ứ phèn. Vì vậy, tôi phải thêm phân lót cho giảm phèn, chi phí lại đội lên. Trong khi đó, vụ mùa rồi gia đình tôi thiệt hại nặng, tiền mua giống sản xuất vụ lúa này là gia đình mua thiếu”.
Cày ải gặp nhiều khó khăn, cộng thêm mùa mưa đến trễ nên không ít nơi nông dân vẫn loay hoay với việc tìm giải pháp để xuống giống cho kịp lịch thời vụ. Hiện nay, toàn huyện chỉ mới xuống giống được 12.880 ha, tập trung ở các xã: Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Lộc và Khánh Bình.
Tuy không rơi vào cảnh cày ải trễ như một số nông dân trong huyện, nhưng ông Lê Hoài Vũ (Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc) cũng rất lo lắng cho vụ lúa này. Ông Vũ bộc bạch: “Mưa trễ, đến giờ lượng nước trên đồng không đủ đáp ứng cho sản xuất, đợi không được nữa nên tôi phải bơm nước ở ngoài sông vô. Với tình hình này, tôi sợ là sạ trễ, tới khi thu hoạch gặp mưa nhiều, lúa bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất lúa. Ở đây, tôi còn khắc phục được, còn nhiều bà con ở ấp khác vẫn đang đợi nước”.
5 năm nay, do áp dụng mô hình đưa màu xuống ruộng nên trong quá trình sản xuất lúa, ông Ngô Văn Minh (Ấp 5, xã Trần Hợi) buộc phải tiến hành phương pháp cày giòn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông, kỹ thuật trồng lúa của nông dân bây giờ phát triển hơn trước đây rất nhiều. Vì vậy, mặc dù, cày giòn không đảm bảo như cày ải nhưng ông Minh vẫn không lo lắng gì, chỉ cần bón phân đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt, vụ mùa vẫn thành công.
Thế nhưng, hiện tại, ông Minh cũng như hầu hết bà con trong vùng vẫn chưa xuống giống được, nguyên nhân cũng vì thiếu lượng nước phục vụ cho sản xuất. Ông Minh cho biết: “Nguồn nước cơ bản chưa đủ, nếu xuống giống lúc này thì mình không chăm sóc lúa được, dẫn đến lúa bị èo ọt, chậm phát triển. Chờ nước ở sông lên cao chút để đủ lượng nước phục vụ cho cây lúa, tôi mới tiến hành xuống giống”./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh