(CMO) Được thành lập từ năm 2016, Câu lạc bộ dạy nghề cho người khuyết tật của Hội LHPN xã Tân Bằng, huyện Thới Bình đã trở thành “mái nhà chung” cho những phụ nữ kém may mắn khi sinh ra không được lành lặn, khoẻ mạnh.
Câu lạc bộ không chỉ giúp người khuyết tật có thêm thu nhập ổn định, mà còn góp phần xoá bỏ rào cản mặc cảm, tự ti để họ hoà nhập cộng đồng.
"Chân tay yếu thì nghị lực phải mạnh"
Là người trẻ tuổi nhất trong câu lạc bộ, Nguyễn Thị Huỳnh Như, 23 tuổi (ấp Kinh 6, xã Tân Bằng) vốn sinh ra bị dị tật ở chân, học đến lớp 5 thì bị tai nạn gãy tay nên phải nghỉ học. Cha đi sên đất mướn, mẹ ở nhà nội trợ lo cho Như và đứa em đang tuổi ăn học.
Câu lạc bộ dạy nghề cho người khuyết tật trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ khiếm khuyết. |
Như tâm sự: “Em cũng muốn đi xin việc để phụ giúp cha mẹ lo cho em đi học, nhưng không có chỗ nào nhận người khuyết tật. Đến khi tham gia câu lạc bộ, em được dạy nghề thêu tranh đính đá, kết cườm hoa, công việc không nặng nhọc, chỉ cần chịu khó. Đến đây, em được trò chuyện với các cô, các chị cũng là người khuyết tật, giúp em không còn mặc cảm vì được làm việc kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình”.
Được mọi người tin tưởng bầu làm “lớp trưởng” của câu lạc bộ, bà Nguyễn Thị Tươi năm nay đã 55 tuổi (ấp Kinh 9, xã Tân Bằng) là tấm gương sáng cho các chị em noi theo. Sinh ra không may bị khuyết tật ở chân, dáng người lại nhỏ nhắn, việc đi lại khó khăn, sau khi lập gia đình, cuộc sống chật vật, chồng đi bán vé số, con trai đang học lớp 11, hoàn cảnh gia đình khó khăn càng thêm chồng chất.
Khi câu lạc bộ thành lập, được Hội Phụ nữ xã Tân Bằng vận động tham gia, mỗi ngày bà Tươi đều đến đây để làm các việc như kết hoa, thêu tranh đính đá, kết cườm, kết móc khoá, kiếm được từ 80.000-100.000 đồng.
Bà Tươi xúc động: “Việc rất nhẹ nhàng, nếu không đến được câu lạc bộ thì có thể đem nguyên liệu về nhà làm, câu lạc bộ sẽ thu mua rồi bán ra thị trường giúp các chị em. Tết được nhiều đơn đặt hàng, chị em rất vui vì có việc để làm, có thêm thu nhập đỡ đần trong gia đình. Dù khiếm khuyết nhưng chị em ai cũng mạnh mẽ, muốn đi làm để lo cho con cái, gia đình của mình”.
Câu lạc bộ dạy nghề cho người khuyết tật xã Tân Bằng hiện có 19 thành viên, là các chị em phụ nữ bị khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, khuyết tật vận động bẩm sinh đang có cuộc sống khó khăn trên địa bàn. Chị Lê Thị Hồng Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, là người luôn tâm huyết với hoạt động của câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập. Để chị em có nơi sinh hoạt, chị tự bỏ ra hơn 120 triệu đồng xây cất căn nhà khang trang ngay trên tuyến đường Xuyên Á, tạo điều kiện cho chị em khuyết tật đi lại dễ dàng.
Ngoài các công việc trong câu lạc bộ, để tạo việc làm thường xuyên cho các chị em có thêm thu nhập, chị Phương còn mở cơ sở bán dây trói cua, nhận phụ nữ có thời gian nhàn rỗi đến làm, trong đó có phụ nữ khuyết tật. Trung bình một ngày, mỗi chị cắt được từ 70-100 kg dây, thu nhập từ 80.000-120.000 đồng.
Chị Trang Bích Liễu, ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, phấn khởi: “Kết hoa, thêu tranh khi nào có đơn đặt hàng thì chị em mới tập hợp đến chỗ làm, không có đơn hàng thì mình không có việc để làm. Nhờ cắt dây trói cua mà chị em có thêm việc làm hằng ngày kiếm tiền trang trải trong nhà”.
Tạo điều kiện để người khuyết tật hoà nhập
Xã Tân Bằng có 243 hội viên phụ nữ, trong đó có 19 hội viên khuyết tật. Thời gian qua, Hội LHPN xã Tân Bằng luôn quan tâm, hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những chị em khuyết tật vượt qua mặc cảm, tạo việc làm bằng nhiều mô hình, cách làm phù hợp. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 34 triệu đồng để câu lạc bộ làm kinh phí hoạt động cũng như giúp đỡ phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn xây cất nhà ở, tiếp thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lê Thị Hồng Phương chia sẻ: “Sản phẩm của chị em trong câu lạc bộ được nhiều người ưa chuộng, bán ra thị trường dịp Tết gần 19 triệu đồng. Còn những ngày bình thường, các chị cũng đến cắt dây trói cua và tham gia sinh hoạt hội rất tích cực, điều đó cho thấy các chị đã hoà nhập với mọi người”./.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thới Bình, cho biết: “Toàn huyện có hơn 3.300 người khuyết tật. Đa số người khuyết tật sức lao động yếu, không tìm được việc làm, sống phụ thuộc vào gia đình. Đó cũng là lý do khiến người khuyết tật mặc cảm, tự ti về chính mình. Mong rằng các cấp tạo điều kiện để xây dựng các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm, sinh hoạt văn hoá, thể thao cho người khuyết tật, giúp họ có niềm tin, lạc quan vươn lên”. |
Thảo Mơ