Hiểu rõ nhu cầu thị trường, nắm bắt quy luật cung - cầu, không ồ ạt chạy theo lợi nhuận trước mắt, luôn sản xuất có kế hoạch, có khoa học - kỹ thuật và định hướng lâu dài đã giúp người nông dân tay lấm chân bùn trở thành nhà nông hiện đại, năng động và thành công.
Hiểu rõ nhu cầu thị trường, nắm bắt quy luật cung - cầu, không ồ ạt chạy theo lợi nhuận trước mắt, luôn sản xuất có kế hoạch, có khoa học - kỹ thuật và định hướng lâu dài đã giúp người nông dân tay lấm chân bùn trở thành nhà nông hiện đại, năng động và thành công.
Trước năm 2008, vợ chồng anh Cao Văn Dũng và chị Phạm Thị Phương ra riêng làm ăn sinh sống tại ấp Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Cuộc sống gia đình cũng tạm ổn nhưng chuyện học hành của 2 con rất khó khăn. Với suy nghĩ “hành trang tương lai cho con không gì quý bằng tri thức”, anh chị quyết định trở về quê tại Khóm 2, phường Tân Thành, TP Cà Mau, định cư để tiện cho việc học của các con và chăm sóc chu đáo cho cha mẹ già ở tuổi “cổ lai hy”.
Tận dụng từng tấc đất, sản xuất có kế hoạch giúp gia đình anh Dũng thu lợi nhuận mỗi năm trên 400 triệu đồng. |
Bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, anh Dũng quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà. Chuyện làm giàu của anh Dũng kể ra cũng lắm gian nan. Với 14 công đất quanh năm phèn mặn, chỉ làm được 1 vụ lúa, thu nhập bấp bênh, đủ ăn đủ mặc đã khó chớ đừng nói đến chuyện có tích luỹ. Thấy trồng lúa không khá nổi, anh quyết định tìm hướng đi mới để đổi đời. Khai thác thế mạnh của vùng đất Tân Thành là con cá chình, cá bống tượng, anh mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để cải tạo lại mảnh đất ruộng, đào ao nuôi cá và lên liếp trồng rau màu, trồng 100 gốc xoài và gần 20 gốc cóc.
Nhìn mảnh đất mới cải tạo, hàng xóm ai cũng nói anh “liều”, mà đúng là anh “liều” thiệt. 100 triệu đồng vào thời điểm năm 2008 là số tiền lớn, đó là tất cả vốn liếng vợ chồng anh dành dụm được sau hơn 10 năm ra riêng. Gom hết gia tài bỏ vào 13 ao cá, anh trông đợi từng ngày để đến kỳ thu hoạch. Chẳng ngờ vụ nuôi đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, cá nuôi hao hụt nhiều, lại gặp ngay lúc cá xuống giá thảm hại, công sức hai vợ chồng quần quật cả năm không kiếm được một đồng lời.
“Buồn thì có buồn nhưng mình không nản, thất bại rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm hay lắm. Ðể nuôi cá đạt hiệu quả, bước đầu tiên là con giống phải tốt. Vậy là, mình lặn lội khắp nơi trong tỉnh để lựa chọn nguồn cung con giống, cải tạo ao nuôi, thả lại vụ mới. Rồi mình học hỏi kinh nghiệm từ mấy chú bác nuôi cá lâu năm thành công. Người ta làm được thì mình cũng làm được, chỉ là có quyết tâm hay không mà thôi”, anh Dũng tâm tình.
Cá nuôi xuống giá, dân nuôi cá nản, ít thả lại vụ sau. Riêng anh Dũng thì nghĩ: “Vụ này ít người nuôi, chắc chắn cung không đủ cầu, thế nào cá cũng có giá cao”. Nhận định của anh nông dân miệt vườn vậy mà đúng thiệt. Vụ nuôi thứ 2, ít người thả cá, nguồn cá mồi dồi dào lại rất rẻ, cuối kỳ thu hoạch cá chình, cá bống tượng đội giá cao, anh lời khẳm hơn 100 triệu đồng. Chăm chỉ, không đầu hàng khó khăn, tích luỹ kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất hiệu quả đã giúp anh thành công làm chinh phục được con cá chình, cá bống tượng. 13 ao cá của anh cho thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước vài chục triệu. Vụ thu hoạch cuối năm 2015, anh bỏ túi hơn 300 triệu đồng tiền lãi.
Không dừng lại ở việc nuôi cá, với suy nghĩ “mình là nông dân quý từng tấc đất và phải đi lên từ đất”, anh tận dụng tất cả đất trống trên bờ ao để trồng rau màu, cây ăn trái. “Anh Dũng là người đầu tiên trồng rau đắng trên bờ ao nuôi cá ở xóm này. Bà con xung quanh thấy hay bởi dễ làm, vừa có thu nhập mỗi ngày vừa chống xói mòn đất, ổn định môi trường nước ao nuôi, nên cũng trồng theo nhiều lắm. Rồi phát triển thành phong trào trồng rau trên bờ liếp, giúp nhiều hộ ăn nên làm ra”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành Trần Việt Hùng cho biết. Chỉ tính riêng hơn 1 công rau đắng, mỗi tháng anh Dũng có thêm hơn 5 triệu đồng.
Tính anh Dũng vốn kỹ lưỡng, không bao giờ chịu qua loa, đại khái. Trước khi trồng cây gì anh đều tìm hiểu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, đặc điểm của cây trồng, ưu tiên những loại cây không gây ảnh hưởng đến việc nuôi cá, nguồn thu chính của gia đình, rồi lên kế hoạch trồng thử nghiệm có kết quả mới nhân rộng. Chuyện trồng ổi của anh là một ví dụ.
Khi trồng 100 gốc xoài và gần 20 gốc cóc được 5 năm tuổi, cây phát triển tốt, tán lá xum xuê đã cho thu hoạch khá. Nhưng vấn đề cũng bắt đầu xuất hiện. Xoài và cóc thân cao, tán lá nhiều, độ che phủ mặt nước ao lớn, lại rụng nhiều lá xuống ao ảnh hưởng đến sự phát triển của con cá. Thấy vậy, anh Dũng suy nghĩ đến chuyện tìm một cây trồng khác thích hợp hơn. Nghĩ là làm, anh lặn lội lên miệt Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long làm bạn với các nhà vườn để tìm hiểu đặc tính của từng loại cây giống trong vườn. Cuối cùng anh ưng ý nhất là giống ổi bom Ðài Loan trong vườn nhà ông Tám ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Tìm hiểu cặn kẽ giống ổi xong, nhưng vốn kỹ tính, anh chỉ mua 2 cây về trồng thử. Sau 3 tháng, cây chịu bắt đất, phát triển tốt, anh mới mua thêm 18 cây nữa. Với số vốn ban đầu là 400.000 đồng cho 20 cây ổi giống, sau 1 năm cây bắt đầu cho trái. Vụ ổi đầu tiên anh thu về trên 8 triệu đồng. Ổi ngon, ít sử dụng phân bón, không thuốc trừ sâu, đầu ra lúc nào cũng hút, bao nhiêu cũng hết. Thấy có tương lai phát triển lâu dài, anh mài mò tìm cách chiết cành tự nhân giống. Mỗi cây ổi chiết khoảng 3 tháng rưỡi thì trồng được, trồng 12 tháng thì bắt đầu ra trái. Từ 20 cây ổi ban đầu, sau 3 năm chăm chỉ lao động anh đã tự nhân giống được 150 gốc ổi, hiện đang cho trái.
Ðể thuận tiện cho việc chăm sóc cây trồng, anh đầu tư hệ thống bơm chìm sử dụng trực tiếp nước dưới ao để tưới tự động, nhờ đó mà công và thời gian lao động giảm bớt, cây đủ nước phát triển tốt, năng suất cao. Mỗi tháng thu nhập từ ổi trên 10 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng ổi, anh Dũng nói: “Mình trồng ít sử dụng phân, không xài thuốc trừ sâu, chủ yếu là làm thủ công, phải chịu khó mới được. Cây dễ nhiễm sâu bệnh vào thời điểm chuyển mùa mưa sang nắng và ngược lại. Lúc này phải đánh bớt lá, phun tưới nước vệ sinh cây thường xuyên. Ổi cho trái khoảng 15 ngày thì lựa trái dùng bọc nilon bọc lại, cần chọn những trái tốt, tránh hướng mặt trời và mỗi nhánh chỉ để 1 trái để đảm bảo chất lượng trái. Hiện nay, tôi đã đặt mua thêm 200 cây nữa để trồng hết diện tích đất”.
Chuyện làm giàu của anh Dũng vẫn chưa dừng lại ở đó. Thấy bà con trồng dưa hấu trúng mùa, đón Tết sung túc, anh cũng học cách trồng dưa. Có điều là anh không trồng dưa ở ruộng mà trồng trên bờ ao cá. Ðể không ảnh hưởng đến cá nuôi, anh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ và bắt sâu bọ thủ công. Nhờ chăm chỉ, dưa hấu luôn đạt chất lượng cao, trái to tròn, ngon ngọt lại đảm bảo an toàn thực phẩm. Tết 2016, dưa hấu của anh được Siêu thị Coopmart Cà Mau kiểm định chất lượng và thu mua toàn bộ. Chỉ với 300 dây dưa anh bỏ túi ngon lành 11 triệu đồng. Tết đó, nhà anh Dũng ăn Tết to đùng. Chòm xóm cũng được dịp ăn mừng dưa hấu Tân Thành “lên đời” trên kệ hàng siêu thị.
Tất bật là vậy mà anh Dũng còn kiêm luôn việc lấy mối rau, củ, quả cho bà con chòm xóm. Chuyện là, đều đặn mỗi ngày từ 2 đến 3 giờ sáng, anh đi bỏ mối rau, quả nhà trồng cho chợ Phường 7. Thấy vậy, bà con cũng gửi bán. Rồi dần dần, anh mua lại của bà con, ai trồng được mớ rau, trái bầu, trái bí, món gì nhiều hay ít anh cũng cân. “Sẵn mình đi bán thì gom hàng dùm chòm xóm luôn. Bữa ít thì được trên 100 kg, bữa nhiều cũng trên 200 kg. Ít thì mình bỏ mối cho sạp, nhiều thì cân lại cho lái dưới huyện lên. Rau, quả mình ngon có uy tín, làm mấy năm nay lúc nào cũng bán hết, chưa bao giờ bị dội chợ”, anh Dũng bộc bạch.
Yêu lao động và lao động có hiệu quả, anh Dũng luôn nghĩ đến việc chia sẻ điều mình biết với mọi người, học hỏi kinh nghiệm từ người khác, tìm hướng liên kết trong sản xuất để phát triển hơn nữa. Năm 2015, anh viết đơn tự nguyện gia nhập CLB Cánh đồng 100 triệu phường Tân Thành và trở thành thành viên tích cực của CLB. Khi được hỏi công việc nhiều vậy rồi thời gian đâu mà anh làm xuể? Anh cười: “Ðồng vợ đồng chồng tát biển Ðông cũng cạn. Mình là nông dân bám đất quen rồi nên cũng không thấy cực nhọc gì, ăn thua mình biết sắp xếp thời gian hợp lý, trồng cái gì cũng phải có kế hoạch, tính toán thời vụ, đón bắt thị trường thì ổn hết”.
Sau gần 10 năm miệt mài lao động với ý chí kiên định lựa chọn hướng đi đúng đắn, cuộc sống gia đình anh Dũng đã trở nên giàu có với mức thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng. Hai con anh, người sắp tốt nghiệp đại học sư phạm, người đang học đại học y. Nhìn mảnh đất trù phú, dưới ao cá lội, trên bờ thì một màu xanh bạt ngàn của cây trái, thêm yêu hơn bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân. Họ là những nhà nông biết trân quý từng tấc đất, sống mạnh mẽ như những mầm cây bám đất và vươn lên từ đất./.
Bài và ảnh: Diễm Trinh