Ấp 9 là một trong những ấp khó khăn của xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Những năm qua, nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Chi hội Nông dân ấp đã xây dựng những mô hình sản xuất thiết thực, hiệu quả, từng bước tháo gỡ khó khăn, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Ấp 9 là một trong những ấp khó khăn của xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Những năm qua, nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Chi hội Nông dân ấp đã xây dựng những mô hình sản xuất thiết thực, hiệu quả, từng bước tháo gỡ khó khăn, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Với tổng số 163 hội viên, chi hội hiện có tới 48 hộ nghèo, chiếm khoảng 58% tổng số hộ nghèo trong ấp. Ðời sống nông dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản. Nhưng nhiều năm qua, con tôm cứ thất thu liên tục, cây lúa thu hoạch không nhiều, khiến cuộc sống nông dân liên tục gặp khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Mận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 9, cho biết: “Trước đây, số người tham gia hội ít, đa số bỏ đi làm ăn xa do nuôi tôm, cấy lúa thất, lại ít ai thuê mướn. Giờ đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ nông dân, chi hội xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, rau màu, trồng cây ăn trái đã đem lại thu nhập tương đối cho hội viên”.
Mô hình xay chả cá của Chi hội Nông dân Ấp 9, xã Khánh Thuận, đã cải thiện đáng kể đời sống hội viên. |
Nhận quỹ hỗ trợ từ cuối năm 2013, với tổng kinh phí 500 triệu đồng, chi hội đã xây dựng mô hình lúa - cá cho 21 hội viên vay. Bằng những giống lúa chất lượng, kháng sâu bệnh và các loại cá có giá trị kinh tế cao, sau 18 tháng thực hiện, năng suất lúa tăng lên 4,5 tấn/ha, tổng lợi nhuận bình quân mỗi hộ lên đến 30-50 triệu đồng/vụ. Nhiều hộ thoát nghèo từ mô hình này.
Ông Mai Phú Quí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, đánh giá: “Chi hội Nông dân Ấp 9 là một trong những chi hội có nhiều nỗ lực vượt khó, dù địa bàn khó khăn nhưng công tác phát triển hội viên, làm ăn kinh tế đứng đầu của xã. Nổi bật nhất là công tác thu Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt cao nhất trong toàn huyện. Vừa qua, chi hội còn được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng hội và phong trào nông dân giai đoạn 2014-2015”.
Từ tháng 4/2015, trong một lần học hỏi kinh nghiệm các chị em phụ nữ huyện bạn, chị Nguyễn Thị Mận đã "tập tành" cho các hội viên trong chi hội về cách thức làm chả cá phi (Ấp 9 vốn là địa bàn chuyển dịch sản xuất, lượng cá phi tương đối nhiều). Từ 6 chị em ban đầu làm thử nghiệm bán trong xóm, đến nay đã thu hút được 12 người, bán rộng rãi tại các chợ đầu mối trên địa bàn huyện.
Chị Mận, Tổ trưởng Tổ hợp tác Ðoàn Kết, chia sẻ: “Tổ có 12 thành viên tham gia, đó là chưa kể những hội viên khác làm rồi bán lẻ bên ngoài khá nhiều. Với cách thức đơn giản, mỗi ngày trung bình 1 người có thể làm từ 10-15 kg chả (1 kg chả cá tương đương 3,2 kg cá phi) và bán ra với giá 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận mang về khoảng 400.000 đồng”.
Chị Nguyễn Thị Vui, thành viên tổ hợp tác, nói, làm chả cá phi khá đơn giản, quan trọng là phải giữ màu trắng cho thịt chả. Bây giờ bỏ mối chợ huyện bao nhiêu người ta cũng mua, hay bán cho các đám tiệc trong ấp, xã đều rất chạy. Nhờ vậy, từ khi đi vào hoạt động, Tổ hợp tác Ðoàn Kết đã tạo nhiều công ăn việc làm, các tổ viên có thêm thu nhập ổn định.
Tổ hợp tác không chỉ hoạt động đều đặn và giúp nhau bằng hình thức đổi công, chia sẻ kinh nghiệm, mà còn xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ do các tổ viên tự đóng góp nhằm giúp đỡ những tổ viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 15 triệu đồng.
Dù điều kiện sống ở địa phương khó khăn nhưng cuộc sống của nông dân Ấp 9 được cải thiện đáng kể nhờ những mô hình sản xuất hiệu quả./.
Bài và ảnh: Hồng Nhung