"Xác định vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và Nhân dân, về mục đích, ý nghĩa của công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ); tổ chức quản lý và thực hiện quy định về ATVSLÐ tại các công ty; chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ người lao động (NLÐ)... Ðây cũng là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Ðảng và Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ.
Ông Phan Mộng Thành trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Cà Mau.
- Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ này?
Ông Phan Mộng Thành: Thời gian qua, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp trong tỉnh tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh công tác ATVSLÐ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tai nạn lao động nghiêm trọng giảm. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, NLÐ và xã hội được nâng lên. Công tác phòng ngừa, đánh giá rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại; chăm sóc sức khoẻ NLÐ, cải thiện điều kiện làm việc, cơ chế hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp và NLÐ được quan tâm hơn. Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương. Mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển dịch vụ huấn luyện, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động.
Tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn xây dựng văn hoá an toàn lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và NLÐ trong thực hiện ATVSLÐ theo quy định của pháp luật. Nhất là thông qua việc hằng năm tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức phát động Tháng Hành động ATVSLÐ và Tháng Công nhân. Các cấp công đoàn làm tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động. Từ đó, tạo sự quan tâm hơn nữa của các cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với NLÐ trong việc thương lượng, đối thoại, đảm bảo điều kiện ATVSLÐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Nhìn nhận từ quá trình thực hiện, theo ông, trong công tác đảm bảo ATVSLÐ còn những hạn chế gì?
Ông Phan Mộng Thành: ATVSLÐ là chính sách lớn, được Ðảng và Nhà nước hết sức coi trọng, thể hiện trong các văn kiện Ðại hội Ðảng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được thể chế hoá bằng các quy định trong Luật An toàn - Vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, công tác ATVSLÐ chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ tai nạn lao động chưa giảm, bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động. Một số cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, NLÐ chưa coi trọng công tác ATVSLÐ; nguồn lực đầu tư, công tác quản lý Nhà nước có mặt còn hạn chế; chưa chú trọng đúng mức công tác phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật của NLÐ, người sử dụng lao động chưa nghiêm. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến về ATVSLÐ chưa theo kịp thực tiễn.
Hơn ai hết, người lao động cần nâng cao ý thức về ATVSLÐ.
- Kế hoạch của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để triển khai công tác vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và Nhân dân thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Phan Mộng Thành: Thời gian tới, MTTQ tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, đơn vị và Nhân dân thực hiện tốt các biện pháp về an toàn lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLÐ thông qua hoạt động treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với máy, thiết bị, nơi làm việc. Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc huấn luyện, kiểm tra sát hạch kiến thức về ATVSLÐ đối với NLÐ.
Kiện toàn bộ máy làm công tác ATVSLÐ; mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và các đội sơ cấp cứu tại chỗ; đo, kiểm tra các yếu tố độc hại tại các vị trí làm việc và triển khai thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLÐ; bố trí thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tai nạn, sự cố cháy nổ tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở NLÐ chấp hành đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Tăng cường công tác giám sát thực hiện các hoạt động về an toàn lao động, qua đó, kiến nghị, phản ánh các chính sách an toàn lao động, góp phần xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và Nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu - Hữu Nghĩa thực hiện