ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:46:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xe rác

Báo Cà Mau “Xe rác đến rồi đó! Hảo đâu, nhanh xách thùng rác ra đổ đi!”. Tiếng bà Bích nheo nhéo gọi với từ tầng một lên tầng hai. Bà quát giục đứa con gái đang học trên đó. Không có tiếng trả lời. Tiếng “còng cọc” nghe càng rõ hơn. Bà Bích hai tay chống nạnh ngước lên tầng: “Tao nói mầy không nghe hả? Hảo! Ði đổ rác! Nghe rõ chưa?”. Có tiếng ậm ự vọng xuống: “Con đang học bài!”. “Học cái gì? Bỏ đấy đã. Ði đổ rác ngay!”. Giọng bà Bích cương quyết.

Còng cọc… còng cọc…

“Xe rác đến rồi đó! Hảo đâu, nhanh xách thùng rác ra đổ đi!”. Tiếng bà Bích nheo nhéo gọi với từ tầng một lên tầng hai. Bà quát giục đứa con gái đang học trên đó. Không có tiếng trả lời. Tiếng “còng cọc” nghe càng rõ hơn. Bà Bích hai tay chống nạnh ngước lên tầng: “Tao nói mầy không nghe hả? Hảo! Ði đổ rác! Nghe rõ chưa?”. Có tiếng ậm ự vọng xuống: “Con đang học bài!”. “Học cái gì? Bỏ đấy đã. Ði đổ rác ngay!”. Giọng bà Bích cương quyết.

Thực ra Hảo đâu có học gì, nó đang mải chơi điện tử trên máy vi tính. Nghe mẹ quát vậy, nó lầu bầu miễn cưỡng bước xuống cầu thang. “Có phải xe rác không mà mẹ cứ giục cuống lên thế?”. “Chả xe rác là xe gì? Cái tiếng còng cọc như công nông chở đá lên dốc đích thị là xe rác của thằng Công chứ còn cái gì nữa?”.

Quả đúng như lời bà Bích nói, khi Hảo xách xô rác ra đến cửa thì chiếc công nông lặc lè rác đã đến đầu xóm. Nó đang dừng trước cửa nhà ông Kha. Hai chị vệ sinh viên mặc quần áo bảo hộ lao động đang bê những thùng rác hất đổ lên xe. Quần áo họ lấm lem, nhem nhuốc. Chẳng thể nào nhìn rõ mặt họ. Người nào người nấy bịt kín từ đầu đến chân. Chân đi ủng, đầu trùm khăn, mặt bịt khẩu trang, tay đeo găng, họ chỉ hở ra mỗi hai con mắt. Trong ca-bin, anh Công đang ngồi giữ vô-lăng. Nhiệm vụ của anh là lái chiếc công nông này đi từng nhà gom rác đổ ra bãi thải. Cứ hai, ba nhà anh lại dừng xe để hai chị chuyển rác lên.

Minh hoạ: HOÀNG VŨ

Thấy tiếng công nông đến, người trong xóm í ới gọi nhau đổ rác. Ngoài xe, Công và hai chị tất bật làm việc. Một chị trên xe, một chị ở dưới. Người dưới đưa rác cho người trên. Khi là chiếc thùng sơn, lúc là cái hộp bìa cạc-tông, khi khác lại là những chiếc giỏ nhựa, túi ni-lông. Tất cả những thứ có thể đựng rác được người ta đều sử dụng. Khổ nhất là những nhà dùng bao tải để chứa rác. Bê những tải rác to đùng này đưa lên chiếc công nông đã đầy rác  thật là cực. Có khi ì ạch mấy lần vẫn chưa xong. Nó còn bung rác ra, vương vãi rơi hết cả vào đầu, vào vai người ở dưới. Lại phải vơ vét, gom lại để đưa lên xe. Thế vẫn còn khá. Có những nhà thiếu trách nhiệm cứ đổ rác chất đống ở ven đường mặc cho tổ vệ sinh muốn làm thế nào thì làm. Ruồi nhặng bu đầy, bay vo ve, loạn xị. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nắng cũng khổ, mưa càng khổ hơn.

Khu bà Bích ở là khu xóm mới. Dân làng Cổ Cò ra đây và dân nơi khác đến bám đường lập nên khu xóm này. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, khu này cận lộ, cận thị nên phát triển nhanh lắm. Mới đầu chỉ có dăm nhà, sau thì chục nhà và bây giờ là cả dãy phố hai bên. Dáng dấp thị tứ, phố xá đã hình thành. Nhà nào nhà nấy đều khá đẹp. Duy chỉ có con đường là rất bẩn và bụi. Nguyên do là xóm phố đang trong quá trình xây dựng nên mật độ xe cộ, vật liệu tập kết khá đông. Và điều quan trọng nữa đó là người ta thoải mái xả rác, thoải mái quét ra đường. Lãnh đạo xã, thôn mải chạy theo tiêu chí bề nổi của xây dựng nông thôn mới, nhưng tiêu chí vệ sinh môi trường hình như họ vẫn chưa quan tâm lắm.

Là bộ đội xuất ngũ, Công trở về địa phương không có công ăn việc làm. Thấy cảnh tượng rác rưởi làng quê như vậy, anh rầu lòng lắm. Nhà riêng mọi người đẹp sang bao nhiêu thì đường làng ngõ xóm bẩn bấy nhiêu. Ai cũng lo làm đẹp cho mình mà chẳng ai lo làm sạch cho xóm. Rác rưởi bừa bộn. Nước thải lênh láng, đen ngòm. Phân trâu, phân chó đầy đường. Ðến người làng đi còn kinh nữa huống chi là khách nơi khác đến. Xây dựng nông thôn mới kiểu này đâu có ổn. Trăn trở, băn khoăn mãi, anh quyết định đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải. Rủ mấy người trong làng thì ai cũng lắc đầu quầy quậy. Hâm quá. Ai lại đi làm cái việc bẩn thỉu, mất vệ sinh như thế cơ chứ? Làm gì chẳng làm lại đi làm cái thằng gom rác? Vận động mãi mới được hai chị trung niên đông con, không nghề nghiệp làm cùng. Ông trưởng thôn mừng rơn khi có tổ vệ sinh môi trường tự phát của Công ra đời.

Công vay tiền mua lại của người ta cái xe công nông cũ làm phương tiện chở rác. Chiếc xe xập xệ lắm. Thùng bệ gỉ hết phải cặp thêm mấy tấm ván. Sơn tróc lở loét, nham nhở. Ðầu máy ọc à ọc ạch, quay mãi mới nổ. Ca-bin xộc xệch, xiêu vẹo. Chiếc ghế rách tươm, phải lót tấm ván để ngồi. Ðược cái không nổ thì thôi, chứ nó nổ rồi thì chạy cũng ngon ra phết. Công và hai chị cùng chiếc xe này đã lăn lộn đầu làng, cuối xóm chở không biết bao nhiêu là rác thải, làm sạch đẹp cho làng.

Kinh phí hoạt động cho tổ, Công vận động các gia đình ủng hộ, đóng góp. Nhiều, ít tuỳ tâm mỗi gia đình. Ít thì dăm ba ngàn, nhiều thì chục, hai chục. Mới đầu dân xóm phố Cổ Cò còn thờ ơ với xe rác, sau thấy tổ vệ sinh môi trường này khá được việc nên ai cũng quý. Họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế, lo cho xóm phố như thế bảo sao mà không yêu, không mến. Dân làng xóm phố liền bàn nhau hình thành quỹ vệ sinh phí, mỗi nhà mỗi tháng đóng góp từ mười đến mười lăm ngàn đồng. Ðồng thời, nhà nào nhà nấy đều sắm những dụng cụ thu gom rác thải để sẵn trước cửa, vệ đường để tiện cho xe thu gom. Hễ nghe tiếng xe công nông là người ta gọi nhau mang hết rác còn ở trong nhà ra đổ cho kịp chuyến. Mấy ngày không thấy tổ xe đến là ai cũng nhớ, cũng mong. Vắng tiếng “còng cọc” của chiếc xe công nông rác, ai cũng cảm thấy như thiêu thiếu cái gì đó.

Rằm hằng tháng, khi thì chị Hạnh, lúc lại chị Huê đi từng nhà thu tiền vệ sinh phí. Ai cũng vui vẻ đóng góp. Duy chỉ có nhà bà Bích là dây dưa. Có mỗi mươi ngàn đồng mà khất lần khất lữa, phải mấy lần mới thu đủ. Có lần bà ta đưa cho chị Huê tám ngàn chín trăm đồng toàn tờ tiền lẻ quăn queo. Giọng bà ta kẻ cả hách dịch: “Tôi chỉ có ngần ấy thôi, các chị có lấy thì lấy”. Chị Huê nhã nhặn: “Cảm ơn bà. Nếu bà khó khăn quá thì tổ chúng tôi xin phục vụ. Bà cất số tiền này đi, tổ chúng tôi thiếu nhiều chứ đâu chỉ dăm mười ngàn của bà”. Nói xong, chị Huê xách túi sang nhà khác. Bà Bích nhìn theo bĩu môi dài giọng: “Nghèo mà bày đặt ra vẻ…”.

Nhà bà Bích thuộc diện khá giả nhất phố này. Chồng bà làm doanh nghiệp xây dựng, tiền vào ra như nước. Nhà cao cửa rộng, tầng trên, tầng dưới bóng loáng. Kiểu cách biệt thự càng làm cho ngôi nhà bà Bích nổi trội hẳn lên giữa phố. Là người từ nơi khác đến, bà sống tách biệt với cả khu. Cửa nhà bà lúc nào cũng im ỉm. Các con bà mỗi đứa một phòng đầy đủ tiện nghi. Ðứa lớn theo ba đi công trình. Ðứa bé là Hảo đang học cấp ba. Bà Bích có mỗi việc ở nhà xem ti-vi, nấu nướng phục vụ chồng con. Nhà ít người nên bà không thuê ô-sin. Ngày xưa, bà cũng làm ruộng, chân lấm tay bùn như bao người khác. Từ ngày chồng bà trúng thầu các công trình xây dựng, phất lên, bà mới được như ngày hôm nay. Học đòi cách sống của kẻ có tiền, bà xem thường người lao động. Chảnh choẹ, kênh kiệu, nhìn đời bằng nửa con mắt. Bà vênh mặt với hàng xóm láng giềng về ngôi nhà của mình. Nông thôn mới phải có những ngôi nhà như thế này chứ. Nhiều lúc bà đã thốt ra miệng câu nói đó. Các con bà thấy thế cũng a dua theo.

Riêng việc rác rưởi trong nhà bà cũng lắm chuyện. Như nhà người ta thì phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Ðầu rau, vỏ chuối, các thứ dễ tiêu thì đổ ra vườn làm phân bón cây. Giấy vở, sách báo bỏ thì gom lại đốt. Ðằng này, bà Bích tống khứ tuốt tuồn tuột các loại vào thùng. Có phải bà không có vườn đâu, vườn nhà bà rộng là đằng khác. Bà bảo “mất tiền vệ sinh phí rồi thì cứ mặc tổ rác chúng nó lo”. Rác nhà bà thuộc diện nhiều nhất xóm phố. Thức ăn thừa, hoa quả thối, xương xẩu, bánh kẹo… đủ thứ bốc mùi hôi thối bà quẳng hết vào sọt rác để chềnh ềnh ven đường. Hôm nào nhà bà có giỗ, có liên hoan tụ tập bạn bè của chồng, của con bà thì y như rằng đống rác thải lại đầy tú ụ lên. Bà chê đường xóm phố bụi bẩn, hôi thối. Bà trách “tổ vệ sinh của thằng Công không hoàn thành nhiệm vụ. Có mỗi việc thu gom rác thải mà làm cũng không xong".

Mưa. Bỗng dưng trời lại đổ cơn mưa rào như trút nước. Sấm chớp đì đùng. Gió ào ào. Trời đen kịt. Chiếc xe rác lượt về đang phành phạch túc tắc tiến đến cửa nhà bà Bích. Lượt đi nó chạy phía bên kia thu gom rác dãy nhà bên đó. Lượt về, nó chạy phía bên này và đầy ắp rác là rác. Hai chị ngồi bám hai bên ca-bin, quần áo ướt sũng. Công vừa vuốt nước mưa trên mặt, vừa lái xe. Ca-bin thủng mái, dặt dẹo, mưa lại xiên tạt tứ phía khiến anh ướt cũng không kém gì hai chị trong tổ. Tiếng xe còng cọc, vang lên cùng tiếng sấm. Nước mưa ngấm từ rác trên xe chảy ra lênh láng, nhầy nhụa.

Sau khi thu dọn xong đống rác nhà bà Bích, chiếc xe phành phạch chạy trong mưa. Ðến bãi rác, Công lùi xe. Anh dừng lại cho hai chị xuống để gạt chốt tấm chắn hậu. Cả suối rác chảy tràn ra dưới mưa. Hai chị dùng cào cào cho gọn lại. Bất chợt, một cái bọc ni-lông chằng buộc khá cẩn thận lăn ra vướng vào răng cào của chị Huê. Chị nhặt lên gọi Công tới.

Ba người xúm lại. Công cầm cái bọc nắn nắn. “Chắc lắm các chị ạ. Hình như là tiền”. Anh cẩn thận mở lớp giấy báo ra. Một tập tiền loại 500.000 đồng được gói trong tờ giấy có dấu son đỏ chót. Không ai bảo ai cùng xuýt xoa. Chưa bao giờ họ có số tiền lớn như vậy. Một tập 100 tờ, vị chi là 50 triệu đồng. Mọi người nhìn nhau. Công bảo chị Huê che nón tiếp tục mở tờ giấy ra xem. “Hợp đồng sửa chữa trường học”, trong đó có tên bên B là ông Hoàng Văn Ðức. “Hoàng Văn Ðức là ai nhỉ?”, Công lẩm bẩm. Chị Huê cũng nhăn trán.

Rồi bất ngờ, chị Hạnh reo lên: “Thôi đúng rồi! Ông Ðức thầu xây dựng, có cái nhà ba tầng cao, to, đẹp nhất xóm phố đấy”. “Có phải nhà ấy có bà beo béo hay nợ tiền vệ sinh không? Bà mà nộp tám ngàn chín trăm đồng tiền lẻ em đi thu hôm nọ đấy?”, Huê hỏi. Chị Hạnh gật đầu: “Ðúng bà ấy đấy. Chắc tiền công trình của chồng bà ta đây!”. “Làm sao bây giờ chú Công?”. Công suy nghĩ giây lát rồi bảo: “Thì trả người ta chứ còn làm sao nữa?”. “Không được!”, Huê chặn ngang. “Sao lại không? Chẳng lẽ chia nhau?”, Công nói. “Không chia nhau. Chúng ta không thèm số tiền này. Theo chị, ta lên nộp cho công an xã, lập biên bản rồi tuỳ họ giải quyết. Như thế hay hơn”. “Ủy ban xa quá. Mưa gió thế này, hay cứ nộp cho ông Thái trưởng khu cũng được”. Cuối cùng cả ba người nhất trí phương án đó.

Khoảng 9 giờ tối, trong nhà bà Bích, ông Ðức kêu toáng lên khi phát hiện bọc tiền và bản hợp đồng của mình không cánh mà bay. Cả nhà tập trung lại cật vấn lẫn nhau. Mỗi người mỗi ý. Ai cũng cố nhớ lại mình đã làm gì, cất dọn ra sao, lúc mất điện thế nào… Bao nhiêu là phỏng đoán. Cuối cùng, mọi hy vọng đều tắc tị. Cả đêm, nhà bà Bích thao thức, buồn như có đám.

Sáng sớm thì ông Thái trưởng khu phóng xe máy đến. Ông lân la hỏi chuyện. Bà Bích khóc lóc kể lể: “Khổ quá bác ơi! Ðêm qua mưa gió chẳng biết đứa chết tiệt nào mò vào lấy mất của nhà em bọc tiền rồi!”. “Mất tiền?”. Ông Ðức gật đầu: “50 triệu đồng và  bản hợp đồng sửa chữa trường học xã bên em vừa mới ký được sáng hôm kia, bác ạ!”. “Thế để đâu mà mất?”. “Em để trên cái bàn này này!”… Mọi người tranh nhau nói. Mãi sau, ông Thái mới chìa cái bọc ra: “Có phải cái này không?”. Bà Bích chạy lại vồ lấy đưa cho chồng? “Ðúng rồi! Ðúng nó rồi!”. Mắt ông Ðức sáng lên, nói như reo. “Bác kiếm nó ở đâu ra đấy?”. “Tổ rác của thằng Công nhặt được chuyển cho tôi đấy!”. “Tổ rác?”, bà Bích tròn mắt hỏi lại. Ông Thái gật đầu và đưa cho bà Bích tờ biên bản đã lập với tổ thu gom rác thải chiều qua.

Vừa lúc đó tiếng xe công nông còng cọc, còng cọc đang túc tắc đi ở phía đường bên kia. Sao hôm nay xe rác lại đi nhỉ? Ba ngày mới thu một lần mà? Chắc tại trận mưa bão chiều qua, đường làng ngổn ngang, cây cối đổ gãy và rác thải nên tổ của Công mới phải tăng ca đây mà. Cầm lại bọc tiền trên tay, nhìn chiếc xe công nông và ba người trong tổ đang cặm cụi bưng bê, dọn dẹp rác rưởi, bà Bích rộn lên một điều rất khó tả.

Trời quang, mây tạnh, xóm phố bừng lên màu nắng mới./.

Truyện ngắn của Ðỗ Xuân Thu

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.