Hiện nay, nhiều hội viên phụ nữ tại Ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh trồng rau má xen canh với cây thuốc cá. Ðây là mô hình phù hợp với vùng đất rẫy, thích hợp với chị em phụ nữ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Hiện nay, nhiều hội viên phụ nữ tại Ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh trồng rau má xen canh với cây thuốc cá. Ðây là mô hình phù hợp với vùng đất rẫy, thích hợp với chị em phụ nữ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Hộ bà Trương Thị Quân, Ấp 17, xã Khánh An có 1,7 ha đất, toàn bộ diện tích được bà lên liếp trồng cây thuốc cá. Tuy nhiên, do thời gian thu hoạch thuốc cá khá dài (từ 1,5-3 năm), việc xen canh rau má dưới tán cây thuốc cá đã trở thành cứu cánh cho người dân xóm rẫy.
Trồng xen canh rau má với cây thuốc cá mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ Ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh. |
Bà Quân cho biết: “Mặc dù mùa này không phải chính vụ, nhưng mỗi ngày tôi cũng cắt được khoảng 10 kg rau má. Giá thị trường thương lái thu mua 15.000 đồng/kg, thu nhập cũng được 150.000 đồng/ngày".
Rau má rất dễ trồng. Khi lên liếp trồng thuốc cá thì nó cũng mọc theo các khoảng đất trống. Sau thu hoạch không cần trồng dặm. Người trồng chỉ cần bỏ công cắt rau má đem đi bán và dọn cỏ để có đất trống cho rau má phát triển.
Ðặc biệt, loại rau này cho thu hoạch quanh năm. Mùa thu hoạch chính của rau má là từ tháng 10 năm này đến tháng 2 năm sau. Ðây cũng là thời điểm rau má có giá cao vì rất hút hàng do nắng nóng.
Bà Quân thông tin: “Nếu không có rau má thì dân ở đây sẽ không sống nổi. Thuốc cá có thời gian thu hoạch khá dài. Do đó, rau má xen canh dưới tán thuốc cá tạo nguồn thu ổn định để chờ ngày bán rễ thuốc cá. Mặc dù trồng thuốc cá nhưng rau má giờ đây gần như trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”.
Bà Lê Thị Sương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Tuỳ theo mùa mà mỗi hộ cắt từ 5-20 kg/ngày. Hiện nay, chi hội cũng đã thành lập được tổ trồng rau má sạch, có 13 chị đăng ký tham gia với diện tích gần 20 ha”.
Bà Trần Thị Thoại, thành viên tổ rau má sạch, phấn khởi: “Tôi nuôi 3 đứa cháu ăn học do cha mẹ tụi nhỏ đi làm ăn xa. Cũng nhờ có rau má mà tụi nhỏ được ăn học được đàng hoàng. Tuy thu nhập không cao nhưng rất ổn định, bình quân mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng, vào mùa cao điểm thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Những lúc ngoài giờ học, tụi nhỏ cũng có thể phụ giúp cắt rau má đem bán, có tiền ăn quà vặt hằng ngày”.
Bà Quân cho biết: “Nếu gia đình có khoảng 3 thành viên bỏ công đi cắt rau má sẽ cho nguồn thu nhập rất ổn định, đảm bảo chi tiêu hằng ngày. Còn thuốc cá giống như của để dành, 1-2 năm cho thu hoạch 1 lần, để càng già bán được giá càng cao do lúc đó thuốc cá đủ rễ”.
Thấy việc trồng rau má mang lại hiệu quả, Hội Phụ nữ Ấp 17 đã vận động chị em thành lập tổ rau má sạch vừa ổn định đầu ra, vừa đảm bảo cung ứng rau má sạch, không sử dụng phân thuốc. Rau má các chị trồng tạo được uy tín và được thương lái bao tiêu 100%. Thị trường tiêu thụ sản phẩm giờ đây không chỉ dừng lại trong huyện mà đã được bỏ mối đến các chợ tại TP Cà Mau.
Bà Lê Thị Sương cho biết thêm: “Khu xóm rẫy thuộc tuyến Kinh T29, những năm trước đây cuộc sống người dân khá khó khăn. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, rau má có giá cao, cho thu hoạch quanh năm nên giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định và thoát nghèo. Thay vì bỏ xứ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thì các chị em đã bám trụ lại quê mà vẫn có nguồn thu nhập ổn định”.
Chị Nguyễn Thị Phà Ca, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Từ hiệu quả mang lại của việc thành lập Tổ phụ nữ trồng rau má sạch tại Ấp 17, xã Khánh An, hiện tại, phía hội cũng tổ chức cho các chị ở những nơi có điều kiện gần giống Ấp 17 tham quan mô hình. Chẳng hạn như tại những nơi đang trồng hoa màu, trồng nấm rơm. Vì những chỗ này đất đai màu mỡ, có thể hướng tới việc trồng xen canh giữa rau má với một số loại cây trồng khác”.
Có thể thấy, việc trồng rau má xen canh là cách làm hay, phù hợp với nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn. Mô hình này không chỉ tận dụng được những khoảng đất trống dưới tán các loại cây trồng khác mà rau má còn cho nguồn thu nhập ổn định để "lấy ngắn nuôi dài"./.
Bài và ảnh: Trần Chương