(CMO) Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh trong quý I vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đang tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường; dự báo năm 2021 xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh có thể đạt trên 1,1 tỷ USD.
Tăng sản lượng
Cà Mau là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về nuôi, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, với tổng diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, sản lượng đạt 280.000 tấn/năm. Trong đó, tôm thâm canh 9.000 ha (3.000 ha nuôi siêu thâm canh, 6.000 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh); tôm quảng canh cải tiến 150.000 ha (chuyên tôm 130.000 ha, tôm - lúa 10.000 ha, tôm - rừng 10.000 ha); tôm quảng canh 121.000 ha (chuyên tôm 65.000 ha, tôm - lúa 36.000 ha, tôm - rừng 20.000 ha).
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm nay thời tiết thuận lợi cho việc thả giống và bám biển, nên sản lượng nuôi và khai thác thuỷ sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng khai thác 150.500 tấn, đạt 24,27% so với kế hoạch, tăng 2,73%; trong đó sản lượng tôm ước đạt 52.500 tấn, tăng 7,25 % so với cùng kỳ.
Giá tôm nguyên liệu ổn định liên tục trong nhiều tháng qua. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg có giá 210.000-220.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với cùng kỳ; tôm loại 30 con/kg giá 180.000-190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng. Tôm thẻ chân trắng nuôi trong ao lót bạt, loại 100 con/kg giá 101.000-111.000 đồng/kg, tăng bình quân trên 10.000 đồng so với cùng kỳ người nuôi tôm rất phẩn khởi.
Hiện nay, tỉnh có trên 70 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó 39 nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu, tổng công suất đạt 185.000 tấn/năm. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu trung bình khoảng trên 1 tỷ USD. |
Cơ hội từ EVFTA
Hiện tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm trên 98%. EVFTA là cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có Cà Mau, nhất là xuất khẩu sẽ có thêm nhiều thị trường để phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Nguyễn Việt Trung cho biết: “Thuỷ sản là ngành tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu tăng trở lại, trái ngược với sự sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay ước đạt 180,75 triệu USD, đạt 16,43% kế hoạch, tăng 13,45% so với cùng kỳ. Trong đó, thuỷ sản ước đạt 163,02 triệu USD, đạt 15,6% kế hoạch, tăng 6,12% so với cùng kỳ. Có thể thấy, EVFTA tuy chỉ mới có hiệu lực được một khoảng thời gian ngắn nhưng đã tác động mạnh mẽ trong xuất khẩu thuỷ sản”.
Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm khách hàng, cũng như về vận chuyển và kiểm dịch... Ông Trung dẫn chứng, Trung Quốc là thị trường, khách hàng lớn của Việt Nam, hiện nay siết chặt, kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thuỷ sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Ðảo… Theo quy định mới này, các lô hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ phải lấy mẫu kiểm tra vi-rút nCoV-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng và phải có đầy đủ 4 loại chứng nhận mới được đưa ra tiêu thụ, gồm tờ khai hải quan, chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch xuất khẩu, chứng nhận cách ly và sát trùng, báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm Nucleic Acid Coronavirus.
Chính vì phải làm nhiều thủ tục phức tạp và chờ kết quả xét nghiệm Covid-19, nên thời gian hàng từ khi thông quan đến lúc ra khỏi kho mất từ 20-30 ngày hoặc lâu hơn tuỳ vào lượng hàng nhập khẩu của từng nước/vùng lãnh thổ. Chi phí lưu công, phí kiểm hàng có khi lên đến 2.000-3.000 USD/container, đã tạo áp lực rất lớn cho DN Việt Nam và nhà nhập khẩu.
Ðẩy mạnh xuất khẩu
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, việc không tổ chức được các đoàn đi xúc tiến thương mại ngoài nước làm các DN xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường. Gỡ khó cho vấn đề này, theo ông Trung, trong thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại trực tiếp ngoài nước bằng hình thức trực tuyến và đẩy mạnh các hình thức thương mại điện tử sẽ giúp DN tìm kiếm nhiều khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm…
Sở Công thương đã tham mưu, được UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 23/5/2020 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 24/3/2021 về phát triển xuất khẩu tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá tỉnh Cà Mau năm 2021. “Sở Công thương sẽ phối hợp các ngành, các cấp triển khai phát động các chủ trương quan trọng nêu trên đến các doanh nghiệp để hưởng ứng thực hiện; đồng thời triển khai nhiều giải pháp liên quan như phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Trung cho biết thêm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều cho biết, cụ thể hoá Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của HÐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thì xuất khẩu hàng hoá là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm duy trì sản xuất, xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 6.000 triệu USD. Trong đó, thuỷ sản 5.649 triệu USD, các mặt hàng khác 351 triệu USD. Riêng trong năm 2021, xuất khẩu 1.100 triệu USD, trong đó thuỷ sản 1.044 triệu USD, phân đạm 55 triệu USD, các ngành nghề khác 1 triệu USD. |
Trung Ðỉnh