Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cuộc đời của ông Phạm Văn Thiện, hiện đang sinh sống ở Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, là những chuỗi ngày đầy gian nan và khó nhọc. Thế nhưng, nhờ siêng năng, cần cù trong lao động sản xuất, ông đã vượt qua được khó khăn, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất U Minh nghèo khó ngày nào.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cuộc đời của ông Phạm Văn Thiện, hiện đang sinh sống ở Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, là những chuỗi ngày đầy gian nan và khó nhọc. Thế nhưng, nhờ siêng năng, cần cù trong lao động sản xuất, ông đã vượt qua được khó khăn, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất U Minh nghèo khó ngày nào.
Sau khi lập gia đình, vì cuộc sống quá khó khăn nên ông Thiện cùng vợ quyết định rời quê hương Giá Rai để tìm nơi lập nghiệp. Năm 1990, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) có chính sách giao đất, giao rừng cho nông dân, thế là ông làm đơn xin được nhận đất để canh tác.
Vợ chồng ông đã không cầm nước mắt khi nhận được 5 ha đất do Nhà nước cấp tại Ấp 13, xã Khánh Thuận ngày nay. Thế nhưng mọi việc không dễ dàng như vợ chồng ông tưởng, những ngày đầu về đây sinh sống tiếp tục là một chuỗi ngày dài đầy khó khăn, gian khổ đối với vợ chồng ông.
Ông Thiện nhớ lại: “Những ngày đầu về đây nhận đất, cuộc sống vợ chồng tôi vô cùng cực khổ. Lúc đó, nơi đây toàn là rừng với năn, sậy, rồi gốc cây tràm nữa nên rất khó khai hoang. Quanh năm suốt tháng, vợ chồng tôi chỉ biết đi làm mướn để kiếm tiền mua gạo sống đắp đổi qua ngày”.
Với sự quyết tâm, cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động nên vợ chồng ông đã biến vùng đất khó ngày nào thành vùng đất màu mỡ, trù phú. Hằng ngày, ngoài việc đi làm thuê kiếm tiền để nuôi gia đình, ông tranh thủ thời gian để khai hoang, cải tạo đất rừng. Chẳng mấy chốc ông đã có trong tay 2 ha đất trồng lúa và hơn 500 m2 đất vườn để đào ao nuôi cá, lên liếp trồng màu.
Việc chăn nuôi, trồng trọt lại gặp khó khăn do vùng đất bị nhiễm phèn nặng. Không nản lòng, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, sách báo và chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhiều hộ nông dân khác nên việc chăn nuôi của ông sau đó đã gặp thuận lợi hơn, nhất là kể từ khi được phép chuyển dịch sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm và kết hợp mô hình lúa - cá.
Ông Thiện cho biết: “Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên từ khi thực hiện mô hình lúa - tôm đến nay tôi đều thành công. Từ mô hình này, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi cua kết hợp, 1 năm cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng nên cuộc sống gia đình đã dần ổn định”.
Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình trồng màu và nuôi cá. Những năm qua, mô hình này cho gia đình ông thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm. Hiện tại 2 ao cá bống tượng và cá tra của ông còn hơn 1.500 con. Trong đó, ao cá bống tượng còn hơn 500 con đã tới lứa bán, ước cho thu nhập hơn 70 triệu đồng. Riêng ao cá tra từ đầu năm 2016 đến nay cũng cho ông thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nhờ cần cù, siêng năng và biết tích góp nên vợ chồng ông Thiện đã lo cho con cái được yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng ông Thiện cũng vừa mới xây xong căn nhà khang trang hơn 700 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận Lâm Thanh Hùng nhận xét: “Anh Thiện không chỉ cần cù trong phát triển kinh tế gia đình mà anh còn tích cực giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm để cùng nhau phát triển. Không chỉ vậy, gia đình còn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".
Với những cố gắng để vươn lên trong cuộc sống, ông Thiện nhiều năm liền được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện và cấp tỉnh./.
Trần Thể