Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh sẽ gieo sạ gần 33.000 ha lúa hè thu ở các huyện vùng ngọt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như hiện nay, dự báo mức độ phát sinh phèn, mặn cao hơn trong vụ mùa, nhất là những khu vực đất có tầng sinh phèn nông dọc theo tuyến đê sông Ông Ðốc, đê biển Tây và trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ.
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh sẽ gieo sạ gần 33.000 ha lúa hè thu ở các huyện vùng ngọt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như hiện nay, dự báo mức độ phát sinh phèn, mặn cao hơn trong vụ mùa, nhất là những khu vực đất có tầng sinh phèn nông dọc theo tuyến đê sông Ông Ðốc, đê biển Tây và trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ.
Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, vụ lúa hè thu năm nay được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh gây hại sẽ dễ phát sinh, càng khó khăn hơn khi tình trạng xâm nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng do lượng mưa thấp so với cùng kỳ các năm. Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho vụ lúa hè thu, bà con nông dân cần tập trung xuống giống đồng loạt, kết hợp cải tạo đất, chủ động nguồn nước kịp thời…, giảm nguy cơ dịch hại bùng phát và đảm bảo điều kiện phát triển cây lúa phù hợp.
Bà con nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời tập trung cày ải phơi đất chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. |
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Cà Mau, năm nay thời tiết diễn biến thất thường, đầu vụ ảnh hưởng El Nino, cuối vụ ảnh hưởng La Nina, gây nhiều bất lợi cho sản xuất vụ mùa. Trong mùa mưa, có 2 đợt nắng hạn cục bộ và có 2-3 đợt mưa nhiều trên diện rộng. Nếu hệ thống thuỷ lợi không được đầu tư nâng cấp sẽ gây thiếu nước khi nắng hạn và ngập úng khi mưa nhiều như các năm trước. Ngoài ra, trong năm, thuỷ triều dâng cao gây khó khăn đến sản xuất của người dân.
Ðể vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao nhất, Sở NN&PTNT khuyến cáo xuống giống thành 2 đợt, đợt sạ khô và sạ nước. Ðợt sạ khô xuống giống sớm trong tháng 5 dương lịch, chủ yếu ở những vùng chủ động nguồn nước ngọt tưới bổ sung cho cây lúa khi có nắng hạn cục bộ. Sạ nước bằng hạt giống ngâm ủ cho nẩy mầm gieo sạ từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở các khu vực vùng đất cao, ảnh hưởng mặn, không sạ được do chưa chủ động nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh cho rằng, bà con nông dân nên hạn chế tối đa diện tích sạ khô. Do khi đầu mùa mưa, lượng mưa thường phân bổ không đồng đều, lại không có nguồn nước tưới bổ sung, dẫn đến năng suất thấp. Chỉ sạ khô ở vùng đất cao, hằng năm thường bị thiếu nước vào cuối vụ 2, chủ yếu xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình; các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Ðông và một phần của xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời. Thời gian gieo sạ từ cuối tháng 4 dương lịch đến khi mùa mưa thật sự bắt đầu. Ðồng thời áp dụng các biện pháp tổng hợp để quản lý cỏ dại trên đồng ruộng đối với trà lúa sạ khô.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh khuyến cáo, bà con nông dân nên sạ gác và sạ ngầm bằng hạt giống ngâm ủ, tập trung từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch, đối với vùng đất trũng, thấp. Song song đó, nông dân nên chọn các giống lúa chủ lực, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt như OM 5451, OM 6162, OM7347, OM 4900, OM 6976, OM 6677. Khi xuống giống, nông dân cần tuân thủ nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa, phải đảm bảo theo hướng cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp với điều kiện mùa vụ./.
Bài và ảnh: Trúc Ly