ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 16-5-24 11:00:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Lên bờ, xuống ruộng”

Báo Cà Mau Lúa lên bờ, hoa màu xuống ruộng; mô hình canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu, mà mọi người hay ví von là mô hình “lên bờ, xuống ruộng”, đã biến những mảnh đất hoang hoá thời kinh tế mới ngày nào của kênh So Ðũa, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời trở nên trù phú, vạn người mê.

Từ Vườn Quốc gia U Minh Hạ, theo chân anh Nguyễn Văn Bảo, công chức phụ trách nông nghiệp xã Trần Hợi, chúng tôi rong ruổi dọc tuyến kênh So Ðũa. Vừa đặt chân đến địa phận này, anh em chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi những ngôi nhà mái Thái san sát. Thấy chúng tôi cứ liên tục dừng để chiêm ngưỡng, anh Bảo liền chia sẻ: “Bà con ở đây giờ đã mua ô tô kha khá rồi, tính sơ sơ cũng khoảng 5-7 chiếc”. Nhìn những căn nhà lầu, biệt thự, xe sang... không ai nghĩ rằng nơi đây từng là vùng đất khó.

Sau khi cùng chúng tôi tham quan một đoạn, anh Bảo ghé thăm nhà ông La Văn Chuẩn, một trong những điểm đáng dừng chân trên tuyến So Ðũa. Bên chén trà Thái Nguyên đậm đà, ông Chuẩn thong thả bắt chuyện: “Ngày trước, ở đây khổ lắm, đất rộng nhưng toàn lau, sậy, năn và gốc tràm. Người dân chủ yếu là làm lúa mùa mà toàn cấy nọc, đất thì trũng, lại nhiễm phèn nên làm vất vả là vậy nhưng hầu như không đủ ăn”.

Những năm 1980, nơi đây là một trong những vùng kinh tế mới của tỉnh. Lúc ấy, ông Chuẩn cũng như nhiều hộ dân khác rời quê hương Nam Ðịnh về tuyến So Ðũa này lập nghiệp. Thế nhưng, vì làm không đủ ăn nên không ít bà con về đây nhận đất rồi lại bỏ đi. Riêng gia đình ông Chuẩn quyết tâm bám trụ. “Hồi đó, sậy cây nào cây nấy to gần bằng cổ tay, đất thì toàn là hố bom và gốc tràm”, ông Chuẩn kể tiếp.

Chỉ tính riêng 2 vụ lúa, gia đình ông La Văn Chuẩn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Và rồi, với quyết tâm, cần cù, cùng sự đầu tư của Nhà nước trong đào kênh, xây cống xổ phèn, ngăn mặn, làm đường..., người dân nơi đây đã làm nên nhiều sự khác biệt như hôm nay. Ðiểm nhấn nổi bật nhất là, cách nay hơn 10 năm, mô hình sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu bắt đầu được nhân rộng. Khi thu hoạch xong 2 vụ lúa, bà con đồng loạt cho màu xuống ruộng, với đủ các loại, từ bí đỏ, bí đao, dưa gang, cho đến dưa hấu, cà chua… Nhiều người khi ấy, có cả dân bợm nhậu nói vui rằng, đây là mô hình "lên bờ, xuống ruộng".

Ðồng lúa hứa hẹn vụ mùa bội thu của gia đình ông La Văn Chuẩn.

Lý giải cho cách ví von này một cách nghiêm túc là khi lúa lên bờ (thu hoạch) thì màu bắt đầu xuống ruộng; nhưng cũng có người sâu sắc hơn lại ví đó như vòng quay của chính cuộc sống người dân nơi đây. Ðó là suốt năm tất bật, làm lụng vất vả, không ngơi nghỉ. Anh Bảo chia sẻ: “Toàn ấp có khoảng 500 ha sản xuất lúa thì có đến hơn một nửa trong số này bà con đã đưa màu xuống ruộng”.

Chính sự tất bật ấy đã tạo nên khác biệt, để ai đến đây cũng phải trầm trồ. Trầm trồ không chỉ bởi những căn nhà khang trang, những cánh đồng bạt ngàn lúc nào cũng được phủ xanh bởi lúa, bí, bầu, dưa hấu…, mà còn bởi thu nhập khủng của người dân.

“Chỉ tính riêng 1 vụ màu đã có hộ thu về 400-500 triệu đồng; hộ thấp nhất cũng 50-60 triệu đồng”, ông Chuẩn chia sẻ. Riêng gia đình ông Chuẩn, với 8 ha sản xuất lúa 2 vụ cùng hơn 4,5 km bờ bao canh tác, 1 vụ bí đỏ, đã nằm trong tốp tỷ phú nông dân ở đây.

Vụ màu đã mang về thu nhập cho người dân Ấp 5 hàng trăm triệu đồng một năm.

Ghé thăm nhà ông Quách Thanh Hải, Trưởng ấp 5, dù chỉ có vợ chồng ông sống trong căn nhà tường khang trang rộng hơn 100 m2, nhưng ông đang dự định "lên" thêm một tầng cho bằng anh bằng em ở xứ này. Dù không theo mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu như nhiều bà con khác, nhưng với hơn 8 ha lúa cùng vườn cây ăn trái xung quanh bờ bao, vị trưởng ấp này cũng có nguồn thu nhập nhiều người ao ước.

Người dân ở đây có  được như ngày hôm nay, tất cả là nhờ được Ðảng, Nhà nước cấp đất canh tác và sự cần cù, chịu khó. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn giúp nhau trong việc làm ăn, như chia sẻ cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây lúa, hoa màu… Nhờ đó mà mặt bằng cuộc sống của cả ấp đều khá lên, thi đua nhau cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. “Hiện tại ấp đã xoá hộ nghèo, toàn tuyến So Ðũa khoảng 50 hộ thì hầu như đều thuộc diện khá giàu. Chỉ riêng vụ màu, sau khi trừ chi phí, hộ ít đất nhất cũng có thu nhập từ 70-100 triệu đồng, có hộ lên đến 500 triệu đồng”, ông Hải tự hào chia sẻ.

Nhiều hộ dân ở Ấp 5 đã xây được nhà lầu, mua xe hơi nhờ mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu.

Câu chuyện vui xung quanh những vụ mùa cứ thế nối tiếp nhau và càng trở nên sôi động hơn khi ông Hải quay sang hỏi gia đình ông Chuẩn: “Giá lúa 9.700 đồng/kg, anh chị có nhận cọc không để em biết dẫn lái xuống? Mấy hôm nay thương lái ở các tỉnh trên điện thoại liên tục mà em chưa dám nhận lời ai!”. Câu hỏi ấy xua tan đi mọi mệt nhọc của vợ chồng ông Chuẩn sau một ngày vất vả “lên bờ, xuống ruộng”. Ông Chuẩn nhanh chóng đáp: “Chỉ cần 9.500 đồng/kg là quá được rồi, kêu họ xuống đi, tôi đảm bảo vụ này cung cấp cho họ ít nhất 80 tấn”.

Ðoạn trao đổi ngắn ngủi ấy tiếp tục mở ra chặng đường dài xán lạn cho người dân kênh So Ðũa nói riêng, những hộ đang theo mô hình “lên bờ, xuống ruộng" xã Trần Hợi và cả huyện Trần Văn Thời nói chung. Ít nhất, sau vụ lúa này sẽ có thêm vài căn nhà mái Thái mọc lên để tạo thêm điểm nhấn rực rỡ, tươi mới cho làng quê./.

 

Nguyễn Phú - Chí Diện

 

Những nông dân năng động làm giàu

Toàn tỉnh hiện có 10 câu lạc bộ (CLB) nông dân tỷ phú, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Các CLB đã kết nối nhiều ngành nghề, liên kết trong sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả mô hình; là điểm sáng trong phong trào thi đua sản xuất ở địa phương.

Cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân

Trong năm 2023, nông dân huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao.

“Lên bờ, xuống ruộng”

Lúa lên bờ, hoa màu xuống ruộng; mô hình canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu, mà mọi người hay ví von là mô hình “lên bờ, xuống ruộng”, đã biến những mảnh đất hoang hoá thời kinh tế mới ngày nào của kênh So Ðũa, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời trở nên trù phú, vạn người mê.

Khá giả nhờ sò huyết

Hiện nay, trên địa bàn xã Trần Thới (huyện Cái Nước) có 510 hộ nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm với hơn 1.000 ha. Trong bối cảnh giá tôm sụt giảm, con sò huyết trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân nơi đây vươn lên khá giả.

Làm giàu nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn TP Cà Mau phát triển nhanh.

Ða canh phù hợp cho thu nhập cao

Với 10 công đất canh tác, ông Lê Hoàng Liêm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Ấp 14, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, thực hiện nhiều mô hình kết hợp, tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Làm giàu ở quê mới

(CMO) Rời quê hương, lập nghiệp nơi đất khách quê người, với ý chí vượt khó vươn lên, ông Nguyễn Ðình Bộ (Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Ða canh làm giàu

(CMO) Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện U Minh, xuất hiện nhiều nông dân có cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế tại hộ gia đình. Gia đình anh Trương Văn Thơi và chị Phạm Thị Cẩm Tú, Ấp 9, xã Khánh Thuận, là một điển hình.

Ða dạng cách làm giàu

(CMO) Phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, phát triển tích cực. Các mô hình kinh tế hiệu quả dần được nhân rộng trong hội viên, qua đó góp phần cải thiện đời sống kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Ông Giàu làm giàu từ vườn nhãn

(CMO) Tại ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, có vườn nhãn hơn 20 năm tuổi đang cho trái sum suê và trở thành điểm tham quan du lịch lý tưởng cho du khách gần xa.