ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 20:17:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ấm lưng, chắc dạ

Báo Cà Mau (CMO) Chợ lúa Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) năm nay tan sớm. Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Phạm Văn Vẹn: “Năm nay nhu cầu thu mua lúa của các thương lái lớn hơn mọi năm. Giá cả thu mua ngay đầu vụ cũng ở mức trên 5.000 đồng/kg, thuận mua, vừa bán nên các ghe “ăn hàng” rời bến sớm”.

Hạn mặn, dịch bệnh Covid-19 hầu như không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nơi đây. Hay nói như lão nông 86 tuổi Huỳnh Văn Ngọc, ngụ Ấp 19/5: “Hạn hán, dịch bệnh cũng lo, nhưng mà như ông bà xưa nói, có lúa ví trong bồ thì ấm lưng, mà ăn cơm thì chắc dạ, phải không mấy chú?”.

Vụ đông xuân thắng lợi

Theo tính toán của ông Phạm Văn Vẹn, với diện tích lúa đông xuân 2.280 ha, Khánh Bình đã thắng lớn với năng suất hơn 7 tấn/ha. Làm một phép tính đơn giản, nông dân nơi đây đã thu hoạch khoảng 16.000 tấn lúa ở vụ vừa rồi. Đất Khánh Bình theo nông dân xứ này là đất trồng lúa loại 1, kiếm được nơi nào làm lúa trúng hơn nơi đây ở khắp bán đảo Cà Mau là khó. Dù hạn mặn năm nay vô cùng khốc liệt, nhưng trà lúa của Khánh Bình không ảnh hưởng nhiều, thậm chí có những nơi năng suất đạt gần 8 tấn/ha.

Hạt lúa - hạt ngọc và là niềm tự hào, sự thuỷ chung son sắt của nông dân Khánh Bình.

Theo hồi nhớ của lão nông Huỳnh Văn Ngọc, Khánh Bình làm lúa truyền đời. Ngày trước làm lúa mùa, nơi đây đã có tiếng là trúng lúa với khoảng 20 giạ/công. Nông dân nơi đây thuần hậu, chịu khó làm ăn, hết vụ lúa, qua vụ màu. Riêng cây cải tùa xại thì vang tiếng khắp chốn. Ông Ngọc kể: “Tôi dân gốc ở đây. Thời thanh niên không cục đất chọi chim. Tôi phải cặm chà, bắt cá dưới sông. Rồi làm thêm nghề gặt mướn, cấy mướn, dành dụm mua được hơn 20 công đất như bây giờ”. Rồi khi gặt những bông lúa đầu tiên trên thửa đất của mình, ăn chén cơm gạo mới thơm lừng, ông Ngọc không khỏi rơi nước mắt. Với ông lão gần 90 tuổi đời này, ruộng lúa, hạt gạo là cuộc sống, là tương lai.

Nói về ảnh hưởng của hạn mặn năm nay, cán bộ khuyến nông xã Khánh Bình Mạc Văn Tần cho biết: “Theo khuyến cáo và dự báo thời vụ, địa phương động viên người dân xuống giống sớm hơn mọi năm. Thế nên, vụ đông xuân vừa rồi hầu như bà con không chịu nhiều tác động xấu của hạn hán. Chỉ một diện tích nhỏ có giảm năng suất đôi chút vì thu hoạch trễ”. Mặc cho giá cả các mặt hàng khác trồi sụt thế nào, hạt lúa Khánh Bình vẫn giữ được thương hiệu, giá trị tự bao đời. Chẳng thế mà ở khắp Cà Mau hiện nay, chỉ riêng Khánh Bình còn giữ được chợ lúa thu hút thương lái từ khắp nơi tìm về.

Theo phân tích của anh cán bộ khuyến nông, trong tình hình hạn mặn, kèm theo dịch bệnh như hiện nay, lúa chính là mặt hàng nông sản có nhiều cơ hội nhất. Và ngay cả những chuyên gia lúa gạo của Việt Nam cũng có đánh giá hết sức tích cực về giá trị của mặt hàng lúa gạo trong thời điểm này. Nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo đang tê liệt vì dịch bệnh, các trà lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại, lúa Khánh Bình không lo lắng về chuyện đầu ra, mừng nhất cho người nông dân là giá lúa tăng cao hơn so với mọi năm. Ở thời điểm hiện tại, giá lúa đã ở mức 6.500 đồng/kg, một số người dân Khánh Bình vẫn bình tĩnh chờ mức giá tốt hơn để xuất bán.

Niềm tin vào lúa gạo

Bà Nguyễn Thị Anh, Ấp 19/5, than thở: “Hơn 80 tuổi mà tôi chưa thấy năm nào hạn lớn như năm nay. Cái kênh Chồn Gầm hồi đó giờ có cạn đâu mà năm nay không còn giọt nước”. Chị Dương Huệ Ngân, con dâu bà Anh, cho biết: “Vợ chồng tôi có nghề mua trữ lúa hơn chục năm nay. Mình chỉ mua khoảng vài chục tấn lúa tươi của bà con, phơi khô lại để chờ giá cả kha khá rồi xuất bán. Cũng có lúc đem chà gạo để bỏ mối cho các vựa gạo của Trần Văn Thời, rồi tuốt trên Cà Mau”. Mùa này, nhà chị Ngân chỉ mua được khoảng 170 tấn vì giá lúa khá, bà con tranh thủ bán hết cho các ghe hàng vùng trên. Nghe giá lúa tăng, chị Ngân vừa mừng vừa lo: “Tôi cũng muốn bán liền, ngặt nỗi bây giờ vận chuyển khó khăn quá”.

Kênh khô nước, ghe xuồng vô phương di chuyển, cách duy nhất để chở lúa là thuê xe gắn máy. Mà công thuê mướn đâu có rẻ, 300.000/kg cho một chuyến ra bến tầm vài cây số. Tính ra mỗi tấn lúa người bán mất đứt 300.000 đồng. Chị Ngân mong giá lúa nhích lên chút nữa, để những người làm nghề thu mua lúa gạo như chị có thêm đồng ra đồng vô.

Cùng tâm trạng như chị Ngân, anh Cam Hùng Duyên, ấp Ông Bích cũng thu mua được gần 200 tấn lúa chờ xuất bán. Mỗi ngày anh đều theo dõi tin tức, hỏi thăm giá cả, mong sao giá lúa tăng lên để có chút chi phí chăm lo cho gia đình mình.

Làm giáo viên hơn 20 năm, anh Duyên tâm sự: “Nghề mua lúa của bà con Khánh Bình không phải là đầu cơ, tích trữ gì. Nói đại khái là lấy công làm lời”. Bà con nông dân ở đâu cũng vậy, sau mỗi mùa đều ví lại một ít lúa để “phòng thân”. Rồi một số bà con có điều kiện kinh tế ổn định xuất vốn để mua trữ, đợi giá tăng chút ít thì bán, bằng không nữa thì chà gạo để bỏ mối cho hàng xáo hoặc các vựa gạo. Cái nghề cực nhọc, mua lúa tươi, bán lúa khô, chi phí không ít, nên đồng lời cũng trầy trật, có năm lỗ vốn. Nhưng được cái là, lỗ gì thì sợ, chớ có lúa gạo trong nhà cũng vững lòng. Vậy mới nói, cây lúa là gốc của nông dân. Anh Duyên nói vui: “Cỡ nào cỡ cũng không bao giờ đói”.

Ghé thăm nhà máy chà lúa của anh Lê Văn Nhất, ấp Rạch Bào, thấy im ắng nên chúng tôi thắc mắc, anh cười khì: “Bà con thấy lúa có giá bán hết rồi còn đâu lúa chà. Bây giờ chỉ có số ít người đến chà vài bao để ăn thôi”. Còn một nguyên nhân nữa khiến nhà máy chà của anh Nhất thất thu, đó là hạn hán. Những con kênh khô nước nên ghe xuồng không thể vận chuyển lúa số lượng lớn đến để xay xát. Hỏi anh có tính đổi nghề không, anh nói: “Vẫn phải làm chớ. Hổng có máy chà thì làm sao có gạo ăn. Nghề này coi vậy chớ bỏ là nông dân rối lắm à!”.

Anh chủ nhà máy chà nói đúng. Nông dân xứ nào chẳng vậy, chỉ mong lúa đầy bồ, gạo đầy khạp, kế đó mới là những câu chuyện khác. Chợt nhớ tới người ông quá cố của tôi, mỗi bận đi ruộng hoặc đi xóm đều có câu cửa miệng: “Làm bậy ba hột cơm cho chắc dạ!”. Gì thì gì chớ niềm tin, sự thuỷ chung của nông dân với lúa gạo là không có gì phải bàn cãi. Với tình hình hạn mặn, dịch bệnh như hiện nay, phương châm “Ăn chắc mặc bền” của dân Khánh Bình bỗng trở nên vô cùng thuyết phục. 

Nhưng về Khánh Bình, chúng tôi còn có cảm nhận khác. Hạt lúa là hạt ngọc của nông dân. Và đó cũng là mặt hàng nông sản chiến lược giúp người dân nơi đây hướng đến tương lai giàu đẹp./.

Phạm Hải Nguyên

Tạo điều kiện để đồng bào phát triển đời sống tốt hơn

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Trần Văn Thời dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, cũng như tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc anh em.

Biển thôi hào phóng

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, sự xâm hại quá mức của con người đã làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, trong đó có nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) trên biển.

Triển vọng từ chăn nuôi heo rừng lai

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và nhạy bén, chị Ðặng Hồng Ðông, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, đã kết nối với công ty ở tỉnh Ðồng Tháp, xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai tại gia đình. Hiện tại, mô hình nuôi phát triển tốt và có nhiều triển vọng kinh tế.

Ðồng vợ đồng chồng thoát nghèo

Tại ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, vợ chồng chị Hồ Thị Thanh Xuân và anh Lâm Văn Khởi là tấm gương tiêu biểu về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Nhãn hiệu chứng nhận cho nghêu Ðất Mũi

Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên gương mẫu phát triển kinh tế

Không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của địa phương, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên (72 tuổi, Ấp 2, xã Tắc Vân) luôn siêng năng, cần cù, tích cực trong lao động, thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.