Năm nào cũng vậy, khi bước vào mùa khô, hạn hán kéo dài, nước dưới các con kinh rạch, ao, đìa khô cạn nhanh cũng là lúc nguồn cá đồng tự nhiên bị khai thác, đánh bắt vô tội vạ từ cá lớn đến cá bé. Mùa khô năm nay, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Năm nào cũng vậy, khi bước vào mùa khô, hạn hán kéo dài, nước dưới các con kinh rạch, ao, đìa khô cạn nhanh cũng là lúc nguồn cá đồng tự nhiên bị khai thác, đánh bắt vô tội vạ từ cá lớn đến cá bé. Mùa khô năm nay, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
1 năm tát đìa 3 lần
Theo bà con địa phương, trước đây con cá đồng trong tự nhiên nhiều vô số kể, nay không còn nữa. Nguyên nhân chính được ngành chuyên môn cho là do con người đánh bắt không chừa cá giống nên đã cạn kiệt dần.
Thu hoạch cá đồng ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, vừa “tát mót” 2 đìa cá, bán gần 2 triệu đồng. Ông cho biết: “Cũng 2 cái đìa này trước Tết Nguyên đán tát 1 lần bán được hơn 4 triệu đồng, rồi cách đây khoảng 5 tháng, khi tát nước ruộng chuẩn bị sạ lúa vụ 2, cá dồn xuống đìa, tôi bán được gần 2 triệu đồng”.
Ông Hùng phân trần: “Mấy năm nay cá đồng tuy rất ít, nhưng được cái bán giá cao, hiện cá lóc, cá trê có giá gần 100.000 đồng/kg, còn lại cá nhỏ như cá sặt, cá rô cũng gần 50.000 đồng/kg.
Lão nông Phan Văn Nam, người sống gắn bó với đất rừng U Minh Hạ gần như cả cuộc đời, cho biết: “Trước đây, để bắt cá, người dân thường dùng cách truyền thống là giăng câu và lưới, đến mùa thì chụp, tát rồi bắt thủ công. Nay giá trị con cá đồng ngày càng tăng cao nên một bộ phận người dân khi tát khô đìa đã dùng đến xiệc điện để bắt cá. Vì thế, lượng cá con sót lại rất ít, những con bị điện giật sống sót thường bị tật gù lưng, không sinh sản được ở các mùa sau, trong khi cá giống có vai trò tái cân bằng nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Mặt khác, trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan cũng khiến cho nguồn lợi thuỷ sản ngày càng giảm mạnh”.
Hiện nay đang vào mùa khô, nước trong các ao đìa khô cạn, không có nguồn nước bổ sung, người dân không có biện pháp bảo vệ. Ðây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nguồn cá đồng giống bị thất thoát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cá mùa sau.
Khai thác tận diệt
Hiện nay, cách đánh bắt cá phổ biến của nông dân là sử dụng lưới ba màng hoặc lưới cước có kích cỡ lỗ nhỏ kéo, đăng, đặt dớn trên đồng ruộng, kinh, rạch… Nhiều nông dân còn dùng 1 loại ngư cụ mới vô cùng nguy hại cho các loài thuỷ sản mà trong giới làm nghề thường gọi là “12 cửa ngục”, đó là lú quế. Ðây là loại ngư cụ có kích cỡ lỗ lưới rất nhỏ, chiều dài của mỗi cái lú từ 10-20 m, được nối ráp lại thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn đều có làm 1 miệng hom theo lối răng cưa ở 2 mặt. Theo nhiều bà con nông dân, loại lú này có thể bắt trên 90% lượng cá trong ao đìa chỉ sau 2-3 lần đặt.
Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT, sản lượng cá đồng của Cà Mau trước đây trung bình mỗi năm 30.000 tấn (cả cá nuôi), thì vụ mùa năm 2014-2015 ước chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với mùa trước, thấp nhất từ trước đến nay.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “nguồn lợi cá đồng đã được quy hoạch phát triển, theo đó, đến năm 2020 sản lượng sẽ đạt 50.000 tấn/năm. Ðể đạt được con số này, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung vào 3 giải pháp: mở rộng diện tích nuôi cá đồng, hỗ trợ người nuôi từ 3-5 tấn cá giống mỗi năm, khuyến khích người dân nuôi cá đồng để phát triển kinh tế gia đình”.
Hiện các ngành chức năng đang ra sức ngăn chặn việc khai thác, đánh bắt cá đồng sai quy định và quy hoạch nuôi cá đồng để bảo đảm phát triển nguồn lợi thuỷ sản này./.
Bài và ảnh: Trúc Ly