(CMO) Trước khi viết những dòng này, chúng tôi từ Cà Mau lên thăm gia đình Đại tá Khưu Ngọc Bảy (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962) tại TP Cần Thơ. Biết ông mới phẫu thuật xong, còn yếu nên anh em không muốn “rề rà”. Như đoán được ý chúng tôi, ông nói vui: “Tụi mày đóng phiếu cơm cho bác Bảy gái, bả chuẩn bị hết rồi, ăn không hết là biết tay liền”.
Vậy rồi bên chai rượu nếp tê lưỡi mà bác Bảy gái tự nấu, chúng tôi được ăn bữa cơm nồng ấm nghĩa tình. Bác cháu lâu ngày gặp lại, chuyện xa, chuyện gần, biết bao nhiêu thứ cứ đong đầy như gió Tết ngoài kia. Ông ngập ngừng: “Hổm rày hay tin một đồng chí của Đoàn 962 ở Cà Mau vừa mất mà tôi đang nằm viện không về được thắp nén hương, áy náy quá”. Ngó thấy bác gái bồn chồn, tôi buột miệng nói: “Bác Bảy về dưới là khoẻ ru liền hà”.
![]() |
Ký hoạ: Minh Tấn |
Chuyến đi này, chủ định của chúng tôi là tìm thêm tư liệu để viết bài về đồng chí Chung Thành Châu, nguyên Chính uỷ Trung đoàn 962 đã hy sinh trong đợt 2 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cà Mau. Bác Bảy Nhỏ (bí danh của Đại tá Khưu Ngọc Bảy) giúp đỡ rất tận tình, ngoài việc hồi nhớ những kỷ niệm về người lãnh đạo, còn cung cấp thêm bài viết “Kỷ niệm về một Chánh uỷ” đề tên bên dưới là Trần Đình Chiến. Máu nghề nổi lên, tôi hỏi: “Ông Trần Đình Chiến còn hay mất, giờ ở đâu bác Bảy?”. Ông quay sang tôi cười và nói tỉnh rụi: “Sáng giờ mày nói chuyện với Trần Đình Chiến đó”. Bác Bảy vẫn vậy, làm người ta bật cười bằng cách nói chuyện có duyên, ý nhị. Bên bác, đôi khi tôi thấy còn cằn cỗi, vô tâm và già nua so với một đại tá quân đội tuổi ngoài 80.
Những ngày cận Tết, kỷ niệm 50 năm trận Mậu Thân lại ùa về, biết ông cố gắng “lướt qua” để dịu bớt những mất mát, hy sinh, nhưng câu chuyện cũng chùn xuống. Bác Bảy kể: “Đợi 1 năm 68, Quân khu điều 2 đại đội của Đoàn 962 vào Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 309 để chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy. Tới đợt 2, Đoàn 962 và Tiểu đoàn 307 ghép lại thành Trung đoàn 2 được điều lên tuyến lửa lộ Vòng Cung, phụ trách khu vực Trà Nóc”.
Theo lời bác Bảy, việc bổ sung lực lượng thực hiện khẩn trương, gần như từ mọi nguồn có thể, công tác huấn luyện cũng triển khai gấp rút. 420 ngày chiến đấu ở tuyến lửa, Đại tá Khưu Ngọc Bảy chứng kiến nhiều đồng đội lần lượt hy sinh, có đơn vị thuộc Trung đoàn 2 phải xoá phiên hiệu vì… hết quân.
Ông kể tiếp: “Chiến đấu tao hổng sợ, mà sợ ở nhà bác Bảy gái mày bỏ tao”. Bác Bảy gái (tên thật là Trương Kim Năm, gốc ở Trảng Cò, Khánh Lộc, Trần Văn Thời) ngồi kề bên nói: “Hồi đó, mấy bà chế ở quê nói vậy nè, mày đẹp gái quá trời sao lấy ông chồng xấu tệ”. Chuyện lên cao trào khi bác Bảy gái lên giọng: “Chớ ở nhà tao hổng bỏ là hên, tụi con thấy đi lộ Vòng Cung về rồi thì ốm nhom ốm nhách, tao nhìn còn hổng ra”. Tôi lại buột miệng hỏi: “Sao hồi đó hai bác gặp nhau?”. Đại khái là cũng nhờ mai mối, người quen, nhưng khi bác Bảy gái đi xuống bếp chuẩn bị cơm nước, ông nói nhỏ: “Nè, muốn biết kỹ chuyện tao với bả phải đọc bài thơ này”. Bài thơ tựa đề là "Đôi bờ Sông Đốc".
Những năm 1965-1966, khi ấy bác Bảy Nhỏ còn là thanh niên “phơi phới”. Kẹt một cái là “thanh niên tập kết” nhưng lại hiền khô và “nhát gái” quá trời. Bên bộ phận Quân trang của Đoàn 962 do đồng chí Trần Thị Phận (thân mẫu của Nhà báo Nguyễn Bé) phụ trách có cô Bảy quê ở Phong Lạc, đẹp người, đẹp nết. Những cảm tình ban đầu nảy nở, đó là sự hoà quyện trong sáng và cao đẹp giữa tình yêu đôi lứa với tình đồng chí, đồng đội. Chuyện trôi qua nhanh, đến năm 1967 thì bác Bảy lập gia đình với người con gái Khánh Lộc, là bác gái bây giờ.
Ông tâm sự: “Cũng hổng có gì, nhưng sau này ngồi ngẫm nghĩ, ờ thì mình mang ơn những dòng sông Cà Mau, tình cờ hơn, trái tim mình rung động giữa đôi bờ Sông Đốc, bên này là Khánh Lộc, bên kia là Phong Lạc. Vậy rồi tứ thơ hình thành”.
Bài thơ có đoạn:
“Có hai người con gái tôi thầm yêu
Ngẫu nhiên sao lại ở đôi bờ Sông Đốc
Khi thuyền tình thả neo trên bến ngọc
Lại nao nao nhớ một bến không thuyền”.
Chuyện tình cảm lắm lúc khiến người ta phải lựa chọn, song, với bác Bảy thì:
“Các má bảo tại cái số, cái duyên
Tôi nghĩ: Đâu có trái tim nào xẻ nửa
Nếu tình yêu như muôn ngàn ánh lửa
Tôi chọn cho mình ngọn lửa nhỏ lung linh”
Ngày đám cưới hai bác chỉ là buổi tuyên bố nhân ngày giỗ của tía vợ, thân tộc, họ hàng ăn kẹo đậu phộng, uống trà. Phần của bác Bảy trai là bộ đồ mà hồi đó người ta hay gọi “ka tê xoa lông vịt” tặng bác gái. Chúng tôi nhẩm tính, năm 1967 đến nay là cuối năm 2017, chẵn nửa thế kỷ. Mấy ai thấy được bác Bảy trai đọc bài thơ này khó nhọc biết nhường nào khi bác gái kề bên, ông nói: “Tao đọc lớn là chết liền”. Đến bây giờ, người con gái trong bài thơ ấy vẫn ở Phong Lạc, có chồng con và bác Bảy cũng thú thiệt: “Những cái gì đẹp trong quá khứ mình giữ trong lòng, hồi đó ai cũng biết bác và cô Bảy vô cùng trong sáng. Thiệt ra bác cũng tránh gặp người ta, lỡ có điều gì khó xử thì không hay”.
Gia đình cô Bảy coi bác Bảy Nhỏ đúng “tính chất” là rể ở nhà. Sau này, gặp lại anh “cột chèo hụt” thứ sáu (người chị thứ sáu của cô Bảy cũng tập kết ra Bắc), ông này hỏi: “Bảy, mày làm tới chức Trung đoàn trưởng hả?”. Ông Bảy gật đầu, người kia nói: “Vậy tao lầm chết tươi rồi. Hồi đó thấy tướng tá của mày, tao nói với nhà tao, mày đánh giặc được mới sợ à”. Má của cô Bảy khi ấy còn sống mới nói: “Thì hiền vậy mới mất vợ đó con”. Còn người chị thứ sáu thì xác nhận thằng “em rể hụt” bằng cách cứ gặp ông Bảy là gọi dượng Bảy.
Những ngày trên tuyến lửa Vòng Cung, đồng chí Nguyễn Hữu Phỉ, anh thứ hai của cô Bảy sát cánh bên Đại đội trưởng Khưu Ngọc Bảy. Cả 2 cùng cấp bậc, chơi thân với nhau như hình với bóng, tới nỗi đơn vị có lời bàn tán: “Thấy thằng em rể hụt với anh vợ hụt dính nhau như sam hông tụi mày?”.
Lời đồn thổi lên tới tận tai của lãnh đạo Trung đoàn 2, nhưng cũng chẳng có căn cứ gì mà kiểm thảo. Bác Bảy Nhỏ kể: “Chiến tranh ác liệt quá, có lần hai anh em ngồi tâm sự, nói đứa nào sống trở về thì phải lo cho vợ con người còn lại”. Nhắc tới đây, bác Bảy thú thiệt: “Trời đất ơi, lúc đó tao nhớ Sông Đốc, nhớ bác gái mày ở nhà, còn bên kia là Phong Lạc, là nhà của anh Hai Phỉ và… cô Bảy nữa”. 2 tháng sau, Hai Phỉ hy sinh, ông Bảy vẫn đang dốc sức mình để thực hiện phần nào lời hứa năm xưa.
Hơn 80 năm đời người, bác Bảy ngẫm lại: “Nhiều người nói, nếu không lấy bác gái bây giờ, chắc gì đã theo được đến cùng con đường cách mạng”. Nói tới đây, ông thủ thỉ: “Tao đi miết, bả cực khổ trăm bề. Có lúc ở nhà nuôi con nhỏ hổng có cái cửa hơn cả năm trời. Rồi thời kỳ sau tiếp thu, thiếu thốn, chật vật…”. Đang cao trào, bác Bảy gái đi lên kêu chúng tôi vô ăn cơm, quăng lại câu kết luận: “Đó, thấy chưa, tới thơ là mới nói thiệt lòng đó”.
Ông Bảy cười cả quyết: “Bả giận tao là câu kết, nó vầy nè: “Bến nhỏ lòng tôi vẫn đầy nắng ấm/Chỉ vắng một người - năm tháng đã xa xôi”. Riêng tôi còn thắc mắc: “Con nghe xong bài thơ rồi cũng đâu hiểu chuyện giữa bác và bác gái ra sao?”. Ông gật gật đầu nói: “Ờ thì đọc kỹ bài thơ mới biết tao thương bác Bảy gái mày tới mức nào”. Cả ông bà đều cười và tôi thấy trong mắt họ niềm hạnh phúc dâng đầy.
Tôi từ giã ra về, ông ký tặng tôi tập thơ “Biển và những dòng sông”, trong đó có bài thơ "Đôi bờ Sông Đốc". Ông ký xong, nói nhỏ: “Mày thấy chữ ký bác đẹp hông, nó vầy nè, tên của bác gái là Năm, còn tên tao là Bảy” (chữ ký của ông là năm bảy - PV). Bác Bảy gái đang đứng phía sau chia bưởi da xanh làm quà cho anh em, tôi ngó thấy bà mỉm cười hạnh phúc
Kính tặng hai bác và gia đình bài viết nhỏ của đứa cháu Cà Mau./.
(*) Một câu thơ trong bài thơ "Đôi bờ Sông Đốc" của Đại tá Khưu Ngọc Bảy
Phạm Lê Nguyên