Buổi sáng, xóm biển Ðá Bạc trở nên nhộn nhịp. Ghe tàu nối đuôi nhau rời bến, tiếng nói cười rôm rả, hoạt động thu mua, phơi ruốc, phơi khô trở nên sôi động... Ông Dương Văn Tường (Tư Tường), Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) trong lòng phấn khởi khi thấy ngư dân trúng mùa biển, cuộc sống ngày càng chuyển biến tích cực.
- Bí thư chi bộ giúp dân thoát nghèo
- Bí thư chi bộ giúp dân thoát nghèo - Bài 2: Lặng thầm làm việc nghĩa
Tận tâm giúp dân
Gặp chúng tôi, bí thư chi bộ U70 liền khoe rằng, năm nay ấp Kinh Hòn được xoá trắng hộ nghèo. Nhìn về phía cửa biển, ông Tư Tường nhớ lại: “Cách nay 10 năm, khi tôi mới nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ, ấp Kinh Hòn còn 20 hộ nghèo. Theo nghị quyết năm 2023 ấp xoá 3 hộ nghèo, nhưng chi bộ bàn bạc thống nhất phấn đấu giảm 9 hộ nghèo và đã đạt được”.
Kết quả giảm nghèo của ấp là từ sự quyết tâm của tập thể và thực hiện đồng bộ các giải pháp như phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ vốn mua ngư cụ, xét vay vốn chăn nuôi, vận động cất nhà, ý thức tự vươn lên của bà con. Trong đó còn có sự góp sức quan trọng của Bí thư Chi bộ Dương Văn Tường, luôn tận tâm, trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.
Năm 2007, gia đình ông Tư Tường đến cửa biển Ðá Bạc thành lập Doanh nghiệp Tư Tường, chuyên thu mua, gia công các loại mực cho các công ty ở TP Cà Mau. Lúc bấy giờ doanh nghiệp giải quyết việc làm cho 60-70 lao động địa phương. Ông Tư Tường tiên phong thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp mình, đảm bảo chăm lo tốt đời sống người lao động. Ngoài thực hiện tốt các chế độ lễ, Tết, ông Tư Tường còn trích lợi nhuận hỗ trợ 4 căn nhà cho công nhân khó khăn.
Hiện nay, Doanh nghiệp Tư Tường vẫn duy trì tổ chức công đoàn, chăm lo tốt đời sống người lao động.
Chị Huỳnh Trúc Ly bộc bạch: “Nhờ chú Tư hỗ trợ tiền cất nhà mà gia đình tôi an tâm làm ăn, vượt qua giai đoạn túng thiếu, vươn lên thoát nghèo. Mặc dù bây giờ không còn làm công cho cơ sở của chú, nhưng thâm tâm tôi luôn ghi nhớ, phấn đấu lao động, ổn định cuộc sống”.
Suốt buổi trò chuyện, ông Tư Tường toàn khoe bà con xứ mình chịu khó làm ăn. Ấp Kinh Hòn có 350 hộ dân, trong đó có khoảng 70% làm nghề biển; 7 cơ sở thu mua mực, làm cá khô..., góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; bên cạnh đó, hơn 10 hộ nuôi cá lóc trong lưới mành, từ 50-60 mùng; nhiều hộ nuôi ếch, ba ba, nuôi bò... ổn định cuộc sống.
Cùng chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lóc trong lưới mành của gia đình bà Quách Thị Bông. Thấy ông Tường dừng xe, bà Bông chạy tới hỏi han lăng xăng, rồi quay sang nói với chúng tôi: “Coi anh Tư ít nói vậy chớ quan tâm đến dân lắm. Lúc đầu tôi nuôi chỉ 2 mùng do không có vốn. Biết được hoàn cảnh, anh Tư động viên, hướng dẫn gia đình tôi vay vốn sản xuất, đến nay mở rộng được 6 mùng đủ kích cỡ, mỗi mùng sau 8 tháng nuôi sản lượng khoảng 2 tấn cá, giá từ 45-50 ngàn đồng/kg, lợi nhuận bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Nghe đâu sắp tới, địa phương còn thành lập tổ hợp tác nuôi cá, để có đầu ra ổn định hơn”.
Bí thư Chi bộ Dương Văn Tường đến thăm mô hình nuôi cá lóc trong lưới mành của gia đình bà Quách Thị Bông.
Cùng dân dựng xây
Người dân xóm biển biết đến ông Tư Tường là bí thư chi bộ, là chủ doanh nghiệp, ít ai ngờ rằng ông có tuổi trẻ sống đẹp và nghị lực vươn lên từ nghèo khó.
16 tuổi ông Tư Tường tham gia công tác tại Thị đội Cà Mau, đến năm 1978 nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng. Rời quân ngũ về quê huyện Cái Nước, gia cảnh nghèo khó, ông phải đi làm mướn mưu sinh, rồi chọn cửa biển Sào Lưới mở vựa thu mua nhỏ. Nhờ giỏi giang, biết tính toán, tích luỹ được vốn, gia đình ông Tư Tường đã định cư ổn định ở cửa biển Ðá Bạc.
“Tôi cũng từng khổ nên tôi hiểu rõ, khi khó khăn được ai đó quan tâm dang tay giúp đỡ là động lực rất lớn, tiếp thêm niềm tin để họ vươn lên thay đổi cuộc sống. Thế nên, mỗi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, tôi lại tự đặt trách nhiệm cho mình làm sao để giúp đỡ họ”, ông Tư Tường tâm tình.
Có lẽ vì thế mà năm 2021 ông Tư Tường đứng ra kêu gọi thành lập Nhóm tình thương hòn Ðá Bạc, thành viên là những hộ kinh doanh, buôn bán ở xứ biển này. Qua hơn 2 năm, nhóm đã huy động các thành viên hơn 500 triệu đồng, hơn 1 tấn gạo, trong đó riêng ông Tư Tường góp 60 triệu đồng và 600 kg gạo, tặng bà con vào dịp rằm lớn, đầu năm học, hay khi Tết đến.
Cửa biển Ðá Bạc sôi động tàu ghe cập bến.
Chị Trần Như Ý chia sẻ: “Chồng tôi đi bạn tàu, còn tôi ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ, hôm nào tranh thủ gửi được con cho bà nội thì đi phơi khô mướn, ngày cũng gần 200 ngàn đồng. Thấy căn nhà tôi gần sập, địa phương xét hỗ trợ cất nhà mới, còn chú Tư thì thường xuyên cho gạo, cho quà”.
Từ sự gương mẫu, uy tín của người đứng đầu, dân xứ biển ngày càng tin tưởng vào Ðảng, chính quyền, chung tay góp sức xây dựng quê hương. Như mới đây, ấp vừa xây dựng hoàn thành trụ sở sinh hoạt văn hoá, kinh phí 300 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước 100 triệu, còn lại do Nhân dân đóng góp. Bí thư Chi bộ Dương Văn Tường cho biết: “Ðể xây nhà văn hoá khang trang, rộng rãi, đáp ứng các hoạt động chung của ấp, chi bộ thống nhất họp dân để tuyên truyền, bàn bạc công khai, dân chủ. Khi hiểu được ý nghĩa, người dân đều đồng tình cao”.
Trong nhà ông Tư Tường chật kín bằng khen, giấy khen, 2 lần ông được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam biểu dương tại Hội nghị tổng kết phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" tại Hà Nội, giai đoạn 2007-2011 và 2011-2016. Ông thường bảo rằng, bằng khen lớn nhất của mình là sự khởi sắc của xóm biển...
Trên khắp vùng đất Cà Mau này còn nhiều tấm gương bí thư chi bộ tiêu biểu như thế! Mỗi người đều có cách làm phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của quê hương, nhưng điểm chung ở họ là đều khắc sâu những lời Bác Hồ căn dặn, luôn “lấy dân làm gốc”, “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Nông thôn Cà Mau hôm nay rộn rã thanh âm và sắc màu nhịp sống mới. Hoà trong nhịp sống đó là tinh thần tiên phong vì lợi ích cộng đồng của những bí thư chi bộ và niềm tin Nhân dân hướng về Ðảng, về ngày mai tươi sáng./.
Mộng Thường