“Thông qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Chi bộ ấp Cái Giếng, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình cây - con kết hợp của đồng chí đã tạo bước đột phá trong sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình và trở thành tấm gương sáng về sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất”, ông Nguyễn Minh Nhà, Phó bí thư Ðảng uỷ xã Ðông Hưng, giới thiệu.
Ấp Cái Giếng có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên những năm gần đây, tác động biến đổi khí hậu không thuận lợi cho tôm nuôi phát triển; nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông tôm không còn dồi dào như trước. Nhằm phát triển kinh tế gia đình, làm gương sáng trong lao động sản xuất, ông Thạch tiên phong thực hiện mô hình cây, con kết hợp theo quy trình khép kín. Cụ thể, trên diện tích hơn 2 ha đất nuôi trồng thuỷ sản của gia đình, dưới mặt nước ông nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn, trên bờ vuông trồng so đũa lấy lá làm thức ăn cho dê. Không chỉ vậy, ông còn tận dụng phân dê nhân nuôi trùn tạo nguồn thức ăn cho tôm nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch duy trì mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn.
Về ý tưởng ban đầu của mô hình này, ông Thạch chia sẻ: “Qua nhiều năm nuôi tôm, nhận thấy nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông bị cạn dần dẫn đến tôm nuôi chậm phát triển, gia đình thường xuyên sử dụng vi sinh bón cho vuông tôm để giúp trùn chỉ trong tự nhiên phát triển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi. Vây là ý tưởng nuôi trùn tạo nguồn thức ăn cho tôm nuôi hình thành. Sau đó, được người quen hướng dẫn cách tạo trùn giống trong tự nhiên để gây nuôi, tôi áp dụng với 2 loại trùn đất và trùn nước có nguồn gốc ở tại địa phương, kết hợp nuôi thử nghiệm giống trùn quế có nguồn gốc ngoài tỉnh”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch sáng tạo tận dụng phân dê nhân nuôi trùn làm thức ăn cho tôm.
Trùn nước và trùn đất giống đang được gây nuôi làm thức ăn cho tôm.
Theo ông Thạch, giống trùn đất và trùn nước có nguồn gốc tại địa phương, sinh sản, phát triển rất nhanh. “Hằng ngày, sau khi làm vệ sinh chuồng trại, phân dê cho vào khu vực nuôi trùn (có độ dầy từ 15-20 cm), dùng cao su đậy lại từ 7-10 ngày. Phân dê bắt đầu hoai mục trở thành thức ăn cho các loại trùn, không phải tốn kém chi phí xử lý môi trường, mà còn thu được một lượng lớn trùn thương phẩm dùng làm thức ăn cho tôm nuôi”, ông Thạch chia sẻ cách làm.
Theo Kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cái Nước, hầu hết các loại trùn đều có chứa hàm lượng đạm rất cao, đây được xem là thành phần dinh dưỡng rất tốt giúp tôm nuôi phát triển, không thua kém thức ăn tôm công nghiệp. Ðặc biệt, phân dê sau hoai mục làm thức ăn cho trùn, khi bón vào vuông tôm còn có tác dụng gây màu nước, giúp một số loài sinh vật phát triển và cải thiện môi trường trong vuông tôm./.
Huỳnh Việt