(CMO) Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vào chiều ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Chưa năm nào ngành nông nghiệp phải chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh và ảnh hưởng thời tiết lớn như thế. Chúng ta phải biến nguy cơ thành thời cơ để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, ngành nông nghiệp đang đứng trước 3 vấn đề lớn: Cần có các biện pháp thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng đủ lương thực theo nhu cầu của Nhân dân; Tập trung các biện pháp ứng phó hạn mặn, dịch bệnh, cả dịch tả heo châu Phi; Chuẩn bị điều kiện tốt nhất ngay khi dứt dịch bệnh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế ngay.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau
Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế nông nghiệp 2 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản tăng 3,5% (ước đạt 1,02 triệu tấn). Trong đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đều tăng từ 3,4%-3,7%. Dịch tả heo châu Phi tiếp tục được kiểm soát tốt; đàn bò tăng 2,4%; đàn gia cầm tăng 13,8%; đàn heo giảm 23% so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ nông sản mặc dù chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD, chỉ giảm 2,8% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước 4,3 tỷ USD, giảm 6,7%. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so cùng kỳ.
Đáng mừng, tính đến ngày 10/3 tổng đàn heo cả nước đạt gần 24 triệu con, trong đó đàn nái 2,7 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân giống tái đàn, dự báo nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt 4 triệu tấn; dịch bệnh cúm gia cầm cơ bản kiểm soát tốt, đến nay đã xây dựng hơn 800 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm đạt an toàn dịch bệnh; 39 tỉnh, thành phố đã hết dịch tả heo châu Phi, có gần 99% số xã có dịch đã qua 30 ngày.
Cà Mau khan hiếm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tới thời điểm này cần tập trung các biện pháp tái đàn để đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo khối lượng lương thực, thực phẩm, nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu dùng.
Theo đó, Bộ trưởng dự báo, sau dịch bệnh nhu cầu lương thực rất lớn, do đó chúng ta phải có sự chủ động chuẩn bị nguồn cung. Vừa xúc tiến thị trường mới vừa giữ thị trường truyền thống. Tập trung khống chế dịch bệnh, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để giảm thiệt hại, tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp bằng nhiều hình thức, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới./.
Hồng Nhung