Đó là mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch phát triển sản xuất đột phá ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau, vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 21/4.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; đóng góp thiết thực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau từ 2,8% lên 4,0%, góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh từ 8% trở lên năm 2025 và đảm bảo tăng trưởng “hai con số” từ năm 2026 trở đi.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm nuôi tôm hiệu quả, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Cụ thể, duy trì diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 190.000 ha, năng suất bình quân 450 kg/ha/năm, trong đó có 100.000 ha đạt năng suất trung bình 550 kg/ha/năm. Duy trì diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 5.100 ha, năng suất bình quân 23 tấn/ha/năm; trong đó, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn, không xả thải cho 500 ha. Đồng thời, mở rộng diện tích nuôi siêu thâm canh tập trung và phân tán theo quy trình không xả thải từ 400-500 ha.
Xây dựng hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi, xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng 100.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến (loại năng suất 550kg/ha) và khoảng 1.000 ha diện tích nuôi siêu thâm canh. Qua đó, góp phần đạt tổng sản lượng tôm nuôi 253.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,3 tỷ USD.
Phấn đấu đưa tổng sản lượng tôm nuôi năm 2025 lên 253.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,3 tỷ USD.
UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về Kế hoạch phát triển sản xuất đột phá ngành tôm trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp đã đăng ký, có chất lượng sản phẩm tốt, có uy tín cao, có kinh nghiệm thực hiện liên kết chuỗi để tham gia thực hiện Kế hoạch.
Xác định yêu cầu về hạ tầng cơ sở nuôi siêu thâm canh theo từng quy trình cụ thể để giới thiệu, hướng dẫn cho người nuôi tôm lựa chọn áp dụng; rà soát quy trình nuôi, yêu cầu hạ tầng cơ sở nuôi quảng canh cải tiến (nuôi tôm 02 giai đoạn) theo từng vùng nuôi (tôm - rừng, tôm - lúa, chuyên tôm) để hướng dẫn người nuôi thực hiện;…
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước; kinh phí lồng ghép trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển khoa học và công nghệ, các chương trình, đề án, dự án có liên quan và các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật./.
Trung Đỉnh