Bảo hiểm xã hội (BHXH) góp phần ổn định đời sống người lao động (NLÐ), ổn định sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN). Việc tham gia BHXH cho NLÐ là trách nhiệm của DN. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều DN tìm cách né tránh việc đóng BHXH cho NLÐ, một số DN nợ BHXH gây thiệt thòi cho NLÐ.
Ðến nay, toàn tỉnh có 270 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, chủ yếu là khối DN ngoài quốc doanh. Trong đó, có 10 đơn vị chậm đóng kéo dài nhiều năm liền, với số tiền trên 102 tỷ đồng, chiếm 4,29% tỷ lệ nợ toàn tỉnh. Riêng Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Quốc Việt chiếm 28,64% trong tổng số tiền chậm đóng của khối DN ngoài Nhà nước, với số tiền trên 38 tỷ đồng.
NLÐ đến quầy BHXH tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau nộp hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm.
Theo ông Lê Hùng Cường, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, phần lớn DN còn chủ quan, chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) về trích đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hằng tháng cho NLÐ. Họ tập trung vào sản xuất kinh doanh, khi thu tiền trích đóng hằng tháng của NLÐ lại không nộp cho cơ quan BHXH theo quy định của Luật, mà ưu tiên cho nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Khi kinh doanh thua lỗ, gặp khó khăn sẽ không có nguồn đóng cho những tháng nợ trước đó.
Không chỉ trong tỉnh, tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Thời gian qua, có nhiều người dân đi lao động ngoài tỉnh, khi trở về quê hương, họ ra cơ quan BHXH tỉnh chốt sổ mới phát hiện DN nợ đọng BHXH nên không thể chốt được. Ðiều này gây rất nhiều khó khăn cho NLÐ, mà cơ quan BHXH tỉnh cũng không thể giải quyết được; từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Một số người đi lao động ngoài tỉnh khi về đến BHXH tỉnh làm thủ tục chốt số thì phát hiện công ty nợ nên không thể thực hiện chốt sổ
Ông Lê Hùng Cường cho biết: "Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, đối với đơn vị nợ thì NLÐ phải trở về đơn vị nơi NLÐ tham gia BHXH trước khi nghỉ để chốt sổ, giải quyết tình trạng nợ của chủ sử dụng lao động và NLÐ. Vấn đề trên vừa qua được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, thảo luận và đã đưa vào các nội dung sửa đổi Luật BHXH sắp tới để ngăn chặn tình trạng DN nợ đọng BHXH".
Cũng theo ông Lê Hùng Cường, hiện nay DN nợ đọng BHXH trên cả nước rất lớn, đang được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp kiến nghị xử lý, nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho NLÐ.
Việc xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng đã được quy định trong Luật BHXH. Theo quy định, có 2 nghị định xử phạt vi phạm hành chính là Nghị định số 12/2022/NÐ-CP của Chính phủ, tuỳ theo số tiền chậm đóng BHXH sẽ áp dụng quy định tại điểm a, khoản 5, Ðiều 29 của Nghị định 12 xử phạt vi phạm hành chính. Xử phạt theo quy định về chậm đóng, tuỳ theo số tiền mà áp dụng điều khoản trong Nghị định 117. Tuy nhiên, chưa có quy định xử phạt, yêu cầu DN tạm dừng hoạt động khi nợ BHXH từ 5 tháng, 6 tháng hoặc 10 tháng, 12 tháng để tác động chủ DN ý thức trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ.
Ngoài ra, theo Ðiều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật đối với chủ DN.
"Việc chậm đóng, nợ BHXH ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLÐ. Nhiều trường hợp NLÐ bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động không được hưởng trợ cấp BHXH, BHTN, khám chữa bệnh không được quỹ BHYT thanh toán. Vì vậy, BHXH tỉnh kiến nghị các ngành, các cấp, cấp uỷ, chính quyền nên quan tâm kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định, chế tài để bảo vệ quyền lợi NLÐ và đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội ngày càng bền vững hơn, tạo niềm tin cho NLÐ, DN", ông Lê Hùng Cường kiến nghị./.
Phúc Duy - Phương Du