(CMO) Tuần trước về quê, ghé dọc đường mua vài thứ lặt vặt, nhìn bên kia đường thấy dãy cửa hàng bán những con diều xanh xanh, đỏ đỏ… chợt nhớ tới hai đứa cháu ở quê, tôi tạt qua mua cho mỗi đứa một con diều. Hai con diều, kèm hai cuộn dây thả mà chưa tới 200.000 đồng, cũng khá dễ mua.
Ðường về quê như ngắn hơn, khi tôi vừa đi vừa tưởng tượng vẻ mặt hí hửng của hai đứa cháu khi được cho diều chơi. Giờ đang mùa hạn, mặt ruộng khô ráo, bầu trời như cao hơn, gió thổi lồng lộng, là điều kiện lý tưởng để chơi thả diều. Bao ký ức chợt ùa về, lòng tôi cũng thoáng chút “ghen tị” với lũ trẻ, vì bây giờ chúng thật sướng, cái gì cũng được người ta làm sẵn, chỉ cần bỏ ít tiền ra mua là có món đồ chơi như ý, giống như những con diều đang nằm trên xe tôi đây.
Nhớ lại hồi bằng tuổi mấy đứa cháu bây giờ, mỗi khi mùa hạn về, đám con nít nông thôn chúng tôi lại háo hức làm diều chơi. Những cuốn tập học năm trước được để dành lại, đem ra “rứt ruột” dán diều. Mỗi con diều cần 3-4 cuốn tập mới đủ, đứa nào có vài miếng giấy thủ công màu xanh đỏ tím vàng, dán vô trang trí đã là sang nhứt hội.
Cánh diều bay cao chở theo bao ước mơ tuổi thơ. Ảnh: MỸ LINH |
Làm diều giấy trông khá đơn giản, nhưng hoàn toàn không dễ như mọi người vẫn tưởng, nhất là khâu dán bộ khung để định hình cho nó. Diều giấy gần như có một lựa chọn duy nhất là mặt diều hình thoi thẳng đứng, dùng hai thanh nẹp hình chữ thập để nối liền 4 đỉnh; nẹp vót bằng tre, trúc có sẵn trong vườn nhà. Hai thanh nẹp chữ thập thì đơn giản rồi, nhưng “trần ai” nhất là cái nẹp hình bán nguyệt ở mặt nửa trên, có tác dụng vừa gia cố cho diều thêm chắc vừa là khu vực bọc gió. Hồi đó, ở nông thôn không có hồ, keo dán giấy; diều làm toàn dán bằng… cơm nguội nên sự kết dính rất kém. Khi dán thanh bán nguyệt, hai ba đứa phải xúm lại, đứa vịn, đứa dán rồi cầm chờ lâu lâu mới dám buông. Vậy mà vẫn bị bung hoài.
Hồi đó, tôi hay nhờ các anh lớn trong nhà dán diều, đổi lại phải làm một việc gì đó cho mấy ảnh, thường là đi… hái rau muống. Xưa nhà nuôi nhiều heo, hàng ngày các con phải đi hái rau muống về xắt cho heo ăn; anh em trong nhà chia nhau hái, đứa lớn thì 9-10 bó bằng nắm tay, càng nhỏ thì “chỉ tiêu” càng ít hơn. Bởi vậy, mượn ai dán diều là phải đi hái rau muống thay cho người đó.
Hái rau muống thì không vất vả lắm, mỗi tội khom lâu nên mỏi lưng, các móng tay và đầu ngón tay bị mủ đóng đen sì, nhưng bù lại là có được con diều giấy ngon lành, chiều chiều đi thả. Diều giấy đơn giản chỉ gồm mặt diều, hai đỉnh ngang đối xứng thì gắn hai cánh, phía dưới gắn đuôi. Cánh và đuôi bằng giấy cắt ra bề ngang chừng hai ngón tay, dán nối vào nhau; cánh thường dài chừng 7-8 tấc, còn đuôi dài hơn cánh gấp hai ba lần, thậm chí dài hơn tuỳ vào lượng giấy có được, hoặc sở thích của người chơi. Khi thả, nhiều đứa còn hay lấy lá chuối khô, xé tua rua treo lên đuôi diều cho thêm… oách xà lách! Dây diều thì quấn vào lon sữa bò hoặc chai nước ngọt. Một công đoạn quan trọng nữa là buộc “dây lèo”, tức là dây từ bụng diều nối ra dây thả. Người có kinh nghiệm buộc dây lèo và chọn vị trí nối với dây thả tốt sẽ khiến diều lên nhanh, ít bị chao và bay “đằm” hơn!
Mùa hạn về, mấy miếng ruộng gần nhà tôi xưa hay được các anh thanh niên nông thôn tận dụng làm sân đá bóng, quen gọi là “sân banh”. Chiều xuống, mấy anh lớn thì lại đá banh, tụi nhỏ thì thả diều. Lúc cao điểm, có hàng chục con diều được thả xung quanh "sân banh". Lúc đó, các chủ diều nhí túm tụm lại bàn tán diều đứa nào xấu - đẹp, con nào bay “đằm”, con nào bị lạng. Bình phẩm chán, tụi tôi chuyển qua chơi “đá diều”. Hai con diều được chọn thu dây cho ngang độ cao, rồi điều khiển cho chúng “đánh nhau” trên không, diều đứa nào rớt hoặc đứt dây là thua. Nhiều trận kịch chiến, rất lâu mới phân thắng bại. Hôm nào thắng, con diều mình cũng te tua, tơi tả; nếu thua thì về nhà nhờ mấy anh làm con khác và tiếp tục đi hái rau muống đổi công. Vậy mà vui!
Lúa vừa thu hoạch xong, mặt ruộng khô ráo là không gian lý tưởng cho trẻ nhỏ chơi thả diều. |
Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng hay chơi trò cho diều “băng”, tức là thả cuộn dây cho diều kéo đi rồi rượt theo bắt lại. Diều thường kéo cuộn dây chạy rất nhanh, băng băng trên mặt ruộng; dù đã chủ động bố trí 2-3 đứa đứng cách xa xa để đón bắt, nhưng vẫn bị vuột như thường. Thế rồi cả đám nhìn theo con diều bay xa dần, xa dần cho tới mất hút trong tâm trạng tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Có đứa mất diều thì sẽ có đứa lượm được diều. Có bữa ngủ sáng ra thấy cây dừa trước nhà có con diều ở đâu bay tới vướng vô, leo lên lấy xuống là có “đồ chơi”. Vậy mới có chuyện đem diều ra "sân banh" thả, có đứa lại “nhìn” là diều của mình rồi tranh giành ỏm tỏi. Vậy chứ lát sau là huề cả làng, cả đám lại xúm nhau chơi và vòng quay bình phẩm, đá diều, hái rau muống cứ lặp đi, lặp lại trong suốt mùa khô.
Câu chuyện của ký ức tạm kết thúc khi tôi về đến nhà. Hai đứa cháu nhảy cẫng lên khi thấy hai con diều buộc trên xe. Tụi nó nằng nặc đòi tôi lắp khung, buộc dây để đi thả ngay dù ngoài ruộng đang nắng chang chang. Phải làm “công tác tư tưởng” hồi lâu, hai đứa mới chịu chờ đến khi mát trời mới ra ruộng thả diều.
Người Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng có truyền thống thích thả diều. Trong nước, có những hội chơi diều chuyên nghiệp, hàng năm có những hội thi thả diều tổ chức khá quy mô, với nhiều con diều có kích thước khủng, được ghi vào sách kỷ lục. Các hoạt động này thu hút khá nhiều người đến xem, trải nghiệm, thúc đẩy du lịch phát triển.
Hiện nay, hoạt động thả diều phát triển mạnh tại các đô thị, trong đó có thành phố Cà Mau. Vấn đề đặt ra là ngành chức năng cần có sự quản lý, quy định khu vực thả diều phù hợp để tránh ảnh hưởng giao thông, đảm bảo an toàn bay cho sân bay và tránh nguy cơ tai nạn về điện. Bởi, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống thông qua chuyện thả diều là lành mạnh và cần được khuyến khích.
Thả diều giúp người chơi thư giãn đầu óc. Nhìn con diều bay cao, tâm hồn ta cũng trở nên bay bổng, vô ưu. Học sinh, trẻ em chơi diều là tham gia hoạt động trải nghiệm thú vị, từ đó lưu giữ vào ký ức những kỷ niệm đẹp của ngày thơ, giúp các thành viên gia đình có nhiều thời gian bên nhau hơn khi cuộc sống ngoài kia ngày càng quay cuồng, vội vã.
Chơi diều cũng giúp giới trẻ tăng thời gian tương tác với xã hội. Ðiều này rất có ý nghĩa khi các trò giải trí trên thế giới ảo ngày càng phát triển và lấn át các hoạt động vui chơi truyền thống như hiện nay.
Chiều, sau khi “hoàn thành nghĩa vụ” lắp diều, đưa tụi nhỏ ra ruộng, thả cho diều bay cao lên, tôi lại quay về thành phố. Dọc con đê Sông Ðốc - Tắc Thủ dài hun hút, xa xa lại bắt gặp vài đứa trẻ thả diều, hồn nhiên nói cười trên những đám ruộng lúa vừa cắt xong, rạ vàng ươm, xếp thẳng hàng tăm tắp.
Quê hương ta đó, sao bình yên và thân thương quá đỗi./.
Tuấn Ngọc