ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 11:10:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cây đèn “Ta Đăng”

Báo Cà Mau

Còn mấy ngày nữa là đến ngày giỗ má, nhưng đang giãn cách xã hội chắc không về được, buồn ghê.

Năm rồi cũng vậy, vừa có chuyến công tác từ nơi có dịch Hà Nội, nên âm thầm về giỗ má lúc tối, vội vã thắp hương và viếng mộ rồi đi ngay, không dám tiếp xúc với ai vì bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Nhớ về má ai cũng nhắc đến sự cưng chiều, những nụ hôn và lời ru ngọt ngào suốt thời thơ ấu… còn tôi đứa con thứ mười, ba mất sớm, má phải lo toan nhiều thứ lắm, nên không được hưởng trọn vẹn niềm vui trẻ thơ bên gia đình như mọi người đâu. Nhưng điều đó không có nghĩa sợi dây gắn kết vô hình về tình mẫu tử giữa tôi và má mong manh hơn các bạn đâu nhé. Nhớ về má rất nhiều, qua độ dày ký ức với biết bao câu chuyện luôn quay về…

Vào một ngày không nhớ chính xác, nhưng chắc chắn là vào đầu tháng 5/1975. Khoảng 2 giờ sáng tôi và má khởi hành trên chiếc xuồng be tám, bơi qua Ba Ðình thăm người cậu em họ cùng quê Bến Tre của má.

Khi chiến tranh vừa kết thúc, đi đêm trên kênh cặp bìa rừng này rất sợ tàn quân của chế độ cũ, nhưng cuối cùng cũng vượt qua được quãng đường dài an toàn, đến khi nắng lên thì tới nơi. Cậu Út Thế ở cơ quan của một đơn vị thuộc Quân khu 9, khi gặp cậu mừng lắm vì trong này chỉ có má tôi là người thân duy nhất. Ðang chuẩn bị chuyển đơn vị về Cần Thơ, có một số vật dụng linh tinh không cần xài ở đô thị nữa nên tặng lại cho má con tôi, trong đó chắc quý nhất là cái đèn dầu treo, không biết tên chính xác là gì nhưng lúc đó nghe người ta gọi là đèn Ta Ðăng (thực ra là Toạ Ðăng. Nhưng thôi! Cứ tạm gọi vậy).

Ðèn Ta Ðăng giờ đây không ai sử dụng nữa, nếu ai còn cũng là để kỷ niệm về một thời. Ðèn dầu làm sao so sánh với ánh sáng điện, nhưng với tôi nó là ký ức không thể nào quên.

Tại sao tôi quý cây đèn này, vì thời điểm đó ở nông thôn hay sử dụng đèn dầu "con cóc" và một số đèn nhỏ khác tương tự, khi cần nhiều ánh sáng phải ngồi gần nên hay bị khói đen bám đầy vào mũi, còn đèn Ta Ðăng lớn có bóng và phản quang, treo trên cao có thể sáng cho cả nhà. Có thể so sánh một cách khập khiễng nhưng để các bạn trẻ dễ hiểu lý do tại sao tôi quý nó, là vì khi sử dụng đèn con cóc giống như đi xe hai bánh bị bụi và nắng gió, còn sử dụng đèn Ta Ðăng thì giống như đi xe hơi rất thoải mái vì mát mẻ.

Thật ra cây đèn này tôi có được sử dụng nhiều đâu và đã bể hơn 40 năm rồi nhưng tôi còn nhớ mãi, nhớ đến cả những chi tiết nhỏ nhất, như muốn đèn sáng phải vặn, chỉnh sửa sao cho ống tim đèn thật đều và như vậy mới ít bị khói đen bám vào bóng đèn. Thời kỳ đầu bao cấp cái gì cũng thiếu, đặc biệt loại cần nhất nhưng lại khó mua là dầu lửa để thắp sáng. Ðèn Ta Ðăng treo thời ấy là thuộc loại cao cấp rồi, chỉ thua đèn măng xông thôi. Nhưng vì tốn nhiều dầu nên đèn Ta Ðăng nhà tôi rất ít được sử dụng, lâu ngày đèn bị sét một số phụ kiện. Trong đợt nghỉ hè, sẵn trong nhà có hộp nước sơn nhỏ, sau gần cả buổi cạo, chùi, sơn thì cũng hoàn thành, tất cả các chi tiết đèn được để trên dàn máy may.

Nói dàn máy may cho oai chứ thật ra chỉ là 2 mảnh ván ghép lại đặt trên khung chân máy đã cũ để tạm dùng may vá. Lần đó còn thừa ít nước sơn, tôi ấn tay đậy nắp hộp làm cho cả dàn máy sụp đổ. Thế là bầu thuỷ tinh chứa dầu bể nát, các linh kiện còn lại từ đó chỉ để làm kỷ niệm mà thôi.

Bị kết án "phá” nên má cho trận đòn. Khi “thi hành án xong”, tôi buồn vì bị “hàm oan” thì ít nhưng buồn vì tiếc của nhiều hơn. Má nói đây là vật kỷ niệm, món quà có được từ sự kiện kết thúc chiến tranh nhưng chắc cũng không trách tôi đâu, bởi má biết tôi cũng quý cây đèn giống như má...

Từ năm 1975, xa quê đi học, được hưởng ánh sáng chói chang của đô thành và được học biết bao kiến thức mới, chỉ vào dịp hè mới “tận hưởng” ánh sáng đèn dầu và được tiếp tục những bài học rất đời thường của má. Má tôi không dạy "chữ", chỉ dạy tôi cách “sử dụng chữ” mà thôi. Nhờ ánh sáng đèn dầu của má mà tôi nhìn rõ hơn ánh sáng nguồn điện hôm nay, để không lạc lối trong suốt cuộc hành trình…

"Bớt dịch rồi con sẽ về viếng má"./.

 

Mai Trâm

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...