ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 12:40:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cây mai của ngoại

Báo Cà Mau (CMO) Cứ mặc định, trước Tết khoảng nửa tháng, hai anh em tôi với gương mặt uể oải vì bị bắt dậy sớm vào những ngày cuối tuần để lặt lá mấy cây mai trước nhà. Em gái tôi thắc mắc, cây gì bông chẳng thơm tho mà sao cứ phải trồng trưng ngày Tết…

Hì hụi gần 2 tiếng đồng hồ, cái cây đang sum suê lá nhìn xơ xác, trần trụi thấy thương. Con Út nhăn nhăn cái mặt, cầm cây chổi quơ quơ hốt đống lá bay đầy sân với dáng vẻ như một bà cụ non.

Chú hàng xóm đi qua ngó, lắc đầu: “Mấy đứa lặt lá xong còn bứt đọt, khi cây ra bông đâu có đẹp”. Tôi cười trừ, thầm nghĩ, dù gì nó cũng sẽ ra bông, đâu cần thiết phải tỉ mỉ.

Chỉ mấy cây mai trước nhà mà anh em tôi đã ngán, vậy mà khi qua nhà ngoại, ông ngoại đã lặt lá từ mấy hôm trước. Ông xem dự báo thời tiết suốt nên biết canh thời gian nào nên lặt lá để cây ra bông kịp giao thừa.

Mà mấy cây mai của ông ngoại thì khỏi chê, cây nào cây nấy tốt tươi. Ông cưng lắm, cắt tỉa rồi uốn cành nhìn rất ra dáng, chẳng bù với mấy cây ở nhà tôi, vỏ mốc meo, cành tược rối ren.

Tuổi ông gần 80 mà vẫn còn khoẻ lắm, 3-4 cây mai chỉ một mình ông vô phân, thay đất. Nhìn ông như một nghệ nhân hoa kiểng thực thụ.

Rồi Tết đến, nhà ai cũng có cây mai vàng trước cửa, nhà tôi cũng có, nhưng cây mai không trổ vàng như nhà người ta, mà chỉ loe hoe vài bông. Còn những cây mai nhà ngoại trổ vàng rực cả một góc sân, không thua mấy cây mai ngoài chợ kiểng.

Mùng 1 Tết, con cháu tập trung tại nhà ngoại. Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cũng không ngoại lệ, bởi cha tôi là người lưu xứ, không có ai thân thuộc ở xứ Cà Mau này. Sau khi đám con cháu nhận được mừng tuổi, cả gia đình tập trung ra mấy cây mai trước nhà để chụp ảnh lưu niệm.

***

Minh hoạ: M.T

Sáng nay trời cũng se se lạnh, chợt nhớ gần tới Tết rồi, nhưng cây mai trước nhà lá vẫn sum suê. Loay hoay với cuộc sống, rồi gia đình, tôi quên mất công việc hàng năm của mình. Mà có làm thì cũng chỉ làm một mình, bởi con Út giờ đang học ở Sài Gòn, đâu về phụ được.

Nhìn mấy cây mai trước nhà, chợt nhớ mấy cây mai vàng ngày xưa của ông ngoại. Năm cuối cùng ăn Tết cùng ông, khi đó sức khoẻ ngoại giảm nhiều lắm, đến đi đứng còn khó khăn, nhưng mấy cây mai của ngoại vẫn trổ bông vàng rực một góc sân…

Chạnh lòng đến giờ mới hiểu ra, đối với ngoại, mấy cây mai đó không chỉ để trưng bày cho đẹp ngày Tết, mà ông chăm sóc nâng niu cây mai bởi tình cảm ông dành cho con cháu. Mùng 1 Tết,  nhìn con cháu quần quật bên mấy cây mai vui đùa, có mấy đứa ở tận Sài Gòn, một năm về quê được có một lần, miệng ông luôn mỉm cười và trong lòng ngập tràn hạnh phúc, yêu thương.

Năm rồi mai cũng trổ, nhưng không nhiều như lúc ông còn sống. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng không còn chạy loanh quanh trước sân như lúc trước. Chỉ thấy bà ngoại đôi mắt hơi đỏ nhìn về hướng bàn thờ của ông. Chưa có mùng 1 Tết nào không gian trầm lắng như vậy.

***

Giờ mới hiểu, cái cây ra bông chẳng thơm tho gì mà em gái tôi hay nói ngày đó quan trọng như thế nào với tôi. Không phải nó đem lại tài lộc, may mắn, mà nó chỉ đơn giản là một tấm lòng đầy yêu thương cho gia đình vào những ngày Tết sum vầy. Hoa mai vàng thơm mùi gì? Mùi sum vầy, mùi của sự yêu thương…

Tự nhủ lòng, ngày mai là cuối tuần, sáng mai sẽ dậy thật sớm để ra chợ mua phân rồi về lặt lá mấy cây mai trước nhà, chiều sẽ qua nhà ngoại, rủ mấy đứa em cùng lặt lá, dọn cỏ mấy gốc mai của ngoại. Năm nay nhất định phải chăm cho mấy cây mai trổ bông vàng rực như ngày xưa ông đã làm, để mùng 1 Tết này mọi người quây quần cùng nhau, có một bộ ảnh thật đẹp dưới những gốc mai ấy./.

 

Khánh Phương

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...