(CMO) Nhãn hiệu “Lúa sạch Thới Bình” đã được xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo Quyết định số 85773/QÐ-SHTT ngày 1/10/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Huyện Thới Bình đã nâng cao danh tiếng cho sản phẩm đặc sản của địa phương, được trồng trên vùng đất nuôi tôm tự nhiên, từng bước nâng cao chất lượng với nhiều sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP.
Gạo Hoàng Yến (ST24) là sản phẩm đặc trưng của xã Trí Lực, thuộc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, được Hội đồng thẩm định OCOP tỉnh đánh giá phân hạng 3 sao vào cuối năm 2020.
Sản phẩm sản xuất theo quy trình sản xuất lúa - tôm an toàn, ít sử dụng phân đạm đặc biệt không sử dụng thuốc hoá học để phòng, trị bệnh. 100% nguyên liệu được sử dụng có nguồn gốc tại địa phương, lúa ST24 được sản xuất theo quy trình sản xuất lúa - tôm an toàn.
Người dân Trí Lực tự hào về hạt gạo Hoàng Yến được xuất đi khắp nơi trong nước. |
Ðây là loại gạo được bán rất “chạy” những năm gần đây. Chất lượng sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và đón nhận như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá bán từ khoảng 30.000 đồng/kg, hàng năm xuất bán khoảng vài chục tấn với chất lượng gạo thơm và dẻo ngon. Gạo được làm sạch và đóng gói, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bao bì, kiểu dáng đẹp, có đầy đủ thông tin phù hợp với yêu cầu.
Bà Trương Thị Kiều Diễm, thành viên HTX lúa - tôm xã Trí Lực, cho biết: “Gạo Hoàng Yến có hương vị đặc biệt, từ khi có thương hiệu, gạo bán ngày càng “chạy” hơn. Bà con trong HTX rất yên tâm trồng loại lúa ST24 này để ổn định thu nhập”.
Hiện HTX lúa - tôm Trí Lực đang triển khai 200 ha lúa hữu cơ, tập trung chủ yếu ở Ấp 5, Ấp 9 và ấp Phủ Thờ. Thời gian qua, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (tỉnh An Giang) tiêu thụ lúa, các thành viên trong HTX được công ty hỗ trợ giống, vật tư sản xuất ban đầu và được bao tiêu sản phẩm đầu ra, lợi nhuận sản xuất lúa - tôm hữu cơ trên 25 triệu đồng/ha/năm. Có những hộ đạt gần 60 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh gạo Hoàng Yến, năm 2021, huyện Thới Bình triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đăng ký 3 sản phẩm gồm: gạo sạch sinh thái Từ Tâm thuộc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản Ðoàn Phát (Ấp 8, xã Trí Lực); gạo Ông Ðuông thuộc HTX Ông Ðuông (xã Tân Bằng) và mắm lóc Thới Bình (thị trấn Thới Bình).
Trong đó, gạo sạch sinh thái Từ Tâm và mắm lóc Thới Bình được huyện thông qua từng tiêu chí cụ thể, Hội đồng thống nhất chấm điểm và xếp hạng 3 sao, đã trình Hội đồng thẩm định OCOP tỉnh phê duyệt, dự kiến công bố kết quả trong năm nay.
Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa thông tin: “HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Ðoàn Phát sản xuất với diện tích hơn 90 ha. Mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn gạo Từ Tâm, với giá sỉ là 30.000 đồng/kg. Giống ST phù hợp với thổ nhưỡng xã Trí Lực. Vụ mùa năm nay xã đang thử nghiệm 50% diện tích trồng lúa ST24 và 50% ST25 để nâng cao chất lượng gạo, thu hút thị trường”.
Huyện Thới Bình có diện tích lúa - tôm dao động từ 15.000-23.000 ha, trong đó diện tích lúa sản xuất hữu cơ trên 800 ha, đã có 7 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: “Ðã tạo dựng nền tảng tốt rồi thì huyện phải giữ chữ tín cho tốt, để tạo thương hiệu nhãn hàng của mình. Huyện ưu tiên chuyển đổi những giống chất lượng cao, sản xuất theo nhu cầu của thị trường mà người dân là chủ thể. Do vậy, hơn ai hết, phải khơi dậy tính chủ động, sáng tạo và tích cực của người dân, từng bước xây dựng thêm các sản phẩm đạt chuẩn OCOP khác, không chỉ riêng lúa gạo, để trở thành thương hiệu đặc thù riêng của huyện”.
Ngoài các sản phẩm từ lúa gạo, mắm lóc Thới Bình cũng là sản phẩm tiềm năng mà huyện đã đăng ký và phát triển OCOP trong năm 2021. Với chất lượng cũng như uy tín, các sản phẩm sẽ mang đến cho Thới Bình thêm những thương hiệu mới. Những sản phẩm này khi được công nhận, xếp hạng OCOP là cơ hội tốt để tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới./.
Thuỳ Linh