(CMO) Chưa được 4 giờ sáng, trời còn tối đen, chỉ với ánh sáng của chiếc đèn pin, ông Bảy Chẵn đã làm cỏ xong giồng dưa hấu gần 100 dây. “Nông dân ở đây là vậy, khi vào mùa vụ công việc có khi bắt đầu từ 2-3 giờ sáng, thức lúc nào làm lúc đó, có giờ giấc gì đâu”, ông Bảy hiền hoà chia sẻ.
Nông dân vốn dĩ đã vất vả, mà nông dân theo nghề trồng màu như ông Bảy Chẵn còn nhọc nhằn hơn gấp nhiều lần. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất ven đô thuộc Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, với nghề nuôi cá chình, cá bống tượng nổi tiếng bao đời nay, cách đây hơn 10 năm, ông Lê Thanh Tùng (nhiều người quen gọi với cái tên Bảy Chẵn) cũng đào ao toàn bộ mảnh đất hơn 6 công của gia đình theo nghề nuôi cá và kết hợp trồng màu trên bờ liếp.
Ông Bảy Chẵn đang kỳ vọng thu nhập sẽ được cải thiện từ hơn 500 gốc dưa hấu đang được hơn 1 tháng tuổi của gia đình.
Bên tách trà dưới ánh sáng tờ mờ của ánh đèn pin, ông Bảy Chẵn nói như tâm sự, trước khi quyết định đào ao nuôi cá, gia đình đã trải qua nhiều nghề để mưu sinh, từ trồng lúa, dệt chiếu cho đến cả việc đi bẫy chuột, thả câu, giăng lưới… Bôn ba vất vả là vậy, nhưng hết mùa vụ rồi đâu cũng vào đó. Những năm gần đây nuôi cá chình kết hợp trồng màu, tuy lam lũ từ sáng sớm đến khi tối mịt nhưng chưa khá lên được. Thời tiết, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi nông sản đầu ra bấp bênh đã khoá chặt người nông dân trong khó khăn, không thể thoát ra được.
Những năm gần đây thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ nông dân trở nên khá giả và giàu có nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản. Con số thu nhập bình quân đầu người hiện nay toàn tỉnh đạt hơn 59 triệu đồng đã nói lên điều đó, tuy nhiên, đa số người nông dân vẫn còn nhiều thiệt thòi. Thiệt thòi cả trong lao động sản xuất cho đến đời sống xã hội.
Như trường hợp gia đình ông Bảy Chẵn, quần quật trồng lúa, nuôi cá, trồng màu cả năm, sinh hoạt tiết kiệm, tằn tiện, nhưng đến nay đã hơn cái tuổi 60 vẫn phải chịu cảnh thiếu trước, hụt sau đừng nói là có chút dành dụm để dưỡng già. Hơn mấy mươi năm gắn bó với đồng đất Tân Thành, ông Bảy Chẵn chia sẻ, thu nhập của gia đình không chỉ phụ thuộc vào sự cần cù, chịu thương, chịu khó mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, giá thành sản phẩm, đầu vào đầu ra nông sản và rất nhiều thứ khác nên vô cùng bấp bênh. Năm mất mùa thì thua lỗ là đương nhiên. Năm được mùa cũng chưa hẳn đã có lãi.
Để minh chứng cho chia sẻ của mình, ông Bảy lấy ví dụ con cá bống tượng. Cách đây hơn 1 năm, giá thành cá bống trên thị trường còn thua cá lóc đồng khi cá loại nhất có thời điểm chỉ còn 120.000 đồng/kg. Hay như mới đây, trong vụ dưa hấu Tết vừa qua khi giá tăng cao thì người nông dân gần như không có dưa bán. Trồng gần 400 dây giống dưa tròn (dưa An Tiêm) để chưng Tết nhưng sâu bệnh xuất hiện từ lúc cây mới mọc cho đến thu hoạch, cuối cùng chỉ còn được hơn 50 cặp. Dù giá cao nhưng chi phí cũng cao và năng suất lại thấp nên công sức hơn 2 tháng trời xem như bỏ không.
Xếp lại vụ dưa hấu Tết không thành công, ông Bảy bắt tay vào vụ dưa hấu mới với quyết tâm gỡ gạc. Đến nay, hơn 500 dây dưa đã hơn 1 tháng tuổi đang được ông tỉ mỉ chăm chút từng gốc, từng nụ. Trời cũng đã bắt đầu sáng, nhìn mặt trời đỏ rực đang nhô lên, ông Bảy chia sẻ: "Hổm rày mưa rầu muốn thúi ruột, đang lấy trái mà mưa thì đậu trái ít lắm".
Lam lũ trên đồng ruộng liếp rau, ao cá từ sáng tinh mơ cho đến khi chiều tối là tình cảnh chung của đa phần người nông dân. Thế nhưng, dù là người cực nhọc nhất, nhưng lại là người gần như không thể quyết định được số phận sản phẩm do chính mình làm ra. Tồn tại này đã kéo dài từ nhiều năm qua và nguyên nhân chính là do xuất phát từ tập quán sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, cứ chạy theo thị trường, chưa thể dự báo được nhu cầu thị trường.
Vừa nuôi tôm lại sản xuất thêm hơn 6.000 m2 rau màu. Sau hơn 10 năm gắn bó với các loại bầu bí, củ cải trắng, gừng, khoai ngọt… cuối cùng anh Võ Minh Quân, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, đã quyết định cho thuê đất.
Anh Quân trần tình: “Cực nhọc không sợ mà chỉ sợ vất vả mấy tháng trời đến lúc thu hoạch bị thua lỗ do giá giảm, quá thấp. Vụ củ cải trắng sau Tết vừa rồi dù chỉ khoảng 6 tấn nhưng phải bán gần 1 tháng trời mới hết. Mà để bán hết được cũng vất vả không kém lúc trồng, phải chạy ngược chạy xuôi năn nỉ các lái quen năm hồi bảy hiệp mới hết. Sau vụ đó quyết định cho thuê đất luôn”.
Ngư - nông - lâm nghiệp là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nền kinh tế hiện nay. (ảnh: LÊ TUẤN)
Ngư - nông - lâm vẫn là một trụ đỡ chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với tỷ lệ chiếm đến 32,7% chỉ sau lĩnh vực dịch vụ là 32,8% và cao hơn công nghiệp xây dựng đến 2,5%. Ngoài ra, nếu tính về tổng giá trị trong tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP) thì lĩnh vực ngư - nông - lâm đóng góp hơn 23.260 tỷ đồng trong số bình quân hơn 71.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ngư - nông - lâm là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nền kinh tế hiện nay cũng như thời gian tới. Những biến động của giá cả thị trường, nhất là vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra, sẽ tác động đến hơn 77% dân số toàn tỉnh. Để người nông dân được ăn ngon, mặc đẹp, thụ hưởng ngày một tốt hơn các tiện ích cuộc sống… ngoài sự trợ lực của Nhà nước là đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển khoa học - kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ, quy trình sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất, hạ tầng thuỷ lợi… hơn ai hết, chính người nông dân cần thay đổi từ cách nghĩ, cách làm.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là hướng đi tất yếu hiện nay và đang được các bộ, ngành Trung ương cũng như tỉnh hướng tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, trước hết chính người nông dân cần thay đổi tư duy trong sản xuất, sự đồng thuận góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng phương án vùng sản xuất nguyên liệu an toàn thích ứng với thị trường, với biến đổi khí hậu…
Nguyễn Phú