ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:19:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chị gái

Báo Cà Mau (CMO) Là con thứ 7 trong gia đình, sau còn thêm đứa em gái út là tôi, nhà đông con nên chị ít được cha mẹ chăm lo chu đáo. Chị là người sống tình cảm, rất biết quan tâm đến mọi người, chị biết nỗi nhọc nhằn trên vai mẹ, nên ở cái tuổi lên 8, 9 chị đã biết phụ giúp làm những việc nội trợ: trông em, nấu cơm, giặt đồ, chẻ củi, xách cặn nuôi heo… Chuyện gì khả năng làm được chị đều làm, để cha mẹ có thêm thời gian kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Minh hoạ: Kiều Loan

Mẹ tôi hay kể chuyện chị hồi nhỏ, nghe mà tôi hổng dám tin! Hồi chị được 9 tháng tuổi, miệng nói được vài tiếng chuyện, ngồi giỏi, đi vững thì chị đã nhất quyết đòi theo chị gái lớn hơn 4 tuổi đến trường mẫu giáo của làng. Nói là trường mẫu giáo, nhưng không được như bây giờ. Trường mẫu giáo hồi xưa cũng như các lớp tiểu học, phòng học chất đầy bàn ghế, mỗi trẻ được một cái ghế ngồi nhỏ nhỏ. Mẹ nói: “Vì nhà không ai giữ nên chế Năm ẵm theo nó để dẫn chị Sáu bây tới trường, ai dè, đến đó nó khóc, không chịu về, đòi ở lại. Thầy giáo thấy vậy cũng xếp cho nó một chỗ ngồi. Rồi ngồi đó, nghe anh chị lớn học hát, nó cũng bi bô, rồi vỗ tay theo. Học hết buổi thì chế Năm tới đón hai đứa về. Cứ vậy mà nó đi học mẫu giáo đến 5 tuổi”.

Giờ có lúc, chị em ngồi nhắc lại chuyện hồi nhỏ, rồi nhắc lại những cuộc đổi đời không thành công của chị, mà chẳng thấy chị buồn. Chị cười nói: “Nghĩ mà thấy lạ, không biết cái duyên sao mà hồi nhỏ, hễ có họ hàng thấy nhà mình khó khăn đặt vấn đề xin con nuôi, là cha mẹ đều quyết định cho chị”.

Nhớ hồi chị học hết lớp 3, cô ruột mẹ tôi nhà khá giả, sống ở đất Sài Gòn, thấy hoàn cảnh cha mẹ tôi khó khăn, muốn nhận nuôi tiếp một đứa, thấy chị lanh lợi, dễ nuôi, dễ dạy nên mẹ quyết định cho. Cũng mong sau này chị được học hành tới nơi tới chốn, có cuộc sống sung sướng hơn. Rồi mẹ nói chuyện với chị, chị nghe theo vì nghĩ nếu chị đi thì cũng nhẹ phần nào cực khổ cho cha mẹ.

Chị kể: Chị cùng ông ngoại bịch lớn bịch nhỏ bắt xe đò lên đất Sài Gòn, chị ở được hơn hai ngày thì bắt đầu thấy nhớ nhà, nhớ chị gái chia cho nửa trái mận trong giờ giải lao giữa buổi học…, nhớ hình ảnh từng người một trong gia đình. Sợ phiền lòng mọi người nên chị chẳng dám nói gì với ai, chỉ nằm buồn rồi khóc. Lúc đó, sợ ông ngoại về quê bỏ, nên chị chẳng dám đi đâu ra khỏi nhà. Chị từ chối khi bà cô muốn dẫn đi chơi công viên, đi chợ sắm đồ cho, chỉ quanh quẩn trong nhà. Ðến khi ngủ thì quấn chặt dây cặp của ông ngoại vào tay, khi thức dậy, tay bị tê cứng mà vẫn làm vậy đến cả tuần. Ông ngoại thấy vậy hỏi, chị vừa mếu vừa nói: “Con nhớ nhà, nhớ anh chị em và cha mẹ ở dưới!”.

Rồi ông ngoại và chị bịch lớn, bịch nhỏ lên xe đò về lại Cà Mau. Trên đường về, do cảm thấy có lỗi, lên xe chị chỉ ngồi im thin thít chẳng dám nói hay đòi hỏi gì. Khi về tới nhà, chị mừng lắm, thấy ai chị cũng tíu tít hỏi thăm. Cả nhà thì bất ngờ, vui mừng khi gặp chị. Nhưng ai cũng tiếc, vì nghĩ được cho đi ở nhà giàu, sung sướng, được làm người Sài Gòn không chịu, về đây để tiếp tục chịu cực, chịu khổ. Mẹ tôi nói: “Không chịu ở trển thì về nhà vậy”. Chuyến đi Sài Gòn đổi đời của chị kết thúc như vậy.

Rồi đến khi chị học hết lớp 7, cha mẹ lại quyết định cho chị cho người em họ của cha. Cô không có chồng, sống cùng mẹ già, muốn xin chị về nuôi rồi phụ giúp chăm sóc bà thím. Cha mẹ kêu chị lại nhà cô chơi rồi làm quen công việc dần. Tôi khi đó được nghỉ hè, cũng đi theo chị đến nhà cô vài lần, chị cũng xem nhà cô như nhà mình nên thấy việc gì cũng làm, cô thương chị lắm. Nhưng không biết lý do vì sao, mà lần đổi đời này của chị cũng không thành công.

Nhớ có lần, trong dịp nhà có giỗ, mấy cô ngồi nói chuyện cùng cha mẹ, rồi nhắc lại những chuyện đó, cha tôi nói: “Hồi đó, vì nó là đứa dễ nuôi, dễ dạy, lanh lợi nhất nhà, nên mới quyết định cho, để nó có cơ hội được học hành tử tế đàng hoàng, có cuộc sống sung sướng hơn. Chứ có ghét bỏ gì đứa con mình rứt ruột đẻ ra”.

Tình cờ chị đi ngang nghe được, tôi thấy chị rơm rớm nước mắt.

Vì nhà khó khăn, nên mấy anh chị tôi phải đi làm kiếm tiền khi vừa học hết cấp 3. Còn chị thì từ đầu năm học cấp 2, đã biết tìm nhiều công việc làm thêm, kiếm tiền tự lo việc học của mình cho đến khi xong đại học. Rồi khi lập gia đình, vì chị không làm dâu, nên ở chung với cha mẹ tôi. Giờ cha mẹ già yếu, nay lẫn, mai đau, chị chăm sóc chu toàn. Anh chị em chúng tôi đi làm ăn xa nhà, chỉ về nhà những dịp giỗ chạp, không phụ được mà chẳng hề nghe chị than trách tiếng nào.

Với tôi, chị là niềm kiêu hãnh mỗi khi có ai đó nhắc tới. Chị còn là một người rất ôn nhu, dịu dàng nhưng rất nghị lực, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã phấn đấu hơn mọi người rất nhiều./.

 

Khánh Huỳnh

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...