ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:51:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chiến binh áo trắng

Báo Cà Mau (CMO) Sáng nay, đến cơ quan, Lập có cảm giác là lạ. Hình như mọi người có vẻ tránh mình. Họ chỉ chào hỏi lấy lệ rồi ai vào việc nấy. Có người thấy anh vội nhảy tót vào phòng, đóng cửa lại. Đến mồm miệng như cô Hương văn phòng cũng chỉ à ừ đôi câu rồi lảng dần. Vốn tính nhạy cảm của một nhà thơ, Lập nhận ngay ra những sự lạ đó. Cơ quan hội văn nghệ có hơn chục người này anh còn lạ gì ai nữa.

Xách cặp vào phòng, Lập sửa soạn làm việc. Sáng nay, anh phải biên tập xong trang thơ cho tạp chí số tới. Mở cặp bản thảo, anh đọc lướt nhanh các tác phẩm cộng tác viên gửi tới. Kinh nghiệm là thế. Đầu tiên phải xem chủ đề, nội dung, rồi nghệ thuật, cấu tứ. Bài nào đúng chủ đề số này, nội dung tốt, nghệ thuật hay thì chọn. Tiếp đó mới đi vào câu chữ. Làm cái anh biên tập viên mảng thơ này tưởng là nhàn mà cũng phức tạp đáo để. Chỉnh sửa, cắt cúp phải làm sao vừa giữ được ý của tác giả lại vừa phải nâng được tầm tác phẩm. Lắm vị, anh chỉ thay đôi từ trong bài thôi cũng đã giãy nảy lên rồi. Nào là, bài của tôi hay thế ông sửa thế thì hỏng mẹ nó rồi. Nào là, đây là tác phẩm tâm đắc nhất của tôi xin ông đừng động bút… Đúng là văn mình vợ người. Cái tạp chí cần thì các ông không có. Cái không cần thì cứ hươu vượn mãi tận đâu đâu. Ví như đang đại dịch Covid-19 này chẳng hạn. Có thấy bố nào viết về nó đâu? Toàn “tóc gió thôi bay”, “hoa thơm bướm lượn” cũ rích. Được bài nào viết về vấn đề này thì cứ như hô khẩu hiệu. Thơ chẳng ra thơ, báo chẳng ra báo. Tạp chí văn học nghệ thuật mà đăng tải dạng bài như thế thì còn gì là chất lượng nữa?

- Chú Lập hả? Hôm qua, ngày lễ Tình yêu, cô ấy về chứ? Có quà gì cho cô ấy không?

Đang mải đọc bài, Lập giật mình. Ngẩng lên, ông Đức, nghệ sĩ, tổng biên tập đã đứng lù lù ngoài cửa. Chiếc khẩu trang che gần kín khuôn mặt ông. Tính ông này vồn vã, xởi lởi. Đầu giờ làm việc, hôm nào cũng vậy, ông đều lướt qua một lượt các phòng. Thường ông hay dừng lại ở phòng anh. Hai người uống tàn ấm trà rồi mới bắt tay vào việc. Cơ quan chỉ có anh và ông Đức là cao tuổi hơn cả nên rất hợp tính nhau.

- Nào có được về đâu anh - Lập đáp - Chẳng những thế, nhà em còn gọi điện về báo là đã ở trong đội y tế đặc biệt đi tăng cường dập dịch ở xã S anh ạ. Hôm nay đi rồi đây này.

- Thế hả? Đi xã S hả? Về đấy nguy hiểm lắm.

- Thì thế. Nhiệm vụ mà anh.

- Rõ khổ. Cả tháng nay vợ chồng chú có được gặp nhau đâu? Giờ lại đi xa nữa thì… - Ông Đức thở dài chia sẻ - Thảo nào…

- Thảo nào sao anh? - Lập sốt sắng hỏi lại.

- Không sao. Không sao.

Dường như biết mình lỡ lời, ông Đức vừa nói vừa xua tay. Lập thấy vậy hỏi dồn:

- Anh nói đi. Có vấn đề gì vậy? Có phải “cắc là rân” không?

- Không. Có gì mà căng với chả rất. Chả là… mấy đứa nó rì rầm rằng tối qua Valentine vợ chú về. Thế nên…

- Vậy thì em hiểu rồi - Lập cướp lời - Chúng sợ lây nhiễm chứ gì?

- Có lẽ thế? - Ông Đức thật thà - Chú thông cảm cho họ. Cánh trẻ mà.

Lập ngồi thừ ra. Anh càng thương Nguyệt hơn. Là bác sĩ "cứng" của bệnh viện khu vực, hơn lúc nào hết, những ngày đại dịch Covid-19 này, Nguyệt bận rộn tối ngày. Từ tết tới giờ, nhất là từ hôm Thủ tướng tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp cả nước, cách ly, bao vây dập dịch thì Nguyệt ở hẳn luôn trong bệnh viện. Mọi việc ở nhà đổ tất lên đầu anh. Cơm nước, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa đều đến tay anh. Hai đứa con anh, thằng lớp 8, đứa lớp 5, chúng đã biết gì đâu. Nhà trường cho nghỉ học chúng ru rú ở nhà. Nói là học online nhưng hình như chúng chỉ mải “chat chit” thì phải. Biết vậy nhưng Lập cũng phải chấp nhận. Còn hơn để chúng ra ngoài, dính lây nhiễm dịch bệnh thì khổ. Nguyệt cũng bảo vậy. Cô ấy luôn điện về cho anh, nhắc nhở các con học bài, chú ý vệ sinh phòng dịch.  

Minh hoạ:  Minh Tấn

Ngày nào Lập cũng theo dõi tin tức dịch bệnh. Mạng xã hội cứ loạn cả lên. Anh lo lắm. Số người bị nhiễm, bị chết do dịch bên Trung Quốc cứ tăng lên hàng ngày. Bên ta lúc đầu cũng lo lo. Sau rồi có người nhiễm thì sự lo tăng lên. Đến khi tivi phát đi thông báo tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của WHO, rồi Chính phủ ta cũng vậy, thì ai cũng giật mình hốt hoảng. Thêm các tin xấu, tin độc trên mạng nữa lại càng sợ. Các trường cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Dừng tổ chức các lễ hội. Hạn chế tụ tập đông người… Khẩu trang, nước tẩy sát trùng khan hiếm hẳn. Nguyệt giải thích, hướng dẫn thêm về chuyên môn để anh và hai đứa con yên tâm. Từ đó, Lập chỉ nghe theo tin tức truyền thông chính thống của Nhà nước, nhất là của Bộ Y tế. Cả gia đình anh đều nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch. Thường xuyên rửa tay. Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh tiếp xúc nơi đông người. Ăn chín, uống sôi…

Bệnh nhân, đặc biệt số người nghi nhiễm Covid-19 tới bệnh viên thăm khám đông dần. Khoa chống độc bệnh nhiệt đới của Nguyệt kín hết giường. Việc cách ly được phong toả nghiêm ngặt. Nguyệt và các đồng sự bận túi bụi. Thăm khám, xét nghiệm, chữa trị. Đối mặt với hiểm nguy, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện căng hết mình. Mặc dù được trang bị bảo hộ làm việc đầy đủ nhưng Lập cũng lo lắm. Sơ sểnh một tí là “dính” ngay. Nguyệt không về nhà nữa. Phần vì công việc bù đầu, không có thời gian ngơi nghỉ, phần vì chị cũng giữ cho chồng con khỏi bị ảnh hưởng. Thời gian này, cách ly là tốt nhất. Hôm lấy quần áo để ở hẳn trong viện, chính Nguyệt đã điện cho anh chuẩn bị đồ đạc tư trang của Nguyệt đem ra địa điểm gần bệnh viện để Nguyệt ra nhận. Mặc dù rất nhớ các con, nhưng để an toàn Nguyệt đành phải làm vậy. Lập nhất nhất theo sự chỉ đạo của vợ. Khi giao túi đồ, hai người đứng cách nhau gần chục mét. Trong điện thoại, anh bảo sẽ mang tới tận nơi, hoặc lúc gặp nhau anh chở Nguyệt đi mà cô ấy không chịu. “Cẩn thận vẫn hơn anh ạ. Anh cứ làm thế cho em”. Mười giờ đêm, trời mưa rét, Nguyệt lụng thụng trong bộ đồ áo mưa, mũ khăn trùm kín người đến xách túi đồ ở chân cột đèn đi về phía bệnh viện, Lập nhìn mà xót xa. Anh cho xe chạy chậm, rọi đèn phía sau theo bước chân của Nguyệt. Đường phố vắng tanh vắng ngắt. Nguyệt khuất hẳn trong bệnh viện, Lập mới quay về. 

- Tối qua, xem tivi nhìn cảnh anh chàng đến thăm cô người yêu là bác sĩ trong Bệnh viện Vũ Hán bên Trung Quốc, đứng nói chuyện với nhau, rồi hôn nhau qua tấm kính mà thương quá chú Lập ạ. Ngày Valentine của họ đấy. Nể phục lắm. Đúng là tình yêu. Đúng là tuổi trẻ.

Ông Đức nói cắt ngang dòng suy nghĩ của Lập. Lập sực tỉnh nói:

- Em thương Nguyệt nhà em lắm. Chúng em đã hẹn nhau từ tết rằng, 14/2 này sẽ đi du lịch ở Mộc Châu, sẽ có ngày lễ Tình yêu thật lãng mạn trên cao nguyên giữa mùa hoa mận trắng. Vậy mà…

- Cái con Covid-19 này phá hỏng tất cả chứ gì? - Ông Đức cắt ngang - Con gái tớ, bác sĩ thực tập đấy, cũng mơ mộng lắm. Nó bảo 14/2 này này sẽ đưa người yêu về ra mắt bố mẹ. Đại dịch Covid-19 bung ra, thế là lỡ luôn. Nó cũng phải đi tăng cường cho bệnh viện tỉnh H đấy. Nói chung, dạo này đội ngũ y tế quá vất vả. Cứ nhìn cảnh trên tivi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, rồi Viện Vệ sinh phòng dịch, các phòng nghiên cứu y học nữa thì rõ. Chạy đua với bệnh dịch. Nguy hiểm rình rập. Nhìn họ cứ như các nhà du hành vũ trụ vậy. Đúng là những chiến binh áo trắng chú ạ.

- Vâng - Lập đáp - Vậy mà mấy bố nhà thơ mình cứ bay bổng tận đâu đâu. Em chọn suốt từ sáng tới giờ chưa được bài nào cho số tới anh ạ.

- Thế thì cậu viết đi.

- Em hả? Nói thật với anh dạo này chữ nghĩa của em cũng bay đi đâu hết cả. Suốt ngày chỉ theo dõi Covid-19 thôi. Vợ em vào giữa tâm dịch thế, còn tâm trạng nào mà thơ với phú.

- Không được. Chú phải bản lĩnh lên chứ.

Ông Đức phẩy tay. Lập ngồi ngây ra. Hai tay anh bo lấy chén trà nóng, quên cả uống. Nước sóng sánh tràn cả ra tay Lập cũng không biết. Anh đang nghĩ tới Nguyệt. Giờ này em ở đâu? Có an toàn không? Các phương tiện bảo hộ đầy đủ chứ? Tình hình ở đó có căng không?  

Lập - Nguyệt nên vợ thành chồng sau mấy năm yêu nhau ở đại học. Nguyệt học y. Lập học báo chí. Quê Nguyệt mãi tận miền Trung. Phải lòng thơ anh, rồi yêu anh, Nguyệt theo Lập ở lại đất Bắc. Xây dựng gia đình xong, Nguyệt về công tác ở bệnh viện tỉnh. Lập lang thang thơ phú, viết bài đưa tin cộng tác với các báo. Mãi sau anh cũng xin được vào làm ở hội văn học nghệ thuật tỉnh. Chỗ này, chẳng mấy ai để ý tới. Thứ nhất là phải có chút tài năng về văn chương hoặc nghệ thuật. Thứ hai, đây mới là điều quan trọng, thu nhập chẳng có gì. Ngoài lương ra không còn bổng lộc gì cả. Nếu biết viết, vẽ thì thêm tí nhuận bút. Thế thôi. Thế nên, sức hấp dẫn của cơ quan hội kém lắm. Cũng may, Lập có khiếu viết báo, làm thơ. Ngoài lương ra, anh còn cộng tác với các báo nên cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, kinh tế gia đình chủ yếu vẫn dựa vào Nguyệt. Nguyệt vừa làm trong bệnh viện, vừa mở phòng khám riêng. Chuyên môn giỏi, Nguyệt lại tận tâm, nhiệt tình nên bệnh nhân ngoài giờ khá đông. Thu nhập tăng, đời sống gia đình anh ổn định hẳn. Lập chỉ còn mỗi việc phụ vợ, đến cơ quan hội và làm thơ. Từ hôm có dịch, phòng khám tư nhân của Nguyệt đóng cửa. Một mình anh xoay xở việc nhà.

- Chú phải sáng tác một bài thơ làm quà cho cô ấy trong ngày lễ Tình yêu đi, mặc dù ngày ấy đã qua rồi. À, mà không, chú phải tập hợp cho được một trang thơ về ngành y. Phải ca ngợi những chiến binh áo trắng trong cuộc chiến chống đại dịch chết người này. Sắp tới ngày Thầy thuốc Việt Nam rồi, tạp chí mình phải ra cho kịp ngày đó. Nhân danh tổng biên tập, tôi giao việc cho chú đó. Làm được không?

Ông Đức nhìn thẳng Lập nói liền một mạch rồi chốt lại bằng một câu hỏi. Lập ngẩn ra trước thái độ của ông Đức. Ông này đang thăng hoa đây. Máu nghệ sĩ lại đang nổi lên đây.

- Làm đi - Ông Đức hùng hồn nói tiếp - Lát nữa, họp cơ quan, tớ sẽ quán triệt chúng nó. Phải tập trung trí tuệ, chống dịch như chống giặc. Bằng ngòi bút, cành cọ, bằng tác phẩm, trang báo, mình cũng phải ra trận chứ. Không được bi quan, lo lắng. Cứ tuân thủ theo hướng dẫn của trên mà làm. Hơn lúc nào hết, lúc này mình phải đoàn kết, bao bọc, giúp đỡ nhau, tỉnh táo chống dịch. Cơ quan ai có thái độ phòng xa chú, tớ sẽ cho kiểm điểm. Chỉ được cái lo hão, kỳ thị thái quá. Dễ chừng người ta dính lây hết chắc.

Nói xong, ông vỗ vỗ vào vai Lập rồi bước chân ra cửa. Lập đứng lên tiễn ông. Anh nhìn theo bóng ông về phía cầu thang lên tầng rồi quay trở lại chỗ ngồi. Lát sau, Lập bừng tỉnh. Đúng rồi! Những lời ông Đức nói đúng quá. Chính mình cũng cứ lan man tận đẩu đâu nói gì đến các tác giả, cộng tác viên. Hình ảnh các bác sĩ, hộ lý, y tá suốt cả tháng qua trên tivi trong cuộc chiến với đại dịch can trường biết nhường nào. Họ là những chiến binh dũng cảm, quên mình giữa hiểm nguy để cứu người, dập dịch. Họ là Nguyệt, là con gái của ông Đức, những người thân yêu nhất của mình sao mình không có được bài thơ nào về họ nhỉ? Ông Đức nói đúng. Đó là những chiến binh áo trắng cần phải được tôn vinh. Nguyệt ơi! Anh sẽ làm thơ về em, về các đồng nghiệp của em, Nguyệt nhé. Tất cả chúng ta sẽ chân cứng đá mềm để chiến thắng đại dịch này. 

Lòng Lập xốn xang. Anh điện cho các nhà thơ và cộng tác viên đặt bài. Sau đó, Lập mở laptop. Những câu thơ về Nguyệt, về những chiến binh áo trắng lần lượt gọi nhau hiện lên. Ơi những thầy thuốc kính yêu của tôi!./.

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương