Thời gian gần đây, trên các tuyến lộ từ nông thôn đến thành thị, xuất hiện ngày càng nhiều xe máy, xe tự chế chở hàng hoá, vật dụng có kích thước dài vượt quá quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ va quẹt, tai nạn giao thông khó lường.
Mặc dù đã bị cấm và thường xuyên được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến cũng như xử lý nghiêm, nhưng nhiều xe máy chở hàng hoá cồng kềnh, không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn lưu thông trên các tuyến đường. Ðiều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, ùn tắc giao thông trên đường.
Việc xe tự chế chở hàng vượt quá kích thước tiềm ẩn nguy cơ gây ra va chạm, tai nạn giao thông.
Bà Lê Mộng Tuyết, Phó chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, cho biết, việc chở hàng hoá nặng, có kích thước vượt quá quy định sẽ làm người lái bị cản trở tầm nhìn, gặp nhiều khó khăn khi điều khiển xe. Ðã qua, trên địa bàn đã ghi nhận nhiều vụ va chạm giao thông từ việc chở hàng hoá cồng kềnh, quá kích thước, đặc biệt là tình trạng lôi kéo các vật dụng dài trên mặt lộ. Tuy chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng đây là nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn giao thông. Vì vậy đây là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
"Ðể ngăn chặn tình trạng xe chở hàng cồng kềnh, quá khổ lưu thông, Ban An toàn giao thông thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tập trung vào đối tượng là những người mua bán, vận chuyển hàng hoá... Các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm này nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn", bà Tuyết thông tin thêm.
Hiện nay, ở các vùng nông thôn, tình trạng xe máy kéo những vật dụng cồng kềnh, có kích thước vượt quá quy định thường xảy ra.
Phương tiện chở hàng hoá cồng kềnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho cả người điều khiển và những người cùng lưu thông. Căn cứ điểm k, khoản 3, Ðiều 6, Nghị định 100/2019/NÐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại điểm a, điểm b, khoản 4, Ðiều 2, Nghị định 123/2021/NÐ-CP) quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hoá trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng, tịch thu phương tiện.
Ðể chấm dứt tình trạng chở hàng cồng kềnh, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành nghiêm quy định pháp luật về giao thông của người dân./.
Trung Ðỉnh