Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, bên cạnh các phương tiện truyền thông chính thống, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông nhanh nhất và được đông đảo người dân sử dụng. Tận dụng thế mạnh này, từ đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã xây dựng và triển khai mô hình "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua mô hình “Zalo PBGDPL” trên địa bàn tỉnh, kết nối lực lượng tư pháp với quần chúng Nhân dân". Cách làm này nhằm đưa pháp luật đến với người dân tận ngõ, tận nhà, thực sự mang lại hiệu quả cao.
- Giáo dục pháp luật từ trường học
- Trang bị kiến thức, kỹ năng pháp luật về hôn nhân cho học sinh
- Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật trên biển
- Chuyển biến mới trong chấp hành pháp luật giao thông
Theo đó, hệ thống nhóm “Zalo PBGDPL” trên địa bàn tỉnh được chia làm 4 nhánh gồm: tỉnh, huyện, xã, ấp. Mục đích nhằm truyền tải, cung cấp các tài liệu phổ biến pháp luật cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Các tổ chức, đoàn thể ở ấp cử người trực tiếp hướng dẫn người dân tham gia vào nhóm Zalo và tiếp cận thông tin khi được trưởng nhóm chia sẻ.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, chia sẻ về hình thức hoạt động của các nhóm: Nhóm 1 (cấp tỉnh), Phòng PBGDPL có trách nhiệm biên soạn tài liệu truyền tải các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương; đồng thời chia sẻ tài liệu qua các nhóm Zalo Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và nhóm Zalo Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; các thành viên nhóm triển khai, tuyên truyền, phổ biến tại cơ quan, đơn vị, địa phương và chia sẻ về nhóm cấp huyện.
Nhóm 2 (cấp huyện), Phòng Tư pháp có trách nhiệm biên soạn tài liệu tuyên truyền PBGDPL, đồng thời tiếp nhận tài liệu phổ biến từ nhóm 1; Trưởng nhóm chia sẻ tài liệu biên soạn và tiếp nhận từ nhóm 1 vào nhóm huyện; đồng thời chia sẻ tài liệu qua các nhóm Zalo Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện và nhóm Zalo Báo cáo viên pháp luật cấp huyện; các thành viên nhóm triển khai, tuyên truyền, phổ biến tại cơ quan, đơn vị, địa phương và chia sẻ về nhóm cấp xã.
Nhóm 3 (cấp xã) tiếp nhận tài liệu phổ biến từ nhóm 2; các thành viên nhóm triển khai, tuyên truyền, phổ biến tại địa phương và gia đình.
Nhóm 4 (ấp) tiếp nhận tài liệu phổ biến từ nhóm 3; các thành viên nhóm triển khai, tuyên truyền, phổ biến tại địa phương và gia đình.
Ðặc biệt, hoạt động Zalo nhóm được giám sát thông qua việc cử công chức quản lý tham gia thành viên của nhóm, theo dõi việc chia sẻ, sử dụng, lượt xem; kết quả hoạt động được báo cáo hằng tháng về công tác tư pháp.
“Mô hình nhằm triển khai, PBGDPL đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, rộng khắp, thường xuyên, liên tục. Thông qua mô hình nhằm thông tin, phổ biến các quy định pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật có tác động trực tiếp đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân, có liên quan đến từng nhóm đối tượng, để phổ biến pháp luật cho người dân nắm, hiểu và chấp hành đúng. Ðảm bảo hướng mạnh về cơ sở trong công tác PBGDPL; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin pháp luật cho người dân, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo có thể tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi”, bà Ngọc chia sẻ.
Những nội dung PBGDPL đảm bảo bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Việc sử dụng Zalo giúp mở rộng phạm vi tuyên truyền, tiếp cận nhiều đối tượng hơn so với các phương thức truyền thống, đồng thời tiết kiệm chi phí tổ chức sự kiện và in ấn tài liệu. Ngoài ra, mô hình này giúp cơ quan quản lý theo dõi mức độ tiếp cận và tương tác của người dân với các nội dung pháp luật, từ đó có thể điều chỉnh và cải thiện nội dung PBGDPL phù hợp hơn. Hỗ trợ pháp luật kịp thời cho người dân, tạo mối gắn kết giữa cơ quan chức năng và người dân.
Thông qua mô hình "Zalo PBGDPL", người dân có thể dễ dàng gửi câu hỏi, thắc mắc liên quan đến pháp luật và nhận được tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng. Ðặc biệt, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực thực hiện. Nhất là hiện nay nguồn kinh phí của cấp xã còn khó khăn, việc triển khai mô hình nhằm góp phần hỗ trợ địa phương có nguồn tài liệu phong phú để nghiên cứu, thực hiện PBGDPL cho các đối tượng.
Bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” ấp, khóm hầu hết người dân điều tham gia vào nhóm zalo để thông tin khi có việc cần trao đổi. Đặc biệt là những thông tin về pháp luật. Ảnh: Thái Văn Đông, Trưởng ấp 13, xã Khánh Thuận hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội (zalo) để nắm các thông tin liên quan đến pháp luật và những vấn đề có liên quan khác.
Ông Thái Văn Ðông, Trưởng ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết: “Người dân trên địa bàn ấp sáng ra đồng, có người đi khai thác rừng đến tối mịt mới về, nên muốn gặp gỡ người dân để tuyên truyền hoặc thông tin pháp luật cũng khó. Thông qua mạng lưới Zalo, chúng tôi kết nối người dân lại với nhau thành nhóm, mỗi nhóm không quá 20 hộ, để khi có thông tin gì liên quan đều đưa lên nhóm để toàn thể người dân trên địa bàn được nắm. Tôi thấy cách làm này vừa tiện lợi, vừa đảm bảo không sót thông tin. Người dân cũng dễ dàng tiếp cận mà không mất quá nhiều thời gian. Nội dung nào chưa hiểu, người dân nhắn lên nhóm, sẽ có người phụ trách giải thích tường tận”.
Nhóm “Zalo PBGDPL” thực sự đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thông tin “rác”, thông tin không chính thống, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với những quy định mới của pháp luật.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 938 nhóm "Zalo PBGDPL", với hơn 17 ngàn thành viên tham gia. Ước tính 1 tài liệu được chia sẻ sẽ tiếp cận với hơn 17 ngàn lượt người xem. Mô hình này đưa pháp luật đến với mọi người, mọi nhà kịp thời, nhanh chóng, thường xuyên, liên tục. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, tạo ra mạng lưới phổ biến pháp luật rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. |
Kim Cương