(CMO) Tôi có anh bạn, ảnh là hoạ sĩ. Một thời, liên tục cho trình làng nhiều tác phẩm mỹ thuật, dạng đỉnh cao của nghệ thuật. Nhưng kể về anh thì không thể chỉ nói về nghề vẽ.
Hoạ sĩ Khởi Huỳnh vẫn miệt mài với nghề vẽ. |
Anh có biệt tài hát vọng cổ khỏi chê. Mấy mùa thi vọng cổ ở ngành, ở nhiều cuộc thi khác anh đều lên bục vinh quang nhận giải Nhất. Mà nghề chính cũng không theo nghiệp cầm ca. Hàng năm, đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 anh cũng được các trường mời về dự vì đã có thời gian tham gia cùng trường giảng dạy hội hoạ năng khiếu cho học sinh tiểu học hơn 20 năm. Trường học nào nhờ anh viết kịch bản để thi diễn hay hướng dẫn hội hoạ đều đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh. Cho nên bạn bè gắn cho anh thương hiệu: “Đụng tới món nghề nào cũng có giải”.
Trôi từ Bạc Liêu xuống đất Cà Mau sinh sống đã 30 năm, nhưng văn hoá nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn nguyên vẹn trong anh. Có thế anh mới viết nên những tản văn đậm mùi quê hương xứ sở. Tác phẩm của anh là những lát cắt của ký ức tuổi thơ bên ba, má và gia đình của vùng quê Minh Hải yêu thương. Có năm, anh xuất bản chung, riêng cả hai, ba cuốn sách, tác phẩm nào cũng mang dáng dấp của tuổi thơ, của tình yêu quê hương, gia đình.
Lắm khi đọc tác phẩm anh mà cứ luẩn quẩn mường tượng một ký ức, một miền quê của riêng mình. Và bất chợt nẩy lên ý “xấu” của lòng ganh tị! Bởi tuổi thơ ở vùng quê tôi không là tên của những địa danh lịch sử nổi tiếng, địa danh không mang một tên gọi hoa mỹ như những tên chợ, tên đường, tên sông như quê anh. Mà đó là tên của những con số, thứ tự những dòng kênh. Hay đó là địa danh mang tên của người ở ngay vàm kênh lâu đời nhất...
Mang tâm trạng so bì, đem hỏi mẹ, mẹ lắc đầu; hỏi cha, cha cũng khó giải thích. Vì địa danh đó có từ trước khi cha mẹ về nơi ấy lập nghiệp. Hồi đó cả xóm nhà tôi nghèo lắm. Mùa hạn, mấy con đập ngăn mặn bao ví, đến Tết là kênh khô trơ đáy, chế Hai phải gánh chở từng lu nước về uống, hoặc chỉ uống nước đìa. Lúa thì khiêng vác mòn vai. Mỗi khi có dịp về thăm nội, ngoại thì chèo xuồng hàng mấy mươi cây số.
Không như nhà anh bạn, khoảng cách địa lý chừng 70 cây số; khoảng cách tuổi đời với tôi vỏn vẹn 20 năm, vậy mà cái gì ở quê tôi chưa có thì anh nói xứ anh đã thành món đồ cổ. Ngay cả cái máy Kohler 4, đến sau năm 2000 cha tôi nhận tiền công trái (trái phiếu) cộng thêm mấy bầy heo con và vụ lúa mới mua nổi. Thì ở quê anh, nhà anh đã tậu hồi trào Pháp. “Giờ quẳng nó ở góc nhà kho, sét hết rồi”, anh kể.
Từ cái thời mà nhà anh có hẳn gian hàng tạp hoá ngay ngã ba kênh, trong khi với vùng quê xứ tôi cả mấy trăm nóc gia muốn mua hàng hoá phải chờ mỗi tuần chiếc ghe hàng đi về 2 lượt.
Từ nhỏ anh đã hưởng thụ nhiều giá trị văn hoá để kết tựu thành con người văn nghệ trong anh: biết đi coi hát, biết rong chơi lồng đèn dưới trăng thu trong vắt; biết đóng cải lương thời bé; lớn lên còn đóng hẳn vai kép của bộ phim một thời đình đám đầu thế kỷ 21 - “Mầm sống”. Nghe anh kể, mười mấy năm trước anh còn thủ vai Táo quân trên sân khấu mỗi dịp tỉnh nhà tổ chức chương trình đặc biệt mừng Đảng, mừng xuân, trực tiếp trên sóng đài truyền hình đêm 30. Má anh ở quê thấy vậy, chạy kêu cả xóm lại xem. Có người chưa gặp anh bao giờ thì nói má anh nổ, rồi phán xét: chỉ người giống người thôi rồi ngoe nguẩy đi về. Má buồn rười rượi, lẳng lặng tắt tivi rồi ra sau sàn lãng ngồi chỏi tay cạnh hàm ngóng về phía chợ, chờ dáng anh về.
Lại thấy anh hay viết báo. Đó là những bài báo đặc giọng văn chương, hoạ sĩ mà thường xuyên đứng “top” trong giải thưởng báo chí truyền thống hàng năm của tỉnh. Anh cộng tác thường xuyên với báo, bài viết của anh là chuỗi những chủ đề phỏng vấn “xưa nay hiếm” của một tờ báo địa phương. Đó là những bài phỏng vấn, tâm tình nghề cùng văn nghệ sĩ nổi danh: Lệ Thuỷ, Mỹ Tâm, Thanh Tuấn… Có lẽ cái tính văn nghệ, hợp nên anh viết thể loại này, có lúc gần như độc quyền trên báo. Chuyện về anh không sao kể hết. Mỗi thứ đều có cứ, có nguồn riêng.
Bữa phụ anh dọn nhà, mới thấy cả thùng to toàn bằng khen, giấy chứng nhận các giải thưởng anh đạt được hồi còn trẻ. Đó là những bằng khen, giấy chứng nhận, giải thưởng không cùng chuyên môn: khi thì giải Nhất kể chuyện bác Ba Phi; lúc giải Nhất giọng ca ngành giáo dục, giải Nhất tuyên truyền viên và hàng loạt giải thưởng báo chí… Nếu nhìn vào bằng chứng nhận mà suy đoán, không ai biết anh thuộc nghề nào và cũng chưa biết anh còn “khùng” đến đâu. Đến cái tên anh cũng là cách gọi không giống ai. Từ ngày sinh ra, anh èo uột nằm bệnh viện mấy năm nên má anh không vội làm khai sinh - chỉ gọi anh tên Huỳnh. Đứa em kế được sinh ra khi anh còn nằm ở bệnh viện và khai sinh tên Khởi. Đứa em đó không may vắn số. Thương đứa con vắn số, má lấy khai sinh đó cho anh luôn, nhưng ở ngoài má gọi cùng lúc hai tên, là Khởi - Huỳnh, để mỗi lần má gọi anh như thể gọi hai đứa cho đỡ nhớ thằng em.
Kể nhiều nghề như vậy nhưng không “món” nào là nghề chính của anh. Nghề chính của anh là nghề vẽ, bởi “món” này anh được đào tạo đàng hoàng (anh tốt nghiệp đại học mỹ thuật và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mấy mươi năm làm nghề anh đã tạo được phong cách riêng - “nhìn vào là biết tranh của Khởi Huỳnh” - nhiều người vẫn bảo thế; viết tản văn thì in sách hẳn hoi, viết báo thì có giải, hát thì mùi không chịu nổi, lại còn làm diễn viên… Anh công tác đã hơn 30 năm, ngồi một vị trí bình thường. Anh không nhiều tiền, nhưng đổi lại anh có rất nhiều bạn bè tri kỷ, nhiều người mến mộ và yêu quý.
Bạn của Khởi Huỳnh, ai cũng có chút “khùng” giống anh. Anh không dễ kết bạn, nhưng với những ai đã kết bạn thì thuộc dạng thân đến không hiểu nổi. Anh không có chức quyền, không nhiều tiền bạc, nhưng uy tín có ở nhiều nơi. Bạn bè, chỉ cần nói một lời, anh giúp tận lực không toan tính.
Tự dưng thấy vắng bóng một thời gian, rằm tháng Chạp ngồi cà phê, anh “khoe” vừa sửa nhà ăn Tết. Nói về căn nhà của anh, nó cũng được thành hình theo kiểu không giống “bình thường”. Ngày anh từ Bạc Liêu về Cà Mau công tác, chỉ độc một chiếc Cub 50 đời cũ, anh cứ ngỡ số mình gắn “triền miên” với đời ở trọ.
Khoảnh đất hơn 70 m2 anh đang ở bây giờ, hồi 10 năm trước nằm cuối hẻm, thấp tè ở ngách đường Ngô Gia Tự. Thấy anh cứ “nổi trôi”, bạn bè sốt ruột, đốc thúc anh mua đất cất nhà. Bị ép quá, anh cười khì rồi đánh trống lảng xen qua chuyện khác. Bị ép đến cùng, anh buộc mua nền theo hình thức trả góp. Cứ thế dần dà anh cũng trọn quyền sử dụng mảnh đất như giấc mơ. Rồi chuyện cất nhà để chia tay cuộc đời ở trọ cũng hy hữu - chỉ Khởi Huỳnh mới có. Mỗi người bạn một ít tiền, một món đồ, một bộ cửa, một tủ lạnh, tivi... Với nhiều người bạn, chỗ ở của anh giống như một không gian góp chung, để khi bước chân vào, họ cảm giác như tạm tách mình ra khỏi chốn bon chen của cuộc sống. Chính cách giao đãi thâm tình, bạn bè đáp lại, hỗ trợ để anh có căn nhà lưu trú. Ngót nghét cũng đã gần 20 năm.
Thật ra, trong nhà anh chỗ nào cũng vô giá bởi xuất phát từ chân tình bè bạn. Món tài sản vô giá duy nhất chính anh tạo ra là tranh. Dù biết nhiều nghề, giỏi nhiều lĩnh vực nhưng vẽ vẫn là “món” anh thích nhất. Tranh khắc gỗ, có những bộ khách trả trăm triệu anh không bán. Nhưng bạn bè tri kỷ, anh sẵn lòng tặng nhau treo làm kỷ niệm. Cho đến giờ, hỏi về những bộ tranh, anh vẫn dõng dạc: “Mê nhất vẫn là bộ tranh khắc gỗ - Chợ trên sông”. Bộ tranh làm nên tiếng tăm của anh trong làng mỹ thuật Việt Nam.
Bức khắc gỗ “Chợ trên sông” là bức tranh anh thích nhất. |
Hơn 30 năm anh lập nghiệp xứ Cà Mau, người bạn thân nhất của anh - một thời gian dài làm công việc biên tập của một tờ báo. Mỗi lần gặp nhau, anh bạn ấy luôn gọi anh là “Khởi khùng”. Mà tính khí anh bạn này so ra cũng bảy lạng, tám phân với anh chứ đâu thua... Mà nếu nói về cái "khùng" của anh bạn này chắc phải kể đầy ở một bài viết khác.
Hai năm trước, anh bạn này không may lâm bệnh. Cơn tai biến đã xoá hết tất cả những niềm mơ ước, khát vọng đang bùng cháy trong tâm hồn đầy hoài bão. May thay không ảnh hưởng mạng sống. Biết anh bạn mê món cơm. Thế là, cứ hai, ba ngày, anh lại cầm xe chạy mua từng hộp cơm đem về hủ hỉ cùng bạn hữu. Hành động khiến cả làng báo, văn nghệ sĩ phải trầm trồ vì xưa nay chưa ai thấy anh ấy chạy xe cách nhà quá 5 cây số. Nhưng lần này anh chạy liền mạch 15 cây số, cả thảy đi về hơn 30 cây. Lại vượt qua đường phố đông nghẹt. Anh tâm sự: "Đến cửa nhà bạn, muốn rẽ sang đường cũng mất năm, mười phút bởi xe qua lại quá đông". Làm những việc không giống ai mới là Khởi Huỳnh.
Tánh khí vậy đấy, nhiều người nhìn anh như kẻ lập dị. Tết này nữa là anh trải qua đúng 57 mùa đìa; 40 năm sống một mình; có nhà riêng cũng ngoài 20 mùa chướng. Sống một mình mấy chục năm riết cũng quen. Mấy lượt bạn bè hỏi chuyện lập gia đình, anh lảng sang chuyện khác. “Thôi đi, chi cho mệt”!
Bầu bạn hàng ngày với anh là những chú chó, mèo, gà… Có cả con cá lóc “khổng lồ”. Con cá này “tính khí” giống như con cá bống của nàng tấm trong truyện cổ tích. Mỗi khi anh đi làm về, lại hồ vỗ tay ra hiệu, nó trườn lên đòi ăn như đứa trẻ. Mấy ông bạn lém lỉnh không tin, đến bên hồ khuấy nước, con cá vọt lên táp phập... Còn mấy đứa con nít đến chơi, nhìn con cá thì đòi bác Khởi Huỳnh làm món cá lóc nướng trui.
Giống gà nhà anh từ đâu ra mà cũng lạ. Anh ghét gà cục tác giữa trưa nhưng thích ăn trứng nên nuôi toàn gà mái. Mà nghĩ lạ, gà mái đẻ anh nuôi, không con nào kêu ổ, cục ta cục tác khi đẻ trứng. Và suốt cả chục năm, gà anh đẻ không con nào ấp! Cũng không có gì lạ, Khởi Huỳnh thường làm những chuyện không giống ai. Cả con chó, con mèo của anh nuôi cũng gần với tính người.
Lâu lâu anh lại mang đôi bông tai của má tặng làm của hồi môn để anh cưới vợ ra lau bóng loáng. Anh trần tình: "Dăm ba năm nữa nghỉ hưu anh sẽ dìa quê sống với ba, má ở Bạc Liêu. Còn căn nhà ở Cà Mau cứ để đó. Tình cảm của bạn bè trân quý mà".
Đó là căn nhà có cây trái bốn mùa, nhưng không phải cây trái đơn thuần như mọi người thích trồng cây, tạo kiểng. Mà là những loại cây ít ai ngờ và hầu như không có tí giá trị kinh tế: một chậu bồn bồn, bụi ô rô, hàng dâm bụt… Trước nhà, lúc nào bụi ô rô cũng xanh um ngay cổng./.
Phong Phú