(CMO) Ngày ấy, tôi sống với ông nội trong một cái chòi lụp xụp, ngả nghiêng, bên bờ sông Mã. Ngày lại ngày, tôi chèo đò đưa khách qua sông để kiếm tiền đưa ông nội mua gạo. Cuộc sống bần hàn bữa cơm độn khoai, bữa cháo, cái “chữ” đối với tôi sao thấy cao xa quá.
Cũng có độ theo học được ít chữ, nhưng ấy là khi ông nội tôi còn khoẻ, trời còn thương, khi khó khăn quá, tôi đành gấp sách lại để lo kế sinh nhai. Chữ nghĩa tuy không thông, nhưng ca dao tôi thuộc nhiều. Nhớ những buổi đò vắng khách, tôi thường lôi cuốn sách lượm được của ai đó bỏ quên trên bãi cát ra đọc, nhưng bập bõm vài ba từ cũng chẳng hiểu hết nghĩa, rồi chán bỏ đó. Lâu lâu không biết nó lạc đi đâu nữa. Thế rồi có một lần ông khách đi đò nhìn thấy nó, nhặt lên rồi đưa lại cho tôi:
- Cuốn sách này của em phải không? Cầm lấy đi em, giữ gìn cẩn thận nhé! Cuốn sách này quý lắm đấy, em biết không?
Tôi khua nhẹ mái chèo, nhìn cuốn sách cũng thấy áy náy, nhưng chỉ biết trả lời bâng quơ:
- Em muốn lắm chứ mà không có được…
Bẵng đi một thời gian, tôi lại gặp lại người khách đi đò hôm ấy, nhưng không phải gặp ở bến đợi đò sang sông mà gặp ở trường học.
- Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
“Công cha, nghĩa mẹ” ư? Bốn chữ ấy chưa một lần đến với trí óc tôi, họ là ai? Ðang đắm mình trong dòng suy nghĩ, bất chợt tôi nghe có tiếng hỏi:
- Em học lớp nào? Sao không vào lớp?
- Dạ em…!!!
Tôi lúng túng không nói nên lời. Tôi chẳng phải học sinh lớp nào cả nhưng đứng đây nghe thầy giảng bài. Thầy nhận ra tôi, còn tôi thì vờ vịt như chưa hề gặp thầy bao giờ, cứ quay lưng chạy trước ánh mắt thân thiện của thầy và những lời giễu cợt của lũ học trò: “đứa con rơi”, “thằng mồ côi…”.
![]() |
MH: Kiều Loan |
Cả buổi chiều hôm đó, tôi lang thang trong cái giá rét của mùa đông, đi mà chẳng hiểu đi đâu, đến tận tối mịt mới về nhà. Lúc ấy tôi giật mình, vì thấy thầy đang ngồi nói chuyện với ông nội.
- Cháu thấy tội cho cụ quá!
- Lão cũng già rồi, chỉ thương cho thằng Tý, sợ nó phải sống bơ vơ…
Ngay sáng hôm sau, thầy đã đến gọi tôi, nhưng không phải gọi chở đò mà gọi tôi đi học, rồi thầy đưa cho tôi một cặp sách. Tôi nghiễm nhiên trở thành người ngồi đò - con đò cuộc đời mà thầy là người chèo lái. Cũng từ hôm ấy thầy đã xoá nhoà cái mặc cảm thân phận trong tôi.
Những buổi đến lớp, tôi được thầy quan tâm chỉ bảo tận tình. Nhờ vậy lực học của tôi thay đổi rõ rệt. Thầy luôn động viên tôi là một đứa học trò ngoan, thông minh. Nhưng, thầy cũng luôn nhắc tôi phải chăm luyện rèn kiến thức. Tôi thường kể cho Tuấn, bạn tôi, về thầy. Tuấn là con gia đình khá giả nhưng không chịu học hành, chỉ thích chơi. Sau khi nghe tôi kể về thầy, Tuấn tỏ ra thích học và muốn được đi học trở lại.
Ðến một ngày, cái ngày mà trong cuộc đời không có ai mong đợi ấy đã đến - ông nội tôi qua đời. Tôi thấy mình hụt hẫng bơ vơ trước cuộc đời. Trong sự đau khổ tột cùng đó tôi đã định đi theo ông nội. Nhưng, vào giây phút ấy, lời thầy dạy như vang vọng lại: sinh tử là quy luật cuộc đời, người mà ta yêu thương sẽ không bao giờ chết, bởi họ mãi sống trong trái tim ta. Vậy là một lần nữa, thầy vực tôi dậy từ dưới đáy của sự đau khổ, tôi biết tôi sẽ không đơn độc giữa cuộc đời vì tôi còn có thầy và các bạn. Thầy đã đưa tôi về với niềm tin và cuộc sống.
Nếu như ngày xưa tiếng ông nội ru tôi vào những giấc ngủ êm đềm thì lời thầy giảng nay dẫn lối cho tôi đến bến bờ hạnh phúc. Bây giờ dù thầy đã đi xa nhưng trong trái tim tôi, thầy cũng như ông nội, vẫn còn sống mãi. Tôi nguyện đi tiếp con đường mà thầy đã chọn: Nghề dạy học./.
Vũ Bạ