(CMO) Chuyển đổi nghề cho ngư dân ven biển, hướng tới khai thác hiệu quả bền vững là vấn đề các ngành chức năng tỉnh luôn nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc chuyển đổi nghề này đến nay vẫn còn rất hạn chế về số lượng cũng như tính hiệu quả.
Để giải quyết được những khó khăn mà nghề khai thác biển đang gặp phải, một số mô hình thí điểm đã được triển khai thực hiện. Tiêu biểu là 2 mô hình chuyến đổi từ nghề te sang nghề lưới rê cho 9 hộ và 1 mô hình chuyển đổi từ nghề te sang nghề ốc mực với 1 hộ tham gia. Đây là những mô hình được xây dựng và tổ chức thực hiện từ năm 2018, được đánh giá là có hiệu quả; Ít ảnh hưởng đến nguồn lợi nhưng vẫn phù hợp với trình độ, tay nghề và nguồn vốn của ngư dân cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hiệu quả và phù hợp
Tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân có 3 hộ được chọn tham gia mô hình lưới rê. Theo đó, mô hình thí điểm sử dụng kích thước mắt lưới 45 mm và đối tượng khai thác chính là cá ba thú, cá đù, tôm, mực nang, còn lại là cá tạp khác, tỷ lệ đánh bắt cá con 0%. Anh Trần Hoàng Tiến, hộ tham gia mô hình cho biết, thời gian chuyến biển 1 ngày (sáng đi, chiều vô bờ), sử dụng 2 lao động, vùng đánh bắt cách bờ 2-4 hải lý, từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm. Doanh thu trung bình mỗi chuyến đạt 2 triệu đồng, chi phí chuyến biển 700 ngàn đồng. “Thu nhập khá cao so với trước đây”, anh Tiến chia sẻ.
Về mô hình lưới rê xã Tân Hải, huyện Phú Tân. Mô hình thí điểm có 2 hộ tham gia, sử dụng kích thước mắt lưới 80 mm, đối tượng khai thác chính là ghẹ và các loại cá khác. Theo đó, thời gian chuyến biển cũng 1 ngày (sáng đi, chiều vô bờ), vùng đánh bắt cách bờ 5-7 hải lý, từ Cái Đôi Vàm đến cửa biển Mỹ Bình. Qua triển khai hơn 1 năm qua cho thấy, đây cũng là mô hình khá hiệu quả khi doanh thu trung bình mỗi chuyến đạt từ 2,5 triệu đồng.
Ngoài ra, 4 mô hình lưới rê thí điểm tại các xã: Khánh Hội, huyện U Minh và Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cũng mang lại hiệu quả khi doanh thu trung bình mỗi chuyến đạt khoảng 2 triệu đồng. Theo anh Nguyễn Văn Ơn, ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, không chỉ doanh thu bình quân mỗi chuyến biển cao hơn so với trước, vấn đề là không quá khó thực hiện bởi nghề này cũng rất gần gũi với ngư dân nơi đây.
Mô hình thí điểm ốc mực tại xã Tân Hải cũng cho thấy tính khả thi cao khi cho thu nhập bình quân khoảng 1 triệu đồng mỗi chuyến biển (1 ngày). Theo ngư dân đánh giá, nghề này hoạt động khai thác ổn định, mùa vụ quanh năm, tuy nhiên thường gặp phải xung đột ngư trường với các nghề khác và bị trộm cắp ngư cụ.
Hiện toàn tỉnh còn hàng ngàn hộ dân sử dụng phương tiện thuỷ gia dụng để khai thác thuỷ sản ven bờ theo mùa. |
Đồng quản lý
Ngành khai thác thuỷ, hải sản nhiều năm qua trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp. Nghề khai thác giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động ven biển, thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ hậu cần đi kèm khác, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nghề này mỗi lúc một khó khăn hơn do nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, nhất là vùng biển ven bờ; Thời tiết trên biển diễn biến ngày càng cực đoan, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngày càng nhiều làm giảm hiệu quả sản xuất của bà con ngư dân; Khai thác nhỏ lẻ không có báo cáo và không theo quy định, vì lợi ích trước mắt nên khai thác theo kiểu tận diệt…
Đó là thực trạng đang đặt ra cần được giải quyết kịp thời, giải pháp hữu hiệu nhất là chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Các mô hình chuyển đổi thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả nhưng cũng đang cho thấy một số hạn chế cần được điều chỉnh.
Mô hình lưới rê là một ví dụ. Theo anh Tiến, mùa vụ chính của nghề lưới rê khai thác ven bờ chỉ hoạt động hiệu quả từ tháng 10 đến hết tháng 4 âm lịch. Do đó, các tháng còn lại khai thác kém hiệu quả khiến đời sống bà con khó khăn.
Cuộc sống khó khăn nên hiển nhiên việc các hộ dân này chuyển về nghề cũ để mưu sinh trong các tháng còn lại là khó tránh khỏi. Do tàu nhỏ nên việc chuyển đổi nghề được thực hiện rất cơ động. Trong quá trình khai thác, anh Ơn chia sẻ thêm thực tế, khi chuyển đổi sang nghề lưới rê chưa thông thạo ngư trường, số lượng tàu nhiều... nên xảy ra tình trạng xung đột ngư trường giữa các nghề, dẫn đến hiệu quả khai thác ban đầu thấp...
Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề của ngư dân toàn tỉnh rất lớn, nhưng hàng năm nguồn ngân sách hỗ trợ để chuyến đổi nghề hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh được hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho việc chuyển đổi nghề là con số rất khiêm tốn. Trong khi đó, các hộ dân khai thác hải sản ven bờ đa số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, để chuyển đổi ngành nghề và ngư trường khai thác ngư dân phải có vốn mới có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư cụ… Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đại đa số ngư dân gần như không có khả năng tự chuyển đổi.
Bên cạnh cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, để việc chuyển đổi nghề thật sự hiệu quả, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều cho biết, ngành đang tiến tới xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ. Sẽ giao cho tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các thành viên tự nguyện tham gia cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích. Giải pháp này sẽ bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản tại khu vực địa lý xác định, bảo vệ được ngư trường và đi đến ổn định sinh kế. Từ đó, người dân sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc cùng với Nhà nước tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong tương lai./.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.358 phương tiện khai thác thuỷ sản dưới 20CV được đăng ký, đăng kiểm. Vẫn còn hàng ngàn ngư dân tận dụng phương tiện thuỷ gia dụng không đăng ký để khai thác ven bờ làm nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt nhanh. Các phương tiện này khi có thông tin nguồn lợi thuỷ, hải sản xuất hiện trên biển thì cơ động chuyển đổi ngư cụ phù hợp để khai thác. Đây là thực trạng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ, hải sản hiện nay. |
Nguyễn Phú