ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:26:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện giải trí hồi nẵm

Báo Cà Mau (CMO) Cái quạt bằng mo cau đã mềm, mép rách tưa nhiều chỗ… chuyển động liên tục, tạo thành âm thanh nghe phành phạch, phành phạch, trộn lẫn tiếng lửa réo ù ù.

Minh hoạ:  M. Tấn

Khi mớ vỏ dừa khô trong cái thau gang đượm một màu đỏ rực, không còn lửa ngọn và lên khói nữa, ông anh tôi dừng quạt, cầm cặp đũa bếp dài thủng thẳng gắp lửa than bỏ vô cái bàn ủi con gà đang há miệng chờ sẵn.

Cái bàn ủi, chỗ tay cầm bằng cây lên nước láng bóng, vài chỗ bị lửa táp nám đen. Con gà trên nắp, vừa làm vật trang trí vừa làm chốt khoá, xài lâu ngày ánh lên một màu vàng rực. Nhìn vô hai hàng lỗ thoát hơi dưới chân bàn ủi, lửa rực lên theo từng đường đẩy lả lướt. Căn buồng nóng hầm hập, mùi vải cháy khen khét, nhưng nghe vẫn… thích làm sao.

Lát sau, cái quần ống loe bự thùng thình và cái áo màu cau khô xếp li giữa lưng đã láng bóng. Ông anh thò tay vô góc tủ lấy đôi dép lào mang vô, cầm cục than lượm sẵn trong lò hồi chiều, ra cái lu bên hè ngồi… đánh răng. Buồng bên kia, hai chị gái của tôi đã chải xong mái tóc uốn tân thời, diện bộ bà ba mới, mùi dầu dừa trên tóc thoang thoảng một góc nhà.

Tối nay, mấy anh em nhà tôi đi coi gánh hát trên xã.

Mùa hạn, mỗi khi gánh hát về, các anh chị đi xem thì tôi lại đòi theo. Ba má tôi thì rất sẵn lòng, nhưng các anh chị thì không thích, vì dẫn tôi theo vừa mắc canh chừng, vừa bị… cản trở chuyện hẹn hò, tâm sự mỗi khi vãn hát. Tôi một mặt phải năn nỉ ba má dùng quyền của người lớn để ra lệnh, một mặt hứa với các anh chị sẽ ngoan thì mới được cho đi. Nhà nào đông, hôm nay người này đi xem thì hôm sau phải ở nhà, nhường cho người khác.

Từ nhà tôi lên xã chừng ba cây số, cứ theo đường mòn ven kênh, rạch mà cuốc bộ. Ra khỏi nhà chừng vài trăm thước là có các “hội” khác nhập vô. Nam thanh, nữ tú, áo quần mới xúng xính… vừa đi vừa nói cười, vui rộn rã.

Dọc đường hay có những tàu lá dừa khô rụng, các anh trai tước lá, cột thành bó ôm theo, lên đến gần chỗ gánh hát thì giấu ở đâu đó, bận về đốt lên làm đuốc rọi đường.

Thường muốn đến chỗ gánh hát phải qua sông. Mấy người chèo đò lại có dịp làm ăn, với những lượt chở chật ních người. Một đêm chở hai lượt đi về, kiếm được cũng khá.

Những năm sau giải phóng, gần xã Khánh Hưng quê tôi có một miếng ruộng khá rộng, nằm sát đường đi. Gánh hát nào về cũng mặc định chọn miếng ruộng ấy làm nơi đóng quân, biểu diễn.

Chiều, loa trước rạp phát các đoạn giới thiệu tuồng tích vang vang. Trên nền rào quây che bằng vải, hoặc bằng cao su cũng có hình vẽ đào kép, poster quảng cáo treo rất oách.

Thời đó, tôi còn nhỏ nên được miễn vé, vô coi lại được ưu tiên ngồi gần sân khấu. Ai cũng ngồi bệt dưới mặt ruộng, say sưa theo dõi các nghệ sĩ thi thố tài năng. Các vở biểu diễn khi ấy thường là tuồng dã sử, hoặc được dàn dựng từ các sự tích dân gian, cung đình như Thạch Sanh - Lý Thông, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Ðài, Lưu Bình - Dương Lễ... Vì còn nhỏ, nên ngày ấy tôi không có nhiều ấn tượng về nội dung các tuồng tích, mà chỉ thích xem các màn đấu võ, hay các trường đoạn tấu hài.

Gánh hát về nông thôn biểu diễn thường nghèo và đạo cụ biểu diễn thì thô sơ, lạc hậu. Vì được ngồi gần nghệ sĩ, nên tôi dễ dàng phát hiện cả sân khấu chỉ có 3-4 cái micro (hình dáng giống cái chuông của mấy ông bán cà rem) được treo ở một vị trí cố định. Nghệ sĩ bước ra phải nhìn vị trí treo micro, khi đó người phụ trách hậu đài núp sau cánh gà lại nới dây, thả micro xuống. Thế mới có chuyện nghệ sĩ khi tới đoạn ca thì phải đứng túm tụm gần nhau, và phải ngửa cổ lên thật cao cho micro hút được tiếng.

Bên ngoài rạp là các gian hàng bán đồ ăn vặt, như đá bào, kẹo kéo, cà rem, bánh lá dừa… hoạt động náo nhiệt. Tôi nghe các anh chị nói, dân bán hàng rong là người nhà của đoàn hát, thậm chí là nghệ sĩ trong đoàn khi không có suất hát, làm việc để kiếm thêm. Họ nói, đoàn hát nghèo nên lắm lúc ngoài giờ biểu diễn, các anh chị trong đoàn phải làm thuê đủ nghề để kiếm cơm. Ðời nghệ sĩ sao nghe thương quá!

Ngoài gánh hát, thỉnh thoảng sân trên xã cũng có các đoàn chiếu phim màn ảnh rộng về phục vụ. Các phim chiếu thời đó tôi nhớ được là Chị Sứ, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang... Nhưng có vẻ sức hút của phim điện ảnh không lớn bằng các gánh hát cải lương. Ngoài thị hiếu, có lẽ phim không thu hút được nhiều người xem do hình ảnh mờ, âm thanh thì không hay. Coi gánh hát, thấy người thật, nghe ca thật vẫn thích hơn. Tôi nghĩ vậy.

Vài năm sau giải phóng, phương tiện giải trí của người dân nông thôn Cà Mau chủ yếu là cái radio hoặc cát sét (mà bà con quen gọi là máy thâu băng). Khi tôi chưa tới mười tuổi, ba tôi có cái radio hiệu National rất đẹp, nạp điện bằng ba cục pin con ó màu vàng cỡ lớn. Trưa nào ba tôi cũng nghe thời sự của Ðài Phát thanh Minh Hải, sau đó là chương trình ca cổ. Hết chương trình của đài Minh Hải, các chị trong nhà đem máy xuống nhà sau nghe chương trình ca cổ của Ðài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Dịp cuối tuần, cả nhà lại tranh thủ ăn cơm sớm để nghe tuồng trên đài.

Nhớ lại mỗi dịp 30/4 hồi đó, Ðài Phát thanh Minh Hải hay phát các tuồng như: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa, Giọt máu oan cừu, Tìm lại cuộc đời… Mấy tuồng này anh em nhà tôi hầu như thuộc nhẵn, nghe đi nghe lại cả trăm lần, tới bây giờ vẫn không thấy chán. Nhạc hiệu, mở đầu chương trình của các đài nghe riết đâm ghiền. Nghe tiếng nổi lên là biết chương trình gì, của đài nào ngay.

Cái radio không bao nhiêu tiền, nhưng mười nhà chỉ chừng một nhà có. Chính vì vậy mà thời đó, nhà nào mua được cái máy thâu băng thì nghiễm nhiên được coi là chịu chơi nhất vùng. Cái thâu băng trị giá tròm trèm một trăm giạ lúa, bằng một nửa sản lượng lúa của gia đình trong một mùa.

Mua được cái thâu băng đã khó, rồi tìm băng để nghe còn trần ai hơn, vì băng từ thời đó rất hiếm. Hàng xóm tôi khi xưa có duy nhất cái băng tuồng “Tâm sự loài chim biển”, mỗi ngày mở tới mở lui cả chục lần, riết rồi cả xóm thuộc nguyên tuồng, không sót một chữ. Ðể cải thiện, mấy nhà có thâu băng thường hay đổi băng với nhau, hoặc đi mượn của nhà khác về nghe vài bữa. Băng đứt thì gỡ ra, lấy mủ cây vú sữa dán lại nghe tiếp. Thời buổi nghèo vật chất, không có nhiều lựa chọn về hưởng thụ tinh thần, nhưng cái máu văn nghệ của dân Cà Mau vẫn cứ sôi sùng sục.

Sau vài năm đi coi ké nhà hàng xóm, năm 1992 nhà tôi mua được cái ti-vi (thời đó bà con mình gọi là vô tuyến) trắng đen 14 inches, hiệu Sanyo. Chập tối, lượt khách đầu tiên là đám con nít hàng xóm kéo lại xem phim hoạt hình. Tôi với tụi bạn hồi đó mê bộ phim Hãy đợi đấy của Liên Xô như điếu đổ, vừa coi vừa cười ngả cười nghiêng. Trước giờ mở vô tuyến, tôi và tụi nó hay cá nhau là tối nay ai sẽ xuất hiện trên truyền hình. Phát thanh viên của Ðài truyền hình Cà Mau khi đó có các anh chị: Ðức Bình, Kiều Diễm, Thanh Hiền, Minh Thiết… Ai đoán trúng người xuất hiện trên chương trình là mang cái… sự sướng râm ran cả buổi.

Tối một chút, tới lượt đám thanh niên lại xem phim truyện. Các phim bộ của Việt Nam được yêu thích nhất thời đó phải kể đến Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Phạm Công Cúc Hoa… Các phim này chiếu đi, chiếu lại nhiều lần xem vẫn thích. Còn phim nước ngoài, có lẽ bộ Tây du ký phiên bản 1986 là được nhiều người mê nhất. Hễ đài chiếu là bà con đến xem chật cả nhà. Coi xong, già trẻ, trai gái bàn tán, bình phẩm sôi nổi rồi cười hỉ hả.

Cuối tuần, khi đài có chương trình cải lương là khoảng thời gian dành cho phụ nữ, người lớn tuổi. Tuồng cổ thì có Nữ tướng cờ đào, Thái hậu Dương Vân Nga… tuồng xã hội thì có Ngao Sò Ốc Hến, Ðời Cô Lựu và sau này là Bóng biển của Ðoàn Hương Tràm. Coi cải lương, người nóng tánh thì lớn tiếng chửi mấy tay kép độc, những kẻ gian thần; khi người ngay gặp nạn thì mấy người hay mủi lòng lại sụt sịt khóc, kéo khăn rằn lau nước mắt.

Nhà có vô tuyến thì vui thật, nhưng ngán nhất là cái chuyện… sạc bình. Khoảng mười lăm năm sau giải phóng, nhiều vùng nông thôn Cà Mau vẫn chưa có điện, mọi phương tiện giải trí phải sử dụng năng lượng từ bình ắc-quy. Một cái bình ắc-quy sáu hộc vừa xem đài, vừa nghe thâu băng thì cao lắm một tuần là hết điện, phải đem đi sạc lại. Sạc bình phải lên tới chợ xã, sạc đầy mất cả ngày. Mỗi khi vô đợt phim hay là nơm nớp sợ hết bình, nhà mình buồn mà hàng xóm cũng không vui.

Có những chiều mưa gió dầm dề, các anh tôi phải đội mưa, chạy xuồng đi lấy bình về. Nhiều bận, bình sạc chưa đầy điện mà vẫn cứ lấy về cho bà con xem phim, hoặc cải lương… sáng hôm sau chở lên sạc tiếp. Có hôm, đang xem giữa chừng thì bình bất ngờ xuống điện, màn hình co lại chỉ còn một phần hai, có khi chỉ còn một phần tư, âm thanh méo mó… mà cả hội vẫn ráng coi. Khi đó, mấy anh tôi chạy qua hàng xóm, mượn cái bình khác để coi cho hết buổi.

Vì vất vả như vậy, nên nhà có vô tuyến thường rất tiết kiệm bình, những chương trình không thích (mà phổ biến nhất là các đoạn quảng cáo) thì tắt, chờ đến giờ chiếu phim hoặc cải lương mới mở lên coi. Những lúc đó, cả hội cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, chút chút lại hối chủ nhà mở lên vì sợ quá giờ, lỡ mất đoạn hay.

Bốn mươi sáu năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Kinh tế phát triển, đời sống văn hoá tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Theo quan sát của tôi, có lẽ trên dưới chín mươi phần trăm gia đình nông thôn đã có phương tiện nghe nhìn hiện đại; smartphone thì người trưởng thành hầu như ai cũng có một cái cầm tay, có thể cập nhật kiến thức hay chọn các chương trình giải trí yêu thích một cách dễ dàng, khi internet đã phủ sóng khắp nơi. Ðiện quốc gia cũng được kéo về, thắp sáng choang tận các vùng quê hẻo lánh nhất.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy những gì có được hôm nay là bước tiến đáng tự hào, là quá trình phấn đấu không mệt mỏi của một dân tộc quật cường trong chiến tranh, năng động trong thời bình.

Ai đã từng trải qua những đêm đi coi gánh hát, hay những chiều đội mưa qua xem ké ti-vi nhà hàng xóm… hẳn sẽ cảm nhận được đó là những dư vị ngọt ngào, là một phần lịch sử để chúng ta nhớ về, mà trân trọng những thành quả của hôm nay”./.

 

Tuấn Ngọc

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...