ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:17:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cồn cào nhớ quê

Báo Cà Mau

Mấy hôm trước, ông bạn nhà báo quê Cà Mau đang làm việc ở Sài Gòn đăng lên Facebook video quay ơ đất kho nấm rơm đang sôi ục ục, bốc khói nghi ngút, kèm lời tựa “nhớ món ăn những ngày còn ở quê”. Bài đăng không bao lâu, nhiều bạn phây đã nhảy vào “thả tim” hưởng ứng. “Mùa này, ở quê mà có cây rơm thì đúng vụ nấm rồi!”, một tài khoản bình luận, lập tức nhận được nhiều phản hồi rôm rả.

Trưa nay, một ông bạn khác là dân kinh doanh ở Sài Gòn, cũng quê gốc Cà Mau đăng một cái tút đầy tâm trạng, đại khái là đang nhớ quê đến cồn cào mà không thể về thăm.

Có thể dễ dàng cảm thông với người bạn ấy, bởi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách, thậm chí vài nơi còn phải cách ly xã hội. Thành phố đang là vùng dịch, cư dân về các địa phương phải đi cách ly theo quy định. Cà Mau dừng hoạt động vận tải khách từ vùng dịch về tỉnh hơn tuần nay rồi.

Nói chi đâu cho xa, ngay tại Cà Mau, giờ muốn phóng xe về thăm quê cũng phải đắn đo, bởi dịch Covid vô cùng khó lường. Vi-rút đang ẩn nấp ở đâu đó, mỗi người chỉ cần một chút chủ quan cũng có thể gây hoạ cho bản thân và cộng đồng. Người người, nhà nhà quán triệt chủ trương hạn chế đi lại, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Thông tin về những trường hợp F1, F2… bằng cách nào đó mà không được cách ly kịp thời, cứ nóng rần rần trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Vào những lúc như thế này, giống như những người bạn xa xứ, tôi cũng cảm thấy nhớ quê, nhớ nhà đến quay quắt, dù đường về chỉ vài mươi cây số. Người trưởng thành, ngoài nỗi nhớ cha mẹ, tình yêu đôi lứa, thì có lẽ chỉ có hình bóng quê hương là chiếm vị trí rất quan trọng trong sâu thẳm tâm hồn. Ði đâu, làm gì, dù ở chốn phố thị phồn hoa, vật chất đủ đầy, nhưng tâm trạng ai cũng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn với biết bao niềm nhớ nhung, khắc khoải. Một tuần không về quê là đã thấy trong người “thiếu thiếu cái gì đó” rồi, nói chi là vài tuần, vài tháng, hay cả năm!

MH: MT

Không biết người khác thế nào, nhưng với tôi, hai tiếng quê hương thiêng liêng lắm. Căn nhà loang lổ vết thời gian; những góc bếp, chái hè, bến nước, cầu ao, mảnh vườn, thửa ruộng, những món đồ xưa cũ… tất thảy đều thân thuộc và gần gũi như hơi thở. Kỷ niệm những ngày ở quê đã hằn thành những vết lớn và sâu trong ký ức, nó nhạy đến mức có thể sẵn sàng tương tác với bất cứ xung động nào từ bên ngoài, dù nhỏ hay chỉ là vô tình thoáng qua. Mỗi tiếng gà gáy sáng, hay tiếng chim kêu buổi bình minh, cũng gợi nhớ về những khoảnh khắc bình yên nơi quê nhà. Một tiếng rao hàng văng vẳng giữa trưa, cũng khiến tôi chợt thấy bóng dáng mẹ già một đời gió sương tần tảo. Tiếng ru con của chị láng giềng cũng gợi về miền ký ức của một gia đình đông con, đứa sinh trước giữ đứa sinh sau mà anh em trong nhà cứ lớn lên trong chan chứa yêu thương. Tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, giọt mưa làm nổi từng chùm bong bóng trên mặt sân cũng làm những ký ức ngày thơ hiện về rõ ràng, chân thực.

Mùa này đã vào hè, hôm nào cũng có vài cơn mưa rả rích làm nhớ nao nao những buổi ở trần trùng trục tắm mưa. Ở quê, những ngày còn tuổi tiểu học, cứ đêm nào có mưa thì sáng ra mấy chị em trong nhà lại tranh nhau, ù té chạy ra cây rơm hái nấm. Mưa lâu ngày làm chân và mặt ngoài của cây rơm mục rữa, là thiên đường cho nấm sinh sôi. Nấm rơm mọc thành từng giề, cây lớn trông giống như những trái mận lốm đốm đen. Những cây nấm lớn hơn, bật nở xoè như cây dù xinh xinh ngộ nghĩnh. Nấm hái vô để dành làm đồ ăn cơm bữa trưa trong nhà và mang ra cho những người làm đồng. Cách chế biến thường là xào mỡ hoặc kho nước sền sệt, nêm hành; hôm nào nấm ít thì kho chung với cá, thảy vào vài trái ớt đỏ tươi. Những ngày khi việc đồng áng rảnh rang, người nhà đông đủ thì nấm rơm là nguyên liệu tuyệt vời cho một nồi mắm kho thơm nức, đi kèm với rổ rau đồng tươi, non mơn mởn. Cái video của ông bạn nhà báo làm dậy trong lòng tôi cảm giác nhớ, thèm món nấm rơm dân dã là như vậy đó.

Cà Mau xưa nghèo, cả xóm tôi nhà ai cũng khung cây, lợp lá, nền thì thấp. Trời đổ mưa, xung quanh nhà, nước lên mênh mông một màu trắng xoá. Mỗi khi trời mưa lớn, tôi và hai chị gái lại tất bật đi kéo lá dừa, kéo cỏ, gom cây chà… chặn ở đầu mấy con mương để ngăn cá từ ruộng nhà ra sông. Xa xa, những vị trí “êm” được khoét một lỗ, vừa vặn để đặt vào một cái lờ bánh ú, trên phủ lên lớp cỏ mỏng “nguỵ trang”. Tạnh mưa ra thăm, từ xa đã thấy cái lờ rung rinh liên tục. Khi đó, kinh nghiệm quan trọng là một tay cầm cái “quai” ở trên, tay kia nhẹ nhàng luồn xuống phía dưới, bợ… đít lờ rồi từ từ nâng lên, nếu không cá nhiều quá có thể làm bung nan, xé toạc cái lờ như chơi. Ðặt chừng hai, ba cái lờ là đủ cá cho gia đình ăn cả ngày.

Xứ ngọt Trần Văn Thời những năm 1990 hầu như chỉ làm một vụ lúa mỗi năm. Nông dân vất vả quanh năm mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu lúa hột. Mưa vừa xuống thì gieo mạ, mạ lớn thì nhổ cấy lúa cây; lúa cây cứng cáp mới bứng lên, xé nhỏ cấy ra hết ruộng. Lúa chín thường ngay Tết Nguyên đán, có những năm cả nhà chỉ ăn Tết đúng hai ngày 30 và Mùng 1, rồi lại xách vòng gặt ra đồng. Tầm này, tôi nhớ không lầm là vào mùa làm cỏ lúa cây. Cả nhà 5-7 người, sáng bảnh mắt là ra ruộng, ngâm mình trong nước đến xế mới về, cơm nước thì có người trong nhà nấu đem ra, ăn ngay tại ruộng.

Hồi nhỏ, tôi hay giành với các chị gái việc đem cơm ra đồng cho người lớn. Trên chiếc xuồng “be chín” ngoài nồi cơm thì thường là mẻ cá kho khô, tô bí rợ hầm nước cốt dừa, một cái ấm ám khói đen nhẻm đựng đầy nước mưa để uống. Nếu vài hôm trước, nhà dỡ mắm thì có thêm tô mắm chưng thơm lừng ăn kèm với rau đồng, chuối chát hay cà sống. Mùa đìa năm nào, má tôi cũng làm vài hũ mắm lóc, mắm sặc, mắm rô… để dành mưa xuống thì dỡ ra ăn dần. Má tôi khéo tay nên mắm làm ra vừa sạch, vừa ngon. Mấy cái khạp vừa để trong góc bếp, cứ mưa xuống là thỉnh thoảng anh em tôi lại lén lén dỡ nắp thăm chừng. Hàng xóm tới chơi, nhiều người cũng ngó ngó, nghiêng nghiêng vì thích mắm má tôi làm.

Trong nhà có mắm ngon, nên mỗi khi đem cơm ra ruộng, bận quay về tôi hay tấp vô mấy góc bờ bẻ vài trái ổi chua để ăn kèm mắm sống. Ai từng thử qua món này thì xác định ăn tới quên thôi. Lắm khi ăn nhiều mắm quá, phải uống nước liên tục thì mới đã khát.

Nhà ở nông thôn xưa toàn nấu cơm bằng bếp củi, nhờ vậy mà có hai cái khoản đặc sản là nước cơm và cơm cháy. Nước cơm chắt ra, bao giờ tôi cũng tranh thủ múc riêng một tô để dành. Mấy năm chưa có đường cát thì “vít” một cục đường mía, hay gọi là “đường chảy”, thảy vô tô quậy cho tan ra rồi uống ngon lành. Ðó xem như là khẩu phần thay cho bữa sáng. Cơm cháy thì khỏi phải nói, má và mấy chị dâu tôi khéo nấu, lại biết “gu” tụi nhỏ nên bữa nào cũng có một “mẻ” vừa giòn vừa thơm; mấy anh em mỗi đứa một miếng, vừa thổi vừa nhai rụm rụm.

Có những ngày thắt ngặt, thiếu đồ ăn, nhà tôi hay làm món dừa khô kho, mà dân nông thôn gọi vui là món “công xuồng”. Trái dừa khô chẻ ra, dùng mũi dao cạy cơm dừa thành những miếng mỏng, dài rồi kho với nước mắm đồng, nêm hành, bỏ thêm tóp mỡ. Cái món này mang tiếng là để “chữa cháy”, nhưng ăn thì ngon đáo để. Cơm dừa béo ngậy, nước mắm thơm lừng, cộng thêm tóp mỡ nhai sần sật, ăn với cơm nóng ngày mưa cũng là đặc sản như ai. Miếng cơm dừa cứng cứng, dài dài giống cái cong xuồng nên bị gọi “chết danh” như vậy. Nhất định, trong chuyến về quê tới đây, tôi sẽ làm cái món “công xuồng”, trước để ăn, sau là đăng lên mạng cho chúng bạn thèm chơi!

Mạng xã hội phát triển là điều kiện giúp ta dễ dàng tìm được những tâm hồn đồng điệu, giúp kết nối người với người mà không bị cản trở bởi khoảng cách không gian. Tôi có nhiều “bạn phây”, tuy rất ít gặp nhau, thậm chí chưa từng gặp ngoài đời, nhưng lại rất hợp nhau ở cái sở thích hoài niệm; mỗi bài đăng, qua tương tác thì càng hiểu và thông cảm nhau hơn. Như hôm nọ, thấy hình cái cối giã gạo tôi đăng, một cô giáo kiêm chủ doanh nghiệp đã say sưa kể về những ngày xắt chuối, xắt rau phụ gia đình nuôi gà vịt, nuôi heo. Một cái video tiếng bồ tọt kêu sau mưa của một bạn ở ngoại thành cũng khiến bao người “thổn thức”. Mấy ngày sau, trên mạng tràn ngập hình ảnh … bồ tọt kho sả, xào lăn vì cộng đồng bị cái video kia chọc tức. Ðôi khi chỉ một hình ảnh đơn sơ, nhưng cũng gợi lên trong lòng bao người nỗi nhớ nhà, nhớ quê đến cồn cào.

Ở trong nước còn vậy, nói chi kiều bào xa quê. Tôi có vài người bạn cũ, nay định cư ở nước ngoài. Qua chia sẻ trên mạng, có thể cảm nhận được từ họ nỗi nhớ quê hương vô bờ bến. Sống nơi đất khách, quê người, nhưng từ cách bày trí nhà cửa, trồng cây, nuôi động vật, thói quen ẩm thực cho đến các sinh hoạt cộng đồng, tất cả đều giữ gìn bản sắc dân tộc và luôn hướng về nguồn cội. Những bài đăng về quê hương, luôn được họ rất quan tâm và chia sẻ tâm tình. Không có gì lạ, bởi dù làm gì hay ở đâu thì trong mỗi người Việt Nam, dòng máu lạc hồng vẫn cuồn cuộn chảy, sẵn sàng thăng hoa khi Tổ quốc gọi tên mình. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh, không cần phải nói gì thêm; và trong cuộc chiến chống dịch Covid này, tinh thần ấy lại một lần nữa được khơi dậy. Lá kia bao giờ cũng rụng về cội, và cội nguồn chính là nơi thiêng liêng nhất.

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng đã từng vài lần ngâm nga bài thơ “Quê hương” của Nhà thơ Ðỗ Trung Quân. Với riêng tôi, hay và ấn tượng sâu sắc nhất vẫn nằm ở hai câu cuối:

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người!

 

Tuấn Ngọc

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...