Chúng tôi tiến vào thị trấn Cà Mau lúc 2 giờ chiều ngày 23/8/1954. Hôm qua, giặc Pháp đã rút toàn bộ lực lượng (kể cả nguỵ quyền) về Bạc Liêu, trong khi chúng chưa bàn giao chính quyền với ta. Bởi vậy, đồng bào tại đây phải sống trọn một đêm chờ đợi.
- Tư liệu quý từ ghi chép của người tập kết
- Cà Mau - Trước, trong và sau tập kết
- CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 - 2024)
Lễ kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến 10/12/1954 tại Cà Mau. Ảnh tư liệu
Sáng hôm ấy, đồng bào Kinh, Khmer và Hoa kiều ở Cà Mau đem 3 chiếc tàu lớn chạy lên kênh xáng Cái Nhúc, góp sức với những đoàn xuồng, ca nô, đò máy khác, đón rước quân đội Nhân dân và cán bộ dân sự của ta ra thị trấn.
Tiểu đoàn 307, một tiểu đoàn bách chiến bách thắng, thuộc quân chủ lực Nam Bộ, rầm rập tiến quân trên đường phố rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Trừ bộ quân phục màu xanh xám, vừa mạnh vừa thanh nhã, và chiếc nón “chiến khu” vừa đẹp, vừa hùng, đơn vị tiếp thu trang bị hoàn toàn vũ khí và đồ dùng quân sự đã chiếm được trên xác giặc.
Cờ reo mừng trên nóc phố, cờ nhảy múa trên cửa sổ, cờ kiên hùng trên đỉnh cột bùng binh, cộng với cờ uy nghiêm trên nón, trên cánh tay bộ đội, cờ hiền dịu trên ngực từng cán bộ... tạo thành một rừng cờ đỏ thắm.
Phái đoàn sĩ quan liên lạc của ta và Uỷ ban Quân chính thị trấn, cùng với Tổ Liên hợp, do Trung tá Võ Quang Anh, nguyên Tham mưu trưởng Khu 9, dẫn đầu đến nhận lãnh những cơ sở do Pháp giao lại, dưới sự chứng kiến của Tổ Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến: toà hành chính, nhà bưu điện, sở thương chánh, phòng nhì, phòng thông tin, phòng tác động tinh thần... lần lượt do quân đội ta canh gác. Ðoàn xe Zeep đi đến đâu đồng bào đều ùn ùn đổ ra hai bên đường, hoan hô không dứt. Trong những tiếng hoan hô Tổ Quốc tế, Tổ Liên hợp, phái đoàn sĩ quan liên lạc của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Uỷ ban Quân chính thị trấn, người ta còn nghe xen lẫn những tiếng “Hoan hô Việt Minh!”, “Việt Minh muôn năm!”. Ðó là những khẩu hiệu nồng nhiệt nhất của đồng bào Hoa kiều. Ðáng chú ý là tuyệt đối không nghe một tiếng hoan hô phái đoàn sĩ quan Liên hiệp Pháp, mặc dù chúng cứ tìm cách “ăn gian”, cho xe cắm cờ tam sắc chạy lấn ra lề đường mong được đồng bào “ủng hộ”. Nhưng, chúng càng lấn ra, thì chúng càng thêm nhục, vì trẻ em và cả người lớn đều day chỗ khác, hoặc chửi, hoặc phun nước miếng: "Ðồ ăn cướp..."; "Ði mau..."; "Ai thèm hoan hô mầy"; "Ðả đảo"...
Ðiều đó đã nói lên rằng, suốt nhiều năm kìm kẹp Nhân dân ta, địch chỉ đào sâu thêm cái thù cái oán, chớ chúng không thể nào biến đổi được tinh thần yêu nước thiết tha của một giống nòi bất khuất.
4 giờ chiều.
Không khí oi bức. Mùi sình thối của đường mương, mùi hôi hám của những đống rác cao nghệu, mùi ngột ngạt của dầu mỡ lâu ngày bốc lên khó chịu. Nhưng những thứ đó vẫn không khó chịu căm ghét bằng những thằng mũi nhọn, mắt đục ngừ, đội ca lô xanh viền đỏ, mang bờ-ra-sa tam sắc. Thật là quân đê tiện! Chúng đã lén chở máy đèn, máy nước theo luôn, nên bây giờ chúng phải gầm mặt tại đây mà chịu, khi Tổ Quốc tế chất vấn về hành động trái phép ấy.
Một đêm không ánh điện, đồng bào tưởng giặc khoá máy lại, ngờ đâu giờ lòi mặt gian lận chúng ra. Lập tức đồng bào tập hợp, biểu tình rầm rộ. Họ kéo tới trước Tổ Quốc tế và phái đoàn Liên hiệp Pháp hô những khẩu hiệu:
- Yêu cầu Tổ Quốc tế có thái độ về sự ngang ngược của Pháp.
- Ðả đảo Liên hiệp Pháp không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ!
- Phải trả lại máy đèn, máy nước!
Cơn phẫn nộ sôi lên sùng sục. Ðồng bào vừa hô khẩu hiệu vừa tràn tới đấu tranh quyết liệt. Nhiều em bé, tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay cầm đá liệng vào xe Zeep của phái đoàn Liên hiệp Pháp. Một tên trung uý nguỵ hoảng hốt mọp xuống gầm xe và gỡ 2 cái sọc vàng trên vai giấu mất, khi các em bé tấn công:
- Ðả đảo Việt gian! Kéo thằng Việt gian đó xuống!
Ðơn vị cảnh binh của ta phải cố gắng giữ trật tự cho Tổ Quốc tế làm biên bản, đồng thời nhã nhặn khuyên đồng bào bình tĩnh, giữ được sự ôn hoà.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mai