Chân dung Nguyễn Ngọc Cung. |
Những ngày lập đông 1954, gió chướng thổi mạnh, không khí lạnh từ biển Ðông ùa vào cửa sông Ông Ðốc, cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ, con em các tỉnh Nam Bộ, trong đó có Nguyễn Ngọc Cung, xuống tàu Kilinski của Ba Lan đi tập kết ra Bắc, lên bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Không lâu sau đó, trên đất Bắc, Nguyễn Ngọc Cung trở thành thành viên sáng lập: Hội Sân khấu Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Ðiện ảnh Việt Nam. Ông sáng tác kịch bản phim "Biển động" vào cuối năm 1957.
Truyện phim là câu chuyện kể bằng hình về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, mà dấu ấn lịch sử là Nhà giáo, Nhà báo, Nhà hoạt động cách mạng Phan Ngọc Hiển cùng 9 chiến sĩ gan dạ, dùng tàu ghe đánh cá từ cửa biển Rạch Gốc, Tân Ân, vượt biển trong đêm, với vũ khí thô sơ đã giết chết chúa đảo Olivier (của Pháp), làm chủ hoàn toàn đảo Hòn Khoai vào nửa đêm, rạng sáng 13/12/1940.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi trên mảnh đất tận cùng chót Mũi Cà Mau được Nguyễn Ngọc Cung viết thành kịch bản. Cùng Ðạo diễn Mai Lộc; Nhà quay phim Khương Mễ và các diễn viên: Ba Vân, Thanh Hương... kịch bản này trở thành một bộ phim sống động, hào hùng.
Trong lời nói đầu kịch bản phim, Nguyễn Ngọc Cung đã trải lòng: "Với "Biển động", chúng tôi không có tham vọng diễn lại cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, cả nguyên nhân và kết quả của nó. Làm sao tả được một biến cố lịch sử vĩ đại như Nam kỳ năm 1940 trong một câu chuyện phim ngắn ngủi, chỉ 60 phút, trong hoàn cảnh xa cách Nam Bộ, thiếu thốn tài liệu như ngày nay. Qua những sự việc xảy ra, trong và quanh gia đình một nông dân miền biển, ở một nơi xa, uy thế của thực dân phong kiến đang đè nặng trên đầu mọi người và phong trào cách mạng đang âm thầm nhưng bồng bột, chúng tôi chỉ mong mỏi nói lên phần nhỏ nào cái tâm lý của Nhân dân, nhất là nông dân Nam Bộ đối với thời cuộc lúc bấy giờ. Chúng tôi chọn nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa (xã Tân Ân, Cà Mau ) và lấy một khía cạnh nhỏ cuộc khởi nghĩa đã xảy ra (chuyện Giáo Hiển) làm bối cảnh. Dựa vào tâm lý quần chúng trong xã hội lúc bấy giờ, xây dựng câu chuyện gia đình ông Ba. Qua câu chuyện ấy mong nói lên một sự thật lịch sử là: Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 tuy thất bại, nhưng cuộc cách mạng phản phong, phản đế của Nhân dân ta do Ðảng lãnh đạo đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Thành công của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ là đã thức tỉnh đông đảo quần chúng. Gió cách mạng đã làm xáo động về người khổ cực nhất bấy lâu, chỉ mong sao được sống yên ổn trong bần cùng. Biển đã động, sóng biển đã nổi lên rồi, sẵn sàng cuốn phăng đi theo dòng nước bể đang cuồn cuộn dâng lên. Ðiều này giải thích tại sao Nhân dân Nam Bộ đã thành công rực rỡ trong Cách mạng Tháng Tám, mặc dù bị thực dân đàn áp vô cùng dã man sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Ðó là chủ đề, là chuyện tôi muốn thể hiện trong khi xây dựng "Biển động". Hy vọng ngày nào đó, bộ phim truyện nhựa thời lượng 60 phút này sẽ được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem, dù chỉ một lần...".
Diễn viên chính trong phim truyện “Biển động” do Nguyễn Ngọc Cung viết kịch bản.
Cảnh quay tại Sầm Sơn, Thanh Hoá năm 1957.
Nhà quay phim Khương Mễ đang thực hiện cảnh quay “Biển động” tại bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá năm 1957.
Ðạo diễn Mai Lộc và quay phim Khương Mễ đang thực hiện cảnh quay phim truyện “Biển động” năm 1957. Ảnh tư liệu
Vài nét về tác giả Kịch bản phim "Biển động": Nguyễn Ngọc Cung sinh ngày 8/2/1927 tại căn nhà Số 21, đường Trưng Trắc, Phường 2, TP Cà Mau, ngày nay. Nguyễn Ngọc Cung sớm giác ngộ cách mạng từ năm 1945, tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong tại thị trấn Cà Mau. Hoạt động không bao lâu, Nguyễn Ngọc Cung bị giặc Pháp bắt giam tại Khám Lớn Cà Mau cùng thân sinh, là ông Nguyễn Ðạo Ðức. Không có bằng chứng kết tội, nên giặc Pháp trả tự do cho 2 người vào năm 1946.
Khi ra tù, Nguyễn Ngọc Cung tiếp tục công tác tại Chi hội Văn nghệ Giải phóng Nam Bộ và được kết nạp vào Ðảng Lao động Việt Nam năm 1947. Từ môi trường công tác thuận lợi ở Văn nghệ Giải phóng nên Nguyễn Ngọc Cung sớm bộc lộ tài năng của mình. Trong khoảng thời gian ngắn (từ năm 1947-1951) ông sáng tác nhiều chặp cải lương phục vụ công cuộc kháng chiến cứu quốc, như: “Nợ nước tình nhà", “Huyết lệ thù", “Vẹn tình cá nước", "Hai bó rơm"...
Rời bến sông Ông Ðốc lên chiếc tàu Kilinski của Ba Lan tập kết ra Bắc, ông tiếp tục hăng say sáng tác nhiều thể loại văn nghệ. Nhiều câu chuyện truyền thanh do Nguyễn Ngọc Cung sáng tác như: "Câu chuyện dưới trăng", ca cảnh "Tây Thi", vở cải lương "Kiều Nguyệt Nga"... được phát sóng trên Ðài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ.
Lê Vũ Hoàng