(CMO) Sau hơn 4 năm triển khai, mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT dần phát huy hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Huyện Trần Văn Thời có trên 29.000 ha sản xuất lúa 2 vụ, nên sau mỗi vụ mùa, lượng vỏ thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Trung (Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) có 10 công ruộng sản xuất lúa 2 vụ. Trong quá trình sản xuất, gia đình ông thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh. Trước đây, sau mỗi vụ mùa, những vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật được ông Trung gom, đốt hoặc chôn dưới đất. Dù được xử lý khá kỹ, nhưng mùi hôi của thuốc bảo vệ thực vật vẫn gây khó chịu cho gia đình và bà con xung quanh, nhất là sau mùa vụ nhà nào cũng có cả bọc vỏ thuốc bảo vệ thực vật.
Hơn 4 năm nay, số vỏ này được ông Trung và bà con trong ấp gom về nơi tập kết là những bể chứa được xây dựng bằng xi-măng khá kiên cố để đưa đi tiêu huỷ. “Nhờ có bể chứa, bà con trong xóm không phải đốt hay chôn xuống đất những vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nên giảm được mùi hôi. Việc làm này góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”, ông Trung cho biết.
ừ năm 2016-2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Ban điều hành chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” tại 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Thông qua công tác truyền thông, người dân hiểu đúng hơn, đủ hơn và thay đổi thói quen không vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, kênh mương và không còn tự ý chôn, đốt mà đưa về bể chứa.
Song song với công tác tuyên truyền, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ xây dựng 75 bể chứa bằng xi-măng, với số tiền trên 400 triệu đồng. Sau 4 năm triển khai thực hiện mô hình, số lượng bể được các công ty tư nhân hỗ trợ xây dựng thêm và lượng vỏ thuốc bảo vệ thực vật thu gom gần 4,8 tấn.
Những bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật được hỗ trợ xây dựng từ chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” của Cục Bảo vệ thực vật. |
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn khẳng định: “Chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sử dụng, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật".
Ông Tuấn cho biết, bên cạnh những bể chứa do Ban điều hành chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” của Cục Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ người dân địa phương xây bể chứa. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, theo đánh giá của nhiều địa phương, đối tượng hưởng lợi từ chương trình này còn ít. Toàn huyện Trần Văn Thời có gần 29.000 ha sản xuất lúa 2 vụ, lượng vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi vụ mùa nhiều, trong khi bể chứa lại ít, chỉ có 111 bể. Hiện địa phương rất cần có chương trình dài hơi để hỗ trợ xây nhiều bể chứa và công tác thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật cần được thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng ứ đọng, không nơi chứa nên người dân phải để tràn ra bên ngoài.
Ðể phong trào “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ngày một lan toả, đi sâu vào thực tiễn, cơ quan chức năng cần khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào việc mở rộng chương trình tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời, tiếp tục lan toả thông điệp và hiệu quả của chương trình đến đông đảo người dân./.
Phương Lài