(CMO) Ít ai biết rằng, bưởi da xanh ruột hồng, loại trái cây đặc trưng nổi tiếng ở tỉnh Bến Tre và cũng là giống cây trồng khó tính, giờ đây đã hiện hữu trên những vườn cây ăn trái của vùng đất Trần Văn Thời. Thế mới thấy, dù là tiên phong hay đi sau, những nông dân ở vùng đất phèn, trũng này luôn làm nên những điều thật ngạc nhiên và lắm tự hào.
Dọc theo con đường nhựa láng bóng đến xã Khánh Hưng, nếu không được hướng dẫn trước hay để ý, thật khó biết được, ngay tại chốn thôn quê này có vườn cây ăn trái xum xuê, đặc biệt là vườn bưởi da xanh ruột hồng chính hiệu, loại nông sản nổi tiếng khắp vùng ĐBSCL.
Vườn cây ăn trái này không đề tên cũng không bảng hiệu, nằm khuất sau hàng rào kiên cố. Chủ nhân của vườn cây ăn trái này cũng khá đặc biệt, một phụ nữ đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng giỏi lao động, giỏi tính toán không kém cạnh đàn ông và có tình yêu mãnh liệt với vườn tược, với cây ăn trái, bà Trần Thị Việt Anh, ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
Sau bao khổ cực, vườn bưởi da xanh ruột hồng của bà Việt Anh đã cho quả ngọt. |
Tôi đến vườn bưởi của bà vào thời điểm chính vụ, mấy trăm gốc bưởi đang cho trái xanh tốt, có những trái to, tròn, bóng láng, nặng cả mấy kí-lô-gam. Bà bảo: “Tuy là thời điểm chính vụ nhưng tôi để lượng trái thu hoạch không nhiều, chỉ còn lại khoảng 20%, để tránh tình rạng rớt giá”. Vừa dẫn khách tham quan, chủ nhân nhà vườn vừa chia sẻ, tính ra vụ này đã là vụ thu hoạch thứ 4. Vụ mùa năm nay phải khẳng định là vụ mùa thành công như mong đợi. 300 gốc bưởi chưa tàn vụ nhưng đã cho thu hoạch được 5 tấn. Điều đáng mừng hơn nữa là ngay thời điểm chính vụ (tháng 8 âm lịch), ngay tại nhà vườn Bến Tre giá bán chỉ 30 ngàn đồng/kg nhưng vườn bưởi của bà bán được giá cao hơn 1,5 lần.
Nói về chuyện cây ăn trái, theo bà Việt Anh, đó là câu chuyện dài, từ hiệu quả kinh tế cho đến tiềm năng của vùng đất quê hương mình và cơ hội để vườn cây ăn trái ở Cà Mau nói chung, Trần Văn Thời nói riêng vươn lên cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như hướng đi tất yếu của cây ăn trái hiện nay. Bà bảo, nhìn trên bản đồ đất nước, hầu như Cà Mau mình ít có loại trái cây nào mang thương hiệu riêng, trứ danh, trong khi tiềm năng của quê hương mình từ đất đến con người đâu thiếu. Khát khao cháy bỏng đưa tên Cà Mau đi xa hơn nữa, không chỉ là vùng đất của lúa, của hoa màu, của cá đồng mà còn vùng đất đầy hứa hẹn của cây ăn trái đã trở thành động lực giúp bà xây dựng nên vườn cây ăn trái với bưởi, ổi xum xuê như bây giờ.
Phải khẳng định, cây ăn trái là mô hình lý tưởng giúp nông dân phát triển kinh tế. Theo tính toán bài bản của bà Việt Anh, hiệu quả kinh tế của cây bưởi đơn giản ở 3 dấu bằng (=), hiểu nôm na là 170 gốc bưởi = diện tích 3 công ruộng = hiệu quả kinh tế của 170 công ruộng. Nói là nói vậy nhưng cao hơn hay không và cao bao nhiêu còn phụ thuộc vào 4 chữ “bản lĩnh nhà vườn”, đó là tầm nhìn, là tính toán từ trồng trọt, chi phí, thời điểm thu hoạch.
Hiệu quả kinh tế cao nhưng trong tình hình hiện nay, không thể đi theo lối mòn mà phải đổi mới. Bà Việt Anh chia sẻ, qua các lần tham gia hội thảo xúc tiến thương mại ĐBSCL, vấn đề được quan tâm hiện nay là nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững, nông dân trồng cây ăn trái phải đi theo xu thế loại bỏ dần thói quen lạm dụng phân, thuốc hoá học mà sử dụng phân hữu cơ sinh học nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Và đây cũng đang là hướng đi của 30 thành viên Hợp tác xã cây ăn trái sạch Khánh Hưng mà bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc.
Nhận thấy trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, 7 năm nay, anh Lê Minh Khôn ở ấp Công Nghiệp B mạnh dạn cải tạo 3 ha đất trồng cây ăn trái như bưởi da xanh ruột hồng, ổi, cam xoàn. Và mới đây, anh trồng thử nghiệm giống bơ 034, giống cây ăn trái chưa có mặt trên vùng đất Trần Văn Thời.
Cũng là thành viên của Hợp tác xã cây ăn trái sạch Khánh Hưng, anh Khôn cho biết: “Tạo ra sản phẩm sạch là hướng đi tất yếu để có thể trụ vững trong thời buổi hiện nay. Nông dân tụi tôi phải thay đổi từ tập quán sản xuất. Hạn chế sử dụng phân hoá học mà thay bằng phân hữu cơ sinh học, tập thói quen ghi chép trong quá trình sản xuất như ngày trồng, ngày bón phân… Ngoài các giống cây trồng đã thành công, tôi trồng thử nghiệm bơ 034 với 70 gốc vì thấy loại trái cây này giá cao, ổn định và muốn đa dạng hoá cây trồng, chứng minh vùng đất Trần Văn Thời mình cũng có thể trồng được giống cây này”.
Hy vọng giúp nhau làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, những người nông dân như bà Việt Anh, anh Khôn và nhiều nông dân yêu cây ăn trái, yêu vườn tược đang ấp ủ tham vọng một ngày gần đây, các nhà vườn trong hợp tác xã có thể bao tiêu sản lượng cây ăn trái của tỉnh và xuất sang tỉnh bạn. Có tham vọng, có động lực phấn đấu, trên hành trình ấy, khó khăn nhất định còn nhiều, nhưng họ luôn nghĩ: “Nông dân là sống với đất, chỉ cần cư xử chân thành với đất, đất nhất định sẽ trả lại những giá trị xứng đáng”./.
Ngọc Minh