(CMO) Ngoại đông con, dì Hai lớn hơn mẹ 16 tuổi, mẹ kể lúc còn nhỏ dì Hai thay ngoại giữ em, nấu cơm, nuôi gà, nuôi heo. Ngoại có 2 người con trai và 5 người con gái, cậu Sáu hy sinh lúc 18 tuổi. Bên tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ là 2 tấm hình, cậu Sáu đội chiếc nón tai bèo, mặt non trong, kế bên là tấm hình thờ của ông ngoại cũng chết trẻ.
Cậu Tư có nhiều tài lẻ, người ta nói ông đờn vọng cổ mùi rụng rún, vậy mà thua giọng ca của ông, còn mùi hơn. Đám cưới nào trong quê cũng mời cậu Tư hát, có khi đám đầy tháng, thôi nôi, tân gia… cũng chèo xuồng tới nhà rước cậu Tư đi đờn ca. Ông có duyên kể chuyện tiếu lâm, lấy tiếng cười của mọi người một cách tự nhiên. Ông có tài làm cán dao, cán phảng, cù nèo, nọc cấy, vòng gặt… Khi còn nhỏ tôi thường ngồi hàng giờ coi cậu Tư lấy miểng chai bào, gọt những cán dao, vòng gặt láng bóng. Nhiều tài lẻ vậy mà cậu Tư chỉ thật sự nổi tiếng với nghề đặt trúm. Ở ấp Hiệp Hoà, xã Khánh Hưng, những năm 1980 và cả sau này, người ta gọi cậu Tư là thầy đặt trúm.
![]() |
Minh hoạ: Phúc Danh |
Cậu Tư quý giàn trúm như gia tài của ông. Nghe ngoại kể, để có bộ đồ nghề ưng ý, ông chèo xuồng qua tận Thới Bình tìm mua những cây tre thật đều về làm ống trúm. Tự tay ông đo ni, cắt đều, uốn thẳng bằng lửa, đan hom bằng thanh cây trúc… cho giàn trúm của mình. Bên hiên nhà cậu Tư dựng căn chòi nhỏ chỉ để giàn trúm. Tuy nhiên, bí quyết để trở thành thầy đặt trúm không phải ở giàn trúm mà còn là kinh nghiệm, con mắt tinh thông của một nông dân, nhìn ruộng nào biết có lươn, ruộng nào không. Đặc biệt, chính mồi nhử lươn có một không hai của ông mới tạo nên. Bí mật đó được giữ thật lâu, kể cả những đứa con của cậu Tư cũng không biết. Mọi người còn truyền tai nhau: “Ông Tư có thần dược để dụ lươn chui vô ống trúm”. Ông cười khà khà giống bản tính khảng khái của ông: “Ờ! Đúng là thần dược!”.
Mồi đặt trúm của cậu Tư cũng giống với hàng trăm thợ đặt trúm thời đó. Ông dùng dầu dừa xào cá tạp, ốc lác, ốc bươu trộn lẫn với cám, sau đó dùng những cọng năn tươi gói mồi lại thành từng cục bỏ vào ống trúm để dẫn dụ lươn chui vô. Nhiều người còn nói vui rằng cậu Tư khéo tay, gói mồi nhử lươn mà giống như têm trầu cánh phượng. Về chuyện “thần dược” dụ lươn là cái duyên, một lần uống ly mũ gòn, đứa con gái cậu Tư vô tình làm rơi những giọt dầu chuối vào thùng đựng lươn, cậu Tư phát hiện những con lươn đang nằm yên bổng nhiên hăng hái cử động, bò tới bò lui. Ngay trong chiều tối hôm đó, ông trộm thêm dầu chuối vào phần mồi đặt trúm. Vậy là sáng hôm sau, hầu hết ống trúm đều dính lươn, có ống trúm khô nước do lươn chui vô chật cả ống trúm. Những con lươn bự chảng, vàng ươm nằm sắp lớp trong thùng thấy mê. Mãi sau này, người ta đồn “thần dược” của cậu Tư hết… linh, nghĩa là đặt trúm không còn dính lươn nhiều như trước. Vẫn giọng cười khà khà, cậu Tư gật đầu, ông chiêm nghiệm: Họ nói đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Vì không phải thần dược hết tác dụng, mà vì vùng này ông đã bắt hết lươn rồi!
Lúc còn nhỏ, một lần cậu Tư ưu ái cho tôi ngồi phía trước mũi xuồng be bảy, đoạn giữa xuồng là hàng trăm ống trúm, dù chỉ đứng 1 chân (ông bị tháo khớp 1 chân do vướng mìn) nhưng ông vẫn giữ thăng bằng trên chiếc xuồng chồng chềnh, thoăn thoắt chống sào qua những cánh đồng. Dù đặt hàng trăm ống trúm trên nhiều cánh đồng khác nhau nhưng không lần nào ông bị lạc dù chỉ một ống. Tại mỗi ống trúm ông có ký hiệu để nhận biết. Một lần bị lạc 1 ống trúm, ông nhất quyết không bỏ cuộc, nhớ ràng ràng là đặt ngay cạnh đìa nên quyết định mò tìm. Phải mất hơn 15 phút mới mò gặp ống trúm, do dính nhiều lươn quá làm ống trúm mất dấu, chìm luôn xuống đáy đìa.
Cậu Tư nói, nghề nào nghiệp đó, nhất là nghề bà cậu. Những người làm nghề đặt trúm chân chính không lấy trộm đồ nghề hay lợi phẩm của người khác. Tuy nhiên, mỗi người có bí quyết riêng để sống với nghề. Như cậu Tư, chỉ vài giọt dầu chuối được ông coi như bí quyết, là “thần dược” dù chưa được chứng minh. Song, có điều ông tin đó là sự thật, niềm tin của người mưu sinh trên sông nước./.
Đỗ Chí Công