(CMO) Chị Lý Giang (tên thật Nguyễn Thị Lý Giang), sinh năm 1973, quê tỉnh Nghệ An, là hội viên “mới toanh” của Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, hiện công tác tại Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội.
Chị Lý Giang. |
Vững tay máy, “trưởng thành” từ quá trình học hỏi từ các thầy, các bậc đàn anh đi trước và gần đây là Trung tâm Ðào tạo nhiếp ảnh Ðăng Thanh, nói về cơ duyên đến với nhiếp ảnh, chị Lý Giang chia sẻ: “Ban đầu mình đi học chụp ảnh chỉ là muốn mỗi lần đi chơi, chụp ảnh cho bạn bè, người thân thật đẹp thôi, nhưng sau khi học rồi thì ngày càng thích. Những lúc được đi chụp ảnh, mình dường như quên hết cả đói và mệt; thấy thời gian trôi quá nhanh”.
Công việc ở Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội khá bận rộn, nên thời gian để “vác” máy ảnh rong ruổi rất ít ỏi; tuy nhiên, bất cứ khi nào thu xếp được, chị đều tranh thủ đi chụp. Và cũng vì thế mà tác phẩm của chị chủ yếu hướng đến vẻ đẹp của đất và người Hà Nội, nét sinh hoạt đời thường của người lao động, cuộc sống xung quanh… Thỉnh thoảng, sau những chuyến đi xa, chị lại có thêm nhiều tác phẩm mới về những vùng đất mới. Gần đây nhất là chuyến sáng tác ở Hà Giang, về đồng bào dân tộc, nét đẹp mùa xuân rẻo cao.
Qua tác phẩm của Lý Giang, người xem có thể cảm nhận rõ sự tinh tế, đằm thắm xen lẫn nét điệu đà đáng yêu đầy nữ tính, sự trẻ trung, yêu đời từ cách chọn góc máy, cách đặt tên ảnh có cả thơ và nhạc.
Bắt đầu học nhiếp ảnh từ tháng 6/2019, đến tháng 10/2019, chị đã có bức ảnh đầu tiên “ra mắt” tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội 2019 (Mùa thu hương cốm mới). Nhớ về kỷ niệm đẹp này, chị cho biết: “Bức ảnh đó mình chụp hôm dẫn các con đi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Thấy một cô đang ngồi hướng dẫn các bạn trẻ sẩy cốm thật đẹp, tiện có máy ảnh mang theo, mình xin phép chụp. Bức ảnh đó dù có thể chưa đẹp theo đúng tiêu chí ảnh nghệ thuật, nhưng với mình nó rất dung dị và giàu ý nghĩa. Ðặc biệt, cốm là đặc sản rất bình dân, rất riêng mà chỉ Hà Nội mới có mỗi độ thu về. Sau này, mình có in bức ảnh tặng cô Hoà (nghệ nhân cốm Làng Vòng, nhân vật trong ảnh). Khi nhận ảnh, cô rất xúc động”.
Sau niềm vui đầu tiên này, chị có thêm nhiều thành tích mới: Bộ ảnh “Xe đạp Thống nhất phục hồi sau đại dịch Covid” đoạt Huy chương Ðồng tại cuộc thi ảnh khu vực Hà Nội năm 2020; tác phẩm “Túi gạo nghĩa tình”, giải C cuộc thi Ấn tượng Việt Nam mùa Covid-19; tác phẩm “Cô bé và con dúi”, giải Ba cuộc thi Ảnh du lịch Hà Giang; cùng rất nhiều ảnh triển lãm tại các cuộc thi: Tự hào một dải biên cương, Hà Nội, Gia Ðịnh…
Ðiều đáng quý nhất, chị thấy mình trở nên “giàu có” hơn về tinh thần. Nhờ nhiếp ảnh mà chị cũng đi nhiều hơn, biết nhiều hơn về cuộc sống quanh mình; biết cảm thông với cuộc sống vất vả của người lao động, trân trọng hơn những gì mình đang có…
Khi chụp ảnh, chị luôn nhìn sâu hơn vào cảm xúc của các nhân vật. Ðể chụp được ảnh trong những điều kiện khác nhau rất khó; thời gian cầm máy ít, nên thao tác máy đôi khi không theo kịp sự kiện, thế bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng quý. Những khoảnh khắc đó có thể sẽ không bao giờ lặp lại… Cho nên chị vẫn luôn cố gắng học hỏi từ bạn bè, từ những người đi trước, từ các thầy...
Tới đây, chị cho biết vẫn mong được tiếp tục sáng tác, góp thêm nhiều niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống thêm xinh tươi.
Tết với bà. |
Trang sách mùa xuân. |
Tình quân dân. |
Mình gặp nhau mùa xuân. |
Phơi tương bần. |
Tâm Hảo giới thiệu