Tôi có cậu em họ trạc tuổi, hơn 10 năm nay đi làm việc ở Sài Gòn. Trong trận dịch lớn vừa rồi, nó không về quê mà quyết bám trụ trên đó. Theo lời Thanh (tên cậu ta), thì nó ở lại vì “cầm cự được” và chờ cơ hội sau khi Sài Gòn mở cửa trở lại, nhưng tôi biết lý do chính khiến nó không về là vì lo cho sức khoẻ của người thân ở quê, lỡ như mang dịch về thì đâm ra ân hận. Tính Thanh ra sao tôi hiểu rất rõ, bởi thời thơ ấu tôi và nó có thời gian dài ở chung, có nhiều kỷ niệm với nhau.
Dịch tạm lắng, tôi mua gửi lên cho gia đình Thanh ít cua thịt bồi dưỡng. Chiều nhận hàng xong, nó gọi video về khoe.
- Hai đứa con em thấy cua là mừng húm. Mà ác cái chỗ, tụi nó chỉ khoái mỗi cua Cà Mau thôi hà!
- Biết khoái quá trời luôn. Cua Cà Mau ngon nhất Việt Nam mà!
Tôi trả lời mà nghe khoé mắt cay cay. Thương thằng em. Kinh tế nhà Thanh cũng khá, nhưng sau đợt dịch này chắc kiệt quệ mất rồi.
Tối đó, sau khi lột cua cho con ăn xong, Thanh gọi cho tôi một cuộc dài, tâm sự đủ chuyện trên trời dưới đất, và không quên nhắc lại kỷ niệm những ngày hai đứa đi câu cua ở xứ mặn Ngọc Hiển. Thanh chính là người đầu tiên dạy cho tôi biết “nghề” câu cua. Mới đó mà đã gần 30 năm rồi, đời người cứ như một giấc mộng vậy.
Thanh là con dì tôi. Những năm 1990, các dì bên ngoại từ ngoại thành Cà Mau rủ nhau về xứ nước mặn sang vuông tôm, lúc đó huyện Ngọc Hiển bao gồm hai huyện Năm Căn, Ngọc Hiển bây giờ. Làm ăn khấm khá, các dì - dượng rủ ba má tôi xuống “tham quan mô hình”. Ði vài bận, ba má tôi đâm ra mê mẩn vùng đất mặn tuy hoang sơ, nhưng giàu tài nguyên và đầy sức sống này.
Ðất vuông hồi đó rẻ, nhưng ba má tôi cũng phải gom hết tài sản tích góp, vay mượn thêm dòng họ một ít, mới sang được một miếng vuông nho nhỏ gần chỗ mấy dì. Mỗi tháng hai bận, gia đình tôi lại dong xuồng từ Trần Văn Thời xuống Ngọc Hiển để xổ vuông. Nhờ có miếng vuông này mà kinh tế gia đình tôi đỡ lên, cất được nhà cơ bản, chi xài cũng thoải mái hơn trước.
Những năm đó, tôi mới vào đầu cấp 2. Ði học mà cứ trông cho mau tới nghỉ hè để được về vuông, rồi ở suốt 3 tháng trời dưới đó. Trong đám anh em họ, tôi và Thanh sàn sàn tuổi nên hễ tới hè là cặp kè nhau suốt, hết phụ giúp việc gia đình thì quay sang bày trò quậy phá giải khuây.
Ở vuông tôm, thích nhất là đầu và giữa tháng, vì đó là thời điểm xổ vuông. Giữa tháng, dân làm vuông gọi là “nước rằm”, đầu tháng là “nước 30”. Mỗi con nước kéo dài chừng 4-5 ngày đêm. Xổ vuông cực mà vui và quan trọng nhất là có tiền. Từ tôm, cua, cá… hồi đó tất tần tật đều từ thiên nhiên, không hề có chuyện mua con giống.
Ban đêm xổ vuông, ban ngày thì đi cắm câu cua. Một tháng 30 ngày nhưng cua chỉ ăn mồi câu vào mỗi con nước xổ. Sáng sớm, khi vuông còn cạn nước, ở những chỗ ngã ba, ngã tư cá phi, cá đối, rồi cá chẽm chạy bầy bầy, dợn sóng. Chỉ chừng đem lưới ra neo 1 tiếng đồng hồ là cá dính chùm nhum, gỡ tới mỏi tay. Những con cá ngon nhất được để dành cho bữa trưa, số còn lại dùng dao cắt khúc, làm mồi câu cua.
Miếng vuông rộng 3-4 ha chỉ cần khoảng 30 cần câu là đủ. Cần câu cua thường làm bằng ruột tre già, dài chừng 1 m, phần gốc lớn cỡ ngón tay út vót thon dần lên ngọn. Dây câu là dây gân, có độ dài bằng thân cần câu, trên đầu buộc sợi dây chì nhỏ để xỏ mồi. Cua là giống ăn tạp nên mồi câu khá đa dạng, ngoài cá còn có thể dùng đẻn, lịch… nói chung là càng dai càng tốt, vì nếu làm mồi bằng các thứ thịt bở, cua sẽ ăn sạch mồi trước khi thăm câu.
Trời hửng nắng, khi nước lớn đạt mức cực đại, chủ vuông sẽ mở cống, lấy nước từ sông vào vuông. Ăn xong bữa cơm sáng cũng là lúc nước trong vuông đã đầy xăm xắp, buổi đi câu cua bắt đầu. Mỗi cần câu cua được cắm cách nhau chừng 50 m, tốt nhất là chọn những vị trí có ngã ba, ngã tư. Cắm hết số câu, trở vô nhà lấy đồ nghề, quay lại thăm câu là vừa.
Ðồ nghề câu cua bắt buộc phải có là cây vợt lưới lỗ rộng, một cuộn dây (thường là dây lác ngâm nước, rồi phơi nắng sơ cho dẻo) buộc ngang lưng, để dành trói cua. Ði trên bờ quan sát, hễ nhìn thấy dây câu kéo thẳng ran, cần câu nhịp nhịp là cua đang ăn mồi. Người đi câu nhẹ nhàng bước xuống mé nước, một tay nhổ cần câu, tay kia cầm vợt thủ sẵn. Muốn vợt được cua phải nương theo chúng, từ từ nhóng lên. Cua mê ăn, bỏ chân bám đất, càng kẹp chặt con mồi, theo đà kéo từ từ trồi lên mặt nước. Vừa thấy càng cua hiện ra, người câu dùng vợt xúc thật nhanh, là tóm gọn.
Cua mê ăn, càng kẹp chặt miếng mồi, một tay từ từ kéo nhẹ cần câu, vừa thấy càng cua gần mặt nước, dùng vợt xúc thật nhanh, con cua bị tóm gọn. Ảnh: THANH CHI |
Cua đem lên bờ vuông cần được kiểm tra bằng cách bóp vào phần vỏ bụng. Con nào bóp vào nghe cảm giác cứng, dẻ là bắt; những con cua thân còn mềm thì thả lại. Câu dính cua cái, dùng ngón tay đè phần đáy yếm để xem có gạch hay chưa, nếu chưa có gạch cũng thả cho đi. Những con cua đạt chuẩn được trói lại, buộc thành từng chùm xách về. Những hôm dính nhiều, đang trói cua ở cần này đã thấy cua ăn ở mấy cần kế bên, xúc mỏi cả tay. Ði hết một vòng, trở lại cần câu đầu tiên thì lại gặp cua ăn, không kịp vô nhà uống nước. Cua nhiều, không xách nổi phải kiếm một khúc cây lớn, neo ở đâu đó, chờ cuối buổi mới trở ra đem vô nhà.
Chiều tối, khi trong nhà bắt đầu rút cống, xổ vuông cũng là lúc nhổ câu, tháo mồi, rửa cần câu sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Một ngày câu cua, trung bình có thể kiếm được 5, 7 kg, thương lái ghé mua là kiếm được kha khá tiền.
Cua mùa hè thường rẻ, có khi xuống giá còn phân nửa lúc thường. Người ta nói, mùa này rơi vào “tháng cô hồn”, nhiều người ăn chay, sức mua trong nước và xuất khẩu đều giảm. Tuy nhiên, nhờ chịu khó mà sau mỗi mùa hè, túi tôi lại rủng rỉnh tiền nhờ câu cua. Tiền kiếm được tôi mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học mới, thậm chí còn dư ra một khoản kha khá để sắm vài món đồ ưa thích, thỉnh thoảng mời bạn bè vài cây kem chuối, mấy bọc sinh tố… những món ăn ưa thích của tuổi học trò.
Nói về tay nghề câu cua thì Thanh giỏi hơn tôi nhiều, nên mỗi mùa hè nó kiếm cũng được món tiền kha khá. Thời đó, cua hoàn toàn tự nhiên, mà người ta lại lười câu nên có thể thoải mái qua câu ở vuông của người khác, miễn là hỏi chủ đất một tiếng. Có bữa, tôi và Thanh đi câu chung với nhau, nó thì thu hoạch thấy ham, còn tôi thì vài con lèo tèo. Thanh học không giỏi lắm, nhưng bù lại nó rất tháo vát việc trong nhà trong cửa, chuyện gì cũng biết làm, mà làm giỏi nữa. Ngoài nghề câu cua, nó còn dạy cho tôi nhiều thứ, mà tới giờ vẫn còn hữu dụng.
Khi tôi và Thanh học hết cấp 3, vào đại học, đi làm thì cũng là lúc con cua tự nhiên đã hiếm dần. Làm vuông, nếu muốn có cua bán thì phải mua giống, về thả mà cũng rất… hên xui. Người dân xứ mặn bây giờ ít ai đi câu, chủ yếu bắt cua bằng cách thả rập. Lâu lâu về vuông, tôi thèm cảm giác được đi câu cua như hồi xưa, nhưng không phải lúc nào cũng được như ý, bởi khi thì không có cần câu, khi thiếu mồi, thiếu vợt. Gom đủ đồ nghề, ra quân có hôm thất trắng vì không vào con nước, cua không ăn mồi. Lâu lâu vợt được một con là sướng rơn, vì nó thuộc về phạm trù tinh thần, nên quý hơn vật chất đơn thuần.
Cũng là cua như nhau, nhưng cua Cà Mau nổi tiếng chắc thịt, thơm ngon hơn các nơi khác, được thực khách cả nước ưa chuộng. Ngay tại Cà Mau, chất lượng con cua từng vùng cũng không giống nhau. Nổi tiếng nhất là cua Năm Căn, đã được công nhận thương hiệu, nhưng theo tôi cua ở Năm Căn và Ngọc Hiển là một, vì sự tương đồng về mặt địa lý, thổ nhưỡng. Con cua ở Ngọc Hiển, gọi là cua Năm Căn cũng chẳng sai về nguồn gốc, xuất xứ; có chăng chỉ khác ở tên gọi về hành chính mà thôi.
Con cua đã giúp nhiều người Cà Mau giàu lên, từ nghề ươm giống, nuôi cua thương phẩm, xuất khẩu, hay thậm chí mở nhà hàng đặc sản. Rồi người ta lại mê ra món cua cốm, hay còn gọi là cua hai da. Tiềm năng, giá trị kinh tế rất lớn, tuy nhiên, như bao mặt hàng nông sản khác, con cua cũng ảnh hưởng bởi bao phen chìm nổi của thị trường, giá cả trồi sụt thất thường, rồi nạn mạo danh thương hiệu. Thanh bảo, nhiều lúc thèm, đi tìm mua cua Cà Mau mà gặp toàn cua vùng khác . “Em là dân Cà Mau chính hiệu, biết câu cua từ hồi ở truồng tắm sông, lừa em sao nổi? Ðược ăn bữa cua đã đời, em như lên tinh thần, có động lực hơn”, Thanh quả quyết.
Nghe thằng em tâm sự mà lòng tôi dâng lên bao nỗi niềm khó tả. Cuộc sống này, trong mắt những người lạc quan, dù có đẹp nhưng vẫn còn không ít bề bộn, lo toan, mà nông dân chính là những người thiệt thòi nhất.
“Hay mày chuyển qua kinh doanh cua Cà Mau coi sao?”.
Nghe gợi ý của tôi, Thanh cười xoà, rồi bảo: “Sẽ suy nghĩ kỹ”./.
Tuấn Ngọc