(CMO) Lồng ghép, kết nối hoạt động xúc tiến trong các lĩnh vực khác nhau để mời gọi đầu tư là một trong những giải pháp giúp tỉnh khắc phục khó khăn, tạo kết quả đáng khích lệ thu hút đầu tư thời gian qua.
Cà Mau được nhiều nhà đầu tư biết đến với nhiều tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên, khó khăn, hạn chế kèm theo cũng không ít. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là nằm xa các trung tâm kinh tế của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… và điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ.
Ðẩy mạnh quảng bá tiềm năng
Nhận diện được những khó khăn, hạn chế đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ chính sách cho đến phát triển hạ tầng. Từ đó, hoạt động thu hút đầu tư những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2016-2020, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
“Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai khá toàn diện và đồng bộ qua các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư…, từ đó hoạt động mời gọi đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau Quách Văn Ấn chia sẻ.
Song song đó, UBND tỉnh giao các đơn vị đầu mối tích cực tham gia các hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư liên ngành, liên vùng do các bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm kết hợp xúc tiến đầu tư, nắm bắt những thông tin chính sách, định hướng mới về đầu tư.
Tỉnh còn tiến hành xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng… hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Ngoài ra, ông Ấn cho biết thêm, hoạt động xúc tiến đầu tư không đơn lẻ từng lĩnh vực, đã lồng ghép, kết nối các hoạt động xúc tiến trong các lĩnh vực khác nhau, như đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp qua từng sự kiện nhằm nâng cao hiệu quả mời gọi đầu tư, tiết giảm chi phí cho ngân sách.
Ðột phá về chính sách
Trên địa bàn tỉnh hiện đã và đang tiếp tục quy hoạch xây dựng 2 khu công nghiệp là Khánh An, Hoà Trung và 1 Khu kinh tế Năm Căn. Trong đó, đặc biệt, Khu Công nghiệp Khánh An đã đầu tư tuyến đường N1, con đường huyết mạch đấu nối tuyến đường Võ Văn Kiệt đến sông Cái Tàu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập kết vật tư, xây dựng các nhà máy, kho bãi. Hệ thống hạ tầng cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh, như tuyến đường D6, xây dựng hàng rào khu công nghiệp, hệ thống thoát nước, đắp bờ bao khu công nghiệp... tạo diện mạo mới, từ đó ngày càng nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Tính đến nay, Khu Công nghiệp Khánh An thu hút 20 dự án đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp xử lý khí, vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ, bao bì. Các dự án đã thực hiện tốt theo tiến độ cam kết và dần đi vào hoạt động.
Không chỉ có khu công nghiệp Khánh An, thời gian qua, hàng loạt các dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện. Cụ thể, đối tác đầu tư trong nước, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được 188 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 50.342 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư toàn tỉnh đến nay có 343 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 121.974 tỷ đồng. Mặt khác, dự án đầu tư nước ngoài cũng có nhiều chuyển biến tích cực, giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh thu hút được 7 dự án FDI trong tổng số 10 dự án FDI hiện nay toàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư 387,331 triệu USD.
Tuyến đường Tắc Thủ - Ðá Bạc kết nối khu đô thị Khánh Bình Tây trong tương lai gần. |
Tỉnh đã và đang tích cực thu hút, mời gọi đầu tư vào các dự án động lực, như cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, đầu tư hạ tầng Trung tâm Tài chính - Thương mại Khu kinh tế Năm Căn, dự án Khu Du lịch Mũi Cà Mau; ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.
Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, dự án động lực tỉnh Cà Mau đang tích cực mời gọi đầu tư. |
Thời gian qua, môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm thiểu chi phí. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2019, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau xếp hạng 45/63 tỉnh, thành trong cả nước, nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá trên bản đồ PCI cả nước. Ðặc biệt, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp hạng 3/63 tỉnh, thành trên cả nước. Ðây là kết quả của sự chỉ đạo kỳ quyết, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.
Với những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua, tỉnh từng bước tạo nền tảng vững chắc trong những năm tiếp theo. Nhất là khi đã chủ trương của Trung ương về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; nâng cấp, mở rộng Sân bay Cà Mau; tuyến tránh Quốc lộ 1 qua địa bàn TP Cà Mau... Cà Mau sẽ là điểm nến hấp dẫn cho các nhà đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, nhất là kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch... sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển toàn diện trong tương lai gần./.
Nguyễn Phú