(CMO) Từ khi Cà Mau thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Thay đổi nhận thức từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang nền kinh tế thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Với điều kiện tự nhiên phong phú, Cà Mau được đánh giá có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp để hình thành các sản phẩm OCOP. Do đó, kể từ khi Chương trình OCOP được triển khai, đã và đang tạo ra sức hút mạnh mẽ, nhiều triển vọng cho các thành phần kinh tế nông thôn.
Bằng sự sáng tạo và ham học hỏi, chàng thanh niên Khưu Văn Chương (sinh năm 1980, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) đã tạo nên thương hiệu riêng mang tên nước cốt nhàu nguyên chất SK NONI. |
Trong năm 2022, theo kế hoạch đăng ký đầu năm, cấp huyện có 69 sản phẩm/45 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP và 21 sản phẩm/12 chủ thể đăng ký nâng hạng.
Ðến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã tổ chức đánh giá xong 2 đợt, với 54 sản phẩm/22 chủ thể mới và 3 sản phẩm/1 chủ thể tham gia nâng hạng.
Ép chuối khô, nghề truyền thống tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Sản phẩm này như được nâng tầm giá trị khi bước vào sân chơi mang tên OCOP. |
Bánh phồng tôm, đặc sản quê không thể bỏ qua khi đến với huyện Năm Căn. Ảnh: TRẦN LÂM |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 năm 2022 đối với 24 sản phẩm của 11 chủ thể. Kết quả, 24 sản phẩm của 11 chủ thể đạt 3 sao theo quy định. Nâng tổng số có 101 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của 52 chủ thể ở thời điểm hiện tại.
Dự kiến, những tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh - Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ đánh giá thêm 33 sản phẩm/15 chủ thể, trong đó có 3 sản phẩm/1 chủ thể nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Ðể đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP, trước khi quyết định và công bố, các mẫu sản phẩm đều qua quy trình kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. |
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, những sản phẩm được công nhận rất phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện rõ bản sắc và truyền thống của từng địa phương trong tỉnh mà còn khơi dậy tiềm năng, lợi thế về sản vật, nguyên liệu và sự khéo tay của người dân nông thôn Cà Mau. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt, một số sản phẩm OCOP của tỉnh còn xuất khẩu qua các thị trường như: Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore…
Nhờ đó mà đến nay, khảo sát sơ bộ cho thấy, có hơn 30% sản phẩm OCOP của tỉnh có doanh thu tăng từ 5-8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 15-20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá./.
Văn Đum