(CMO) Những năm gần đây, các tổ, hội đồng cấp huyện và thành phố, hội đồng tỉnh rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ thẩm định, đánh giá các sản phẩm OCOP. Nghiêm khắc, công tâm, trách nhiệm, đó là tinh thần làm việc của các tổ, hội đồng thẩm định, vì mục tiêu cao nhất là chất lượng và sự bền vững của sản phẩm OCOP.
Cần kiện toàn khi chưa lên bàn thẩm định
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Thực tế chúng ta vẫn chưa có giới hạn đối với 1 sản phẩm OCOP; bản thân chủ thể sản xuất cũng chưa biết làm gì để sản phẩm của mình tồn tại với thời gian; để khi tiến hành kiểm tra lại, xem có đúng với các tiêu chuẩn ban đầu khi đưa lên bàn để hội đồng các cấp chấm điểm”.
“Hiện nay, cái tên của sản phẩm vẫn chưa có sự thống nhất; đơn cử như đối với con cá khô đù, mỗi nơi có một cái tên, không có sự thống nhất, khiến khách hàng “bỡ ngỡ”, không khéo chúng ta đánh lừa khách hàng. Chúng ta không cần chạy theo thành tích, không cần làm quá nhiều sản phẩm OCOP đối với một nguyên liệu”, ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, băn khoăn sau khi tham gia hội đồng chấm điểm.
Một thực tế hiện nay đang tồn tại đó là có tình trạng chủ thể tự ý thay đổi bao bì, mẫu mã, khác với thời điểm công nhận sản phẩm OCOP. Sự thay đổi còn diễn ra khi các chủ thể đã có thị trường; đơn đặt hàng nhiều, sản xuất không kịp, nên chạy để “gom” hàng của những nơi khác, gắn nhãn mác OCOP của mình vào, tạp nham, mất kiểm soát. Những trường hợp như thế, vì lợi nhuận trước mắt, chủ thể chưa lường đến hậu quả có thể bị rút giấy phép bất cứ lúc nào; hành động này khiến chủ thể tự đánh mất thương hiệu trên thương trường.
Ðể giải quyết bài toán khó này, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ dựa vào kế hoạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nắm được sản phẩm nào do chính chủ thể làm ra, sản phẩm nào chủ thể đi mua về và gắn nhãn mác; có vậy thì chất lượng cũng như thương hiệu của sản phẩm mới đảm bảo.
Sản phẩm của cơ sở Thuý Lực, Phường 2, TP Cà Mau là 1 trong 24 sản phẩm được công nhận OCOP đợt này. |
Chia sẻ trong một cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, trân trọng những sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của các chủ thể, đồng thời cũng đề cập vấn đề: Khi được công nhận rồi, có đơn hàng lớn thì không thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ðây chính là câu chuyện dài hơi về quy mô tổ chức sản xuất của các chủ thể; song song đó là phải nhận thức rõ giá trị của hàng hoá; những chủ thể vừa tham gia và sẽ tham gia sân chơi OCOP, phải xác định mình phải làm gì khi tham gia sân chơi này.
Ông Nguyễn Chí Công mong muốn: “Khi sản phẩm đến được với hội đồng thẩm định thì sản phẩm đó phải là sản phẩm bền vững, có triển vọng; ở đây, vai trò của các tổ tư vấn địa phương là rất quan trọng”.
Chủ thể phải chủ động
Một thực tế đã qua, về nội lực thì chủ thể tiềm năng của Cà Mau rất đông, nhưng sự quyết tâm chưa cao, có điểm yếu trong khâu làm hồ sơ. Chính vì thế, câu chuyện giải pháp dài hơi đã được ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh vạch ra, đó là xác định thêm các đơn vị tư vấn, bởi đã qua có tình trạng công chức tư vấn đi làm thay cho các chủ thể; các tổ chức tư vấn dịch vụ của chúng ta vẫn chưa có.
Ðã qua, các chủ thể tham gia sân chơi OCOP đã phát huy tốt vai trò, khẳng định thương hiệu. (Trong ảnh: HTX Bồn bồn Minh Duy, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước nỗ lực đưa sản phẩm vào OCOP). |
Hiện Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cũng đã có Trung tâm hỗ trợ hợp tác xã nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc làm hiện nay là chúng ta phải phát huy năng lực các trung tâm này bằng những người trẻ hơn và có sức thuyết phục người tham gia. Từ đó, khi thuận tiện, chúng ta sẽ “bung ra” theo hướng phát triển dựa theo định hướng về thế mạnh của địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, định hướng về sự phát triển bền vững của tương lai, phải và sẽ thực hiện theo hướng khuyến khích các chủ thể tham gia ban đầu, dần dà thành phong trào lớn; từ phong trào này sẽ lại có những định hướng và những biện pháp hợp lý để siết chặt chất lượng. Nhưng muốn siết chặt thì phải xác lập nhiệm vụ cho rõ ràng; muốn nâng sao thì phải có danh mục sản phẩm; vấn đề quan trọng là phải có sự đồng thuận cao và hưởng ứng nhiệt tình của chủ thể.
“Có một hiện tượng là đã qua các chủ thể đã hài lòng với những gì mà mình đang có; đây là vấn đề cần xem xét lại thật cặn kẽ. Bởi lẽ, muốn phải triển lâu dài, đạt OCOP rồi thì phải phát huy chứ đừng dừng lại, nếu không sẽ bị loại; phải có sự bắt buộc như vậy để mọi người cố gắng liên tục và liên tục”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Thời gian qua, phong trào xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP được các địa phương triển khai sôi nổi và đồng bộ. Tới đây, để bền vững hơn, thiết nghĩ công tác kiện toàn từ nhiều phía là yếu tố cần thiết nhất. Như Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Trong năm 2023, phát triển sản phẩm OCOP phải đảm bảo chất lượng. Ðây được xem là nhiệm vụ quan trọng trong hành trình tiếp theo”./.
Phú Hữu