(CMO) Hơn 10 năm, sau khi Huyện uỷ Phú Tân ban hành Nghị quyết 03 về việc tận dụng sân, vườn, bờ bao vuông tôm để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng thuận sâu rộng của Nhân dân. Trong bối cảnh mới, Nghị quyết 03 đang được tiếp sức bằng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, xuất hiện các mô hình sản xuất mới mang lại giá trị kinh tế cao, đa dạng sinh kế cho nông dân. Xã Phú Mỹ anh hùng trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông thôn phù hợp, linh hoạt, hiệu quả và bền vững trên vùng đất mặn.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Nghị quyết 03 của Huyện uỷ đã tạo ra sinh khí mới trong lao động sản xuất của bà con. Ban đầu chỉ là mô hình cây trồng, vật nuôi nhỏ lẻ, tận dụng đất bờ liếp, sân vườn để cải thiện sinh hoạt gia đình. Khi thấy hiệu quả, lợi ích nhiều người mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất đa cây, đa con mang lại giá trị kinh tế khá”.
Mang khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Bà con vùng Phú Mỹ sau chuyển dịch vẫn coi con tôm, con cua là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, qua thời gian cung cách sản xuất truyền thống thụ động, hiệu quả bấp bênh, người dân dần nhận ra tầm quan trọng của hiểu biết, khoa học - kỹ thuật và các mô hình sản xuất mới. Ðảng uỷ và UBND xã Phú Mỹ xác định, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương là phải làm sao để nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, kiến thức vào sản xuất, gia tăng giá trị cho nông sản, đa dạng hoá các mô hình sinh kế.
Từ đó, cũng là con tôm, con cua, nhưng giờ đây người dân Phú Mỹ hầu hết áp dụng thuần thục quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi dèo cua thương phẩm với hiệu quả được nâng lên qua từng năm. Theo ông Ngô Minh Ðây, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ: “Việc mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về tới tận xóm ấp đã giúp người dân tiếp cận cách sản xuất khoa học, hiệu quả, không còn trông đợi vào may rủi nữa”.
Ông Tăng Văn Nghiêm, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, phấn khởi: “Kết quả nuôi tôm quảng canh cải tiến hiện tại năng suất gấp đôi, gấp ba so với cách nuôi truyền thống trước đây. Chỉ cần bà con chịu khó học hỏi, tiếp cận với kiến thức bài bản thì năng suất luôn ở mức khá”. Riêng gia đình mình, ông Nghiêm tiến hành mô hình nuôi dèo cua thương phẩm, chủ yếu là cua gạch. Chỉ với diện tích ao dèo hơn 300 m2, giá trị thu về hàng năm từ con cua lên tới hơn 150 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ con tôm.
Dèo cua gạch thương phẩm, mô hình hiệu quả đang được ông Tăng Văn Nghiêm (bìa trái) lựa chọn. |
Ðảng bộ, chính quyền và các đoàn thể Phú Mỹ luôn đồng hành với bà con trong lao động sản xuất. Quan trọng hơn, nông dân Phú Mỹ đã ý thức được giá trị của kiến thức, của khoa học - công nghệ liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân của chính mình. Nói như ông Ðây: “Bà con bây giờ tiếp thu thông tin từ nhiều nguồn, nhất là các kiến thức, thông tin về lao động sản xuất trên môi trường Internet”. Cán bộ, đảng viên của Phú Mỹ luôn là những người đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, đồng hành với bà con, để đảm bảo các thông tin mà bà con tiếp cận là chính xác, hữu ích.
Mạnh dạn làm giàu
Mô hình kinh tế của lão nông Ngô Tứ Phương, ấp Lung Môn, xã Phú Mỹ, khẳng định người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu trên vùng đất mặn với đa dạng cây trồng, vật nuôi.
Với diện tích hơn 8 ha, ông Phương quy hoạch riêng khoảng 5 công để ngọt hoá, lập vườn, nuôi trồng các loại sản vật vùng ngọt. Từ cá đồng, bông súng, cây ăn trái, cho đến mới nhất là ốc bươu đen, giá trị kinh tế mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cây trồng, vật nuôi của ông Phương, nói như ông là không mới, nhưng quan trọng là cách làm mới. Như vườn dừa, thay vì trồng bán trái, ông trồng để bán củ hủ. Ao nước ngọt, ông không chỉ thả các loại cá quen thuộc mà nuôi ốc bươu đen, tôm càng xanh. Ngoài trang trải sinh hoạt gia đình, ông Phương luôn ưu tiên những loại cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ, có giá trị kinh tế để làm mặt hàng thương phẩm.
Diện tích còn lại, ông Phương mạnh dạn tổ chức mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng chủ yếu là dành cho tôm quảng canh cải tiến. Với ông Phương, tính hiệu quả phải gắn với tính bền vững, đảm bảo gia đình có nhiều nguồn thu, nhưng phải có năng suất, ít rủi ro. “Nếu chỉ trông chờ vào con tôm, con cua theo cách nuôi trước đây, nông dân mình sẽ rất khó để khá giàu, bây giờ làm ăn phải có tính toán, có khoa học - kỹ thuật, quản lý tốt thì mới ăn thua”, ông Phương bộc bạch.
Theo lão nông Trần Văn Khải, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, nông dân giờ phải tính đến cây trồng, vật nuôi mới, nhất là trong điều kiện triều cường, thời tiết diễn biến phức tạp. Huê lợi từ vuông tôm phải cộng hưởng với các nguồn kinh tế khác thì đời sống nông dân mới vững vàng, mới phát triển thật sự.
Vườn cây ăn trái trên đất mặn của lão nông Trần Văn Khải. |
Phong trào lập vườn, ngọt hoá tại xã Phú Mỹ ngày càng nhân rộng, trong đó có những nông dân tiên phong đưa cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp, có giá trị kinh tế để tạo bứt phá trong sản xuất.
Phú Mỹ còn được biết tới là vùng rẫy màu, cây ăn trái trọng điểm của đất mặn Phú Tân. Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Không chỉ gia tăng, nhân rộng diện tích hoa màu, cây ăn trái, địa phương đang tính toán để làm sao tìm kiếm, thí điểm, từ đó nhân rộng các loại cây trồng mới, phù hợp, có đầu ra, có giá trị kinh tế để người dân có nhiều lựa chọn sản xuất. Ðịa phương còn cùng với bà con tính toán xen canh loại vật nuôi nào thích hợp để nhân lên lợi nhuận. Phát triển sản xuất luôn gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương, hướng tới các giá trị lợi ích lớn hơn, bền vững hơn cho nông dân”.
Từ nền tảng thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện uỷ Phú Tân, xã Phú Mỹ đã tạo ra nhiều gợi ý tích cực để phong trào đa canh trên đất mặn hướng vào chiều sâu giá trị, vùng đất mặn đã cho "trái ngọt", mang lại lợi ích cho Nhân dân./.
Hải Nguyên