ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 10:47:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðịnh hình bản sắc du lịch Cà Mau - Bài 1: Du lịch Cà Mau đang ở đâu?

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Lâu nay, khi nhắc đến Cà Mau, mệnh đề mặc nhiên được nói đến là địa phương giàu tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch. Quả thật, tài nguyên du lịch Cà Mau vừa phong phú, vừa có nét đặc trưng khác biệt. Du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc định hình bản sắc, thương hiệu và vị trí của du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch nội địa và quốc tế còn rất nhiều điều trăn trở. Du lịch Cà Mau đi tiếp theo hướng nào, cách nào và bằng nguồn lực nào để tìm cho mình một chỗ đứng xứng tầm là vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Loạt bài “Định hình bản sắc du lịch Cà Mau” với cách nhìn trực diện, đa chiều, tập trung gợi mở hướng đi, giải pháp trước mắt và những định hướng lâu dài, nhận diện cơ hội bứt phá, hầu góp thêm những ý tưởng cho khát vọng vươn tầm của du lịch Cà Mau.

Bài 1: Du lịch Cà Mau đang ở đâu?

Đây là câu hỏi khó, khó với chính những người trong cuộc, am hiểu và gắn bó với du lịch Cà Mau. Không cần làm phép so sánh với địa phương khác, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Cà Mau, gan ruột rằng: “Đừng quá tô hồng hay ảo tưởng về sự phát triển của du lịch Cà Mau. Thật ra, chúng ta chỉ mới bước đi những bước đầu tiên của việc làm du lịch theo đúng nghĩa. Các số liệu báo cáo tăng trưởng của du lịch chỉ là cơ học. Ví dụ như thế này, trước đây chưa có, bây giờ có 1, 2 thì tăng trưởng đương nhiên phải là 100%, 200%”. Để thấy rằng, du lịch Cà Mau đang ở ngưỡng khai thác được một số tài nguyên du lịch “lộ thiên”, đang chuyển mình từ việc làm du lịch “ăn xổi” sang du lịch thực thụ, chuyên nghiệp.

Đứng... một chân

Có vẻ trớ trêu, nhưng “Cà Mau rừng vàng, biển bạc” hoá ra lại tạo ra một áp lực không hề nhỏ cho du lịch. Hầu hết nhận định đều theo hướng áp đặt rất ưu ái rằng: “Với tiềm năng như thế phải phát triển, và phát triển vượt bậc”. Nhưng với góc nhìn nhà quản lý, ông Trần Hiếu Hùng thẳng thắn: “Nói một cách rốt ráo, Cà Mau chưa thể gọi là có du lịch. Nếu tính thang điểm 10, Cà Mau chỉ ở mức 3-4. Sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, du lịch được đánh giá tăng mấy chục phần trăm nhưng thực ra cũng chỉ mới bằng thời điểm trước dịch, nên gọi là phục hồi mới đúng”.

Thực tế cho thấy, Cà Mau ngoài điểm nhấn Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có sự đầu tư bước đầu cơ bản, có sức hút tương đối thì thật khó để tìm ra một điểm đến thực thụ có khả năng thu hút du khách. Cũng theo ông Hùng, du khách đến với Cà Mau bằng sự hiếu kỳ, tò mò, khám phá hơn là một điểm đến chủ đích để trải nghiệm du lịch theo đúng nghĩa.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Cà Mau đón gần 800.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. (Ảnh chụp tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau).

Để có một so sánh khách quan, ông Trần Hiếu Hùng cho rằng: “Nếu so với khu vực ĐBSCL, du lịch Cà Mau ở tầm trung bình, còn so với cả nước mới ở bước khởi động làm du lịch, thang điểm chưa đạt trung bình”. Cũng theo ông Hùng, nếu so về con số cơ bản nhất của du lịch là lượng du khách đến, Cà Mau rất khiêm tốn nếu đặt cạnh các tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL như Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang.

Cà Mau tự hào có 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt với tài nguyên du lịch phong phú, thế nhưng, chỉ có một chân phía rừng đước đã bám trụ, định hình, chân còn lại ở phía rừng tràm chỉ mới lưỡng lự đặt hờ trên con đường du lịch, thế nên thật khó để vững chãi, mạnh mẽ. Đây cũng là nhận định của ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Viettravel - Chi nhánh Cà Mau, một đơn vị lữ hành chuyên nghiệp: “Khách đặt tour về Cà Mau chủ yếu là chọn du lịch tuyến Đất Mũi, các tour tuyến khác rất hạn chế. Cho thấy sức hút du lịch của Cà Mau ở thời điểm hiện tại chỉ gói trọn ở tuyến du lịch trọng điểm Đất Mũi mà thôi”. 

Thực tế phát triển của vế còn lại mà du lịch Cà Mau luôn tự hào gắn với hệ sinh thái rừng tràm được Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết: “Ngoài một số điểm du lịch mới mở theo mô hình sinh thái, tham quan vườn trái cây thì du lịch của U Minh cũng chưa có gì nổi trội. Mà ở các điểm du lịch này, quy mô đầu tư, khả năng tiếp nhận khách cũng ở dạng nhỏ lẻ mà thôi”.

Nơi khá nhất vẫn loay hoay

Huyện Ngọc Hiển, có vẻ khả quan hơn, khi có tài sản đắc địa nhất của du lịch địa phương là Mũi Cà Mau. Song, ông Tiết Minh Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho rằng: “Địa phương chỉ ở giai đoạn đầu để hình thành điểm đến, tính toán xây dựng sản phẩm du lịch, nói chung còn nhiều khó khăn lắm”. Mới đây, Ngọc Hiển đã có “Làng Văn hoá - Du lịch” đầu tiên của tỉnh Cà Mau (thuộc ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi). Dù gọi là làng nhưng cũng mới chỉ có 7 hộ tham gia. Các điểm đến của du lịch Ngọc Hiển phần nhiều là của tư nhân gốc nông dân đứng ra gánh vác, cả sức vóc và tầm nhìn đều có hạn mức khiêm tốn.

Ai tới Đất Mũi cũng muốn giữ cho mình một tấm ảnh làm kỷ niệm khi được chạm tay vào Mốc toạ độ quốc gia GPS 0001.

Cũng theo ông Thành, Ngọc Hiển đang nỗ lực thực hiện chủ trương của tỉnh là huy động Nhân dân cùng tham gia, cùng hưởng lợi từ du lịch, nhưng vướng nhiều thứ. Không bàn về những khó khăn liên quan đến cơ chế, đến chính sách, mà ngay những người làm du lịch cũng chưa thật sự nhất quán với nhau. Mới đây nhất, việc thành lập hợp tác xã du lịch cho các hộ dân trong Làng Văn hoá - Du lịch thất bại vào phút chót, vì không tìm thấy tiếng nói đồng thuận giữa các thành viên. Đó là chưa kể, một số hộ dân đang trong giai đoạn “tìm hiểu” để làm du lịch, không dám bung sức, vì sợ lỗ vốn.

Một câu chuyện khác ở tuyến du lịch Ngọc Hiển, đó là có những điểm đến gắn mác du lịch cộng đồng, du lịch homestay, nhưng thực chất lại rất sơ sài. Chủ yếu các điểm dừng chân này chỉ phục vụ đơn thuần là ăn uống, bán hàng mà không có sản phẩm du lịch theo đúng nghĩa. Ông Nguyễn Văn Nhuần, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, một trong những người tiên phong làm du lịch cộng đồng bằng tất cả tâm sức, phải thốt lên rằng: “Có một số điểm dừng chân mới, họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt thôi. Mà làm du lịch nếu không đặt cái tâm, đặt cái lợi ích lâu dài thì khó bền vững”.

Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, điểm sáng nhất trong bức tranh du lịch tỉnh nhà, cũng gặp khó. Theo ông Trần Văn Thảo thì: “Đến Cà Mau, hầu hết là khách chọn đi Đất Mũi. Nhưng thử tính xem, chỉ quãng đường từ TP Cà Mau đến đó phải mất hơn 120 km. Khoảng cách xa cũng là vấn đề nhưng chưa phải tất cả. Vấn đề nằm ở chỗ vượt chặng đường dài như thế, nhưng trải nghiệm du lịch của khách quá ít ỏi, nó không tương đồng với thời gian, tiền bạc và cả kỳ vọng của du khách. Do đó, lượng du khách quay trở lại Cà Mau nói chung, Đất Mũi nói riêng, còn khiêm tốn”.

Hạ tầng du lịch của Đất Mũi đã có bước khởi sắc, nhưng nói theo ông Trần Hiếu Hùng là: “Khá so với trước đó, khi chưa có gì, còn để giữ chân khách, níu khách quay lại là chuyện khác”. Du lịch Mũi Cà Mau thực tế chỉ hút khách bởi tài nguyên về vị trí địa lý, còn những tài nguyên du lịch khác vẫn còn ở dạng tiềm năng hoặc giai đoạn manh nha định hình, chưa thể tính đến chuyện phục vụ theo nhu cầu của du khách.

Cảm giác tiếc nuối, có lẽ lưu lại nhiều hơn cảm giác thoả mãn khi du khách về Đất Mũi. Đó cũng là cảm giác chung của du khách khi về với Cà Mau. Nó nằm trong mệnh đề mà bấy lâu nay người ta trăn trở giữa tiềm năng và thực tế phát triển. Câu hỏi du lịch Cà Mau đang nằm ở đâu, để trả lời thoả đáng không cách nào khác phải nhìn trúng, nhìn đúng những khó khăn, vướng mắc, bắt trúng những điểm nghẽn để có phương thuốc khơi thông hữu hiệu./.

 

Hải Nguyên - Phúc An

BÀI 2: NHỮNG ĐIỂM NGHẼN CẦN KHƠI THÔNG

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.